***************************************************************************************************
Picture
12. NHỮNG NGÀY ĐẦU Ở PHỐ CỔ HỘI AN.
Picture
TRẦN QUỐC ANH
              Mùa hè 1972, tôi cầm sự vụ lệnh từ Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia về trình diện Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quảng Nam, F/ ĐB. Trước ngày rời  Sài Gòn các bạn bè thêu dệt đủ thứ chuyện về con người và đất nước Quảng Nam. Có đứa thì thương hại vì tôi phải về một vùng khó khăn ,nghèo khổ đất cày trên sỏi đá. Hồi ấy dân Sài Gòn nói đến miền trung , họ chỉ biết có Huế, Đà Nẵng . Còn những tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi , Quảng Nam, Quảng Trị thường thường mù tịt.
          Máy bay đáp xuống phi trường Đà Nẵng. Ra khỏi phi trường, một thành phố khá ồn ào nhộn nhịp hiện ra trước mắt tôi. Tôi cảm  thấy bơ vơ giữa một vùng hoàn toàn xa lạ. Điều tôi  thấy vui vui là tính thân thiện và giọng nói ngộ ngộ pha chút chất phác khiến tôi có cảm tình với con người và vùng đất mới nầy. Tôi lên chiếc xe đò Đà Nẵng Hội An, hành khách phần nhiều là những người đàn bà đi buôn,  với lối ăn mặc xềnh xoàng trông ai cũng có vẻ khắc khổ. Con đường Đà Nẵng _ Hội An chừng 30 cây số. Đến ngả ba Điện Bàn, xe rẽ phải trên con đường nhỏ trải nhựa lâu ngày đã tróc lở chỉ còn đá dăm gồ ghề lởm chởm, quanh co. Hai bên  đường là dồng ruộng. Những mảnh ruộng nho nhỏ nối tiếp nhau ,đất nứt nẻ vì khô hạn. Thỉnh thoảng giữa đồng một xóm nhỏ mọc lên với lũy tre bao bọc và con đường nhỏ chạy ra ngoài vừa đủ một người đi.
          Bến xe Hội An lọt thỏm trong một miếng đất nhỏ chung quanh là nhà với những quán hàng chật hẹp san sát vào nhau. Tôi lớ ngớ một hồi mới tìm được đường đến văn phòng cảnh sát đặc biệt tỉnh Quảng Nam.
 Người đầu tiên tiếp tôi ở văn phòng là một nhân viên ngoài bốn mươi với khuôn mặt khắc khổ của người miền trung và tia nhìn lạnh lùng, soi mói của con nhà tình báo. Tôi trình sự vụ lệnh cho ông ta và chờ năm phút thì dược đưa vào gặp trưởng F (người trưởng cơ quan cảnh sát đặc biệt của tỉnh). Ông ra dấu cho tôi ngồi trong khi mắt lướt qua tờ sự vụ lệnh. Xong ông mỉm cười nhìn tôi thân mật.
- Anh từ trong nam ra à.
Tôi không biết ông muốn hỏi quê tôi từ trong nam hay làm việc từ trong nam chuyển ra nên rôi trả lời hàng hai.
-Vâng thưa ông trưởng F, tôi mới từ Bộ Tư Lệnh chuyển ra.
Bây giờ tôi mới nhìn ông kỹ hơn,dáng ông nhỏ, khuôn mặt gầy, đôi mắt tinh anh sắc sảo nhưng nụ cười hiền hòa với giọng nam chơn chất làm tôi có cảm tình với ông ngay từ phút đầu. Trông ông không có vẻ gì là dễ sợ của một trùm tình báo  một tỉnh đầy biến động cả thù trong lẫn giặc ngoài như Quảng Nam
Sau ba ngày tạm trú trong cơ quan với anh bạn cùng về một lúc như tôi, chúng tôi đã tìm một chỗ ở tạm bên ngoài. Tìm nhà ở Hội An thật muôn vàn khó khăn. Chúng tôi đã đi mấy ngày muốn rã cả chân mà chỗ nào cũng lắc đầu. Hồi ấy cũng không có báo rao vặt nhất là một thành phố nhỏ như Hội An.Cũng may nhờ anh bạn cùng cơ quan giới thiệu, nên mới có chỗ trú chân này.
Hội An , thành phố nhỏ, cổ kính nằm bên bờ sông Thu. Hồi đó tôi không biết gì về thành phố nầy tuy ngày còn đi học thầy giáo có nói đến thành phố mà người ngoại quốc đến giao lưu đầu tiên là Faifo tức Hội An. Nhưng khi đặt chân đến đây, nhớ bài học cũ, tôi không khỏi phì cười. " thành phố gì đây mà thành phố" vỏn vẹn có mấy con đường nhỏ hẹp , ngắn ngủn Cường Để, Quang Trung, Lê Lợi... với những tiệm tạp hóa nho nhỏ nằm khép mình trên con phố đìu hiu. Ban ngày trời nắng như đổ lửa, tôi thường ra dưới gốc cây phía trước nhà ngồi hóng mát hay vào quán cóc của bà già bên cạnh tán dóc vài câu. Phải nói mấy bà già già ở Quảng Nam hiếu khách, chất phát, hiền lành, dễ thương. Bà có cô con gái tên Mận,tuổi đôi mươi nên tôi thường gọi bà là má , cô Mận mỗi lần nghe tôi  gọi thế, nguýt dài, mắng tôi vài câu và hồng đôi má.
          Vì chờ phân phối đi các quận, nên thời gian rảnh rổi không biết làm gì, buổi sáng tạt qua cơ quan một chốc rồi ra quán cà phê Tiêu phía trước ngồi nhâm nhi những giọt đắng nhìn những cô công chức thướt tha trong  tà áo dài đến ty thông tin, tòa hành chánh...Tối, để tránh ngột ngạt, nóng bức của căn nhà. Tôi và Bồi (bạn cùng đổi ra một lúc với tôi) thường lang thang xuống bến Bạch Đằng đón hơi nước từ sông Thu. Hồi ấy nơi đây không có đèn đường, nên những ngày cuối tháng dường tối hun hút, bờ sông thưa thớt bóng người. Thỉnh thoảng một đôi tình nhân ngồi sát bên nhau làm tôi cảm thấy cô đơn mà nhớ về Ban mê thuột. Trên đường về nhà, tôi thích băng qua lối Chùa Cầu vì bên trong có ngọn dèn lờ mờ hắt một chút ánh sáng ra đường soi hình hai con khỉ ngồi chắp tay nghe bước chân người kẻo kẹt trên những tấm ván lâu ngày đinh lỏng.
          Tôi ở đấy, ngày lại ngày, cô đơn, buồn. Vì là mùa hè, các trường còn đóng cửa, muốn tìm xem con gái Hội An xấu đẹp thế nào cũng không biết làm sao. Ngang qua trường Trần Quí Cáp trên đường Trần hưng Đạo, chỉ thấy cây phượng đỏ nằm nghểu nghện trong sân, phơi mình dưới ánh nắng hè gay gắt.
          Một buổi trưa, tôi nằm rên phản đọc tờ báo cũ, bỗng có bước chân tới gần rồi bàn tay ai đó đập vào người tôi.
-Đọc gì mà say sưa thế? Tôi ngước lên nhìn và reo
-Ủa thằng Kiểu, sao mầy biết tao ở dây mà đến?
- Vậy mới tài, thôi ra quán cà phê phía trước rồi tao cho biết lý do. Kiểu, bạn tôi thời trung học. Năm đệ tam rời Trần Quý Cáp Hội An vào Ban Mê Thuột học cùng lớp với tôi. Buồn đời, bỏ học đi nhảy dù rồi bỏ đơn vị về địa phương làm lính kiểng.
-Mi ra đâykhi mô?
- Nửa tháng, buồn muốn chết. Chỗ mầy đến đây có xa không?
-Mươi cây số thôi, mầy biết ngả ba Vĩnh Điện không? nhà tao gần đó. Không gặp Quan thì đâu biết dược mầy ra đây. Tao vào bộ chỉ huy hỏi mầy, lần dò miết mới tìm được đây.
-Gặp mầy tao thật bất ngờ, tưởng mầy chết xỏ xỉnh nào rồi. Đúng là quả dất tròn.
Kiểu nhìn tôi rồi buột miệng.
-Mầy thay đổi nhiều đó Anh. Đen hơn, phong trần hơn và...già hơn
- Mầy nói không ai cãi được. Từ thắng thư sinh mặt trắng giờ thành thằng lính thì không phong trần sao được. Kiểu cắt lời tôi.
-Mà thôi, mầy thấy Hội An thế nào? đã quen được người đẹp nào chưa?
-Chưa, tao chưa thấy ai gọi là người đẹp cả, còn cảnh thì buồn, con người thì chất phác, dễ mến.Trả lời như vậy được chưa?
Kiểu cười, - còn thiếu sót nhiều, con gái Hội An được tiếng là đẹp đó mầy. Rất tiếc là mùa hè nên mầy không thấy được các em nữ sinh cũng như các em con nhà khuê các lúc nào cũng trốn trong nhà vì ra ngoài sợ nắng đen da.
- Ờ mà mầy còn ở đây bao lâu nữa, đã biết đi mô chưa?
-Chưa, nhưng cũng sắp. Bây giờ ra đây rồi thì đi dâu cũng được. Tôi trả lời Kiểu.
-Thôi vào thay đồ đi, tao dẫn mầy lại giới thiệu con nhỏ nầy.
- Làm gì mà trịnh trọng vậy. Bộ thế nầy không được sao?
- Phải ăn mặc tử tế một chút. Cô giáo, con nhà dàng hoàng, khá xinh, hiền
- Tao nghe mầy giới thiệu thì em đã đạt diểm mười rồi. Nhưng là gì với mầy?
- Em gái kết nghĩa.
- Tao có tin được không, tao nghi mấy ông anh kết nghĩa lắm. Tôi cười và nhìn Kiểu một cách hóm hỉnh
- Bậy nào, chỗ quen biết. Nếu mầy quen thì cũng liệu mà cư xử.
-Mầy khỏi phải căn dặn, tao biết phải làm gì mà....
Kiểu dừng xe trước tiệm uốn tóc Lan Hương, người con gái nhìn ra cửa và reo lên
- A ! anh Kiểu vào hồi nào vậy?
- Anh mới vào, sao hôm nay ở nhà. Khi nào mới bắt đầu đi dạy?
Không để cô gái trả lời câu hỏi. Quay qua tôi Kiểu giới thiệu.
-Đây là Quốc Anh, bạn học  cũ vừa từ trong nam đổi ra.
Cô gái nhìn tôi khẻ gật đầu chào. Tôi đáp lễ và quan sát.
          Đúng là người đẹp đây. Thành phố nhỏ thế nầy, mình đã đi qua lại đây biết bao nhiêu lần mà sao không thấy. Nàng tên là Phúc, cái tên mang lại bao điều an vui tốt đẹp với khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền hòa, dáng thon gầy, đôi mắt to trong sáng.
          Tôi hơi xao xuyến ngay phút đầu gặp gỡ. Một tình  cảm nào len nhẹ vào  hồn, một thứ tình cảm mà mình chưa hề bắt gặp trong những lần quen biết trước. Ngồi nói chuyện một lác, Kiểu mời mình và Phúc đi uống cà phê.

Picture
         Quán cà phê nằm gần bờ sông trên đường Bạch Đằng với cái tên nghe ngồ ngộ:" Quán Chiều". Cô chủ quán nước da ngâm ngâm đen, trông duyên dáng đon dả mời chúng tôi và nheo mắt nhìn Phúc như muốn hỏi thằng cha nào trông lạ lẫm lạc đến đây. Vì là thành phố nhỏ, mọi người đều quen biết nhau nên có ai lạ xuất hiện là chẳng mấy chốc ai cũng biết .
          Ngồi một một chốc, Kiểu tìm cớ bỏ đi để cho tôi có diều kiện "tán tỉnh" nàng. Trời còn nắng nên quán thưa khách. Tôi bước lại chỗ quầy nói nhỏ cô chủ:"cô có thể cho tôi nghe bản MỘNG DƯỚI HOA? Cô chủ quán nhìn tôi cười có vẻ thông cảm, đưa bàn tay nhỏ nhắn ấn vào máy:
"Chưa gặp em anh vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng...."
          Giọng ca trầm ấm của Vũ Khanh, lời nhạc thiết tha tình tứ, âm diệu nhẹ nhàng trầm bỗng bên cạnh người con gái mới quen, nhưng thật nhiều rung cảm. Tôi như nghe một cảm giác lâng lâng giống ngày xưa Kim Trọng ngồi  nghe Thúy Kiều đánh dàn ở hiên Lãm Thúy.
Phúc có thích bản nhạc nầy không?
Thích, nhưng sao anh yêu cầu bản nầy?
Bởi nó giống tâm tư của anh trong hiện tại. Sau nầy, nó mãi là bản nhạc mang dấu ấn cho lần gặp gỡ đầu tiên của chúng mình.
           Phúc chớp mắt cúi xuống có vẻ xuyến xao cho câu nói và tia nhìn trìu mến của mình.Từ đó, hình bóng nàng đã ngự trong lòng tôi và Hội An bây giờ là thành phố nhỏ, hiền hòa, thơ mộng và lãng mạn. Tôi yêu Hội An với những con đường nho nhỏ dễ thương cùng những con hẻm  sâu hun hút . Những mái nhà cổ kính rêu phong đã tạo cho Hội An có một dáng vẻ đặc biệt so với những thành phố khác.  Hội An còn có sông Thu hiền hòa  mang hơi nước mát cho   những ngày hè oi ả. Lần đầu tiên theo mấy người bạn đạp xe ra  bãi biển Cửa Đại. Tôi không khỏi ngạc nhiên một vùng quê hiền hòa , một bên dồng ruộng bao la, một bên dòng sông xanh mát. Bãi biển thoai thoải  với hàng dừa và phi lao lả ngọn. Những vỏ ốc, vỏ sò thật đẹp nằm chênh vênh trên cát chứng tỏ nơi đây thật thiếu bóng người.
          Tôi không được cái may mắn sống lâu dài nơi đây, nên biết về Hội An rất là hạn chế. Dù vậy, tôi cũng có một vài ký ức hay hay về Phở Liến, bún độc đáo Bà Tì, mì Quảng nổi tiếng bà Đợi , cao lầu ông Cảnh. Nhưng, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm và dễ thương nhất ở Hội An với tôi là Cà Phê 1.
          Quán nằm bên cạnh Khổng Miếu. Tuy nhỏ nhưng thật nên thơ. Tầng dưới, ngoài quầy hàng, chỉ vài ba bộ bàn ghế bằng nhựa đơn sơ. Lên cầu thang bằng gỗ không cao là một khoản sân rộng trán xi măng với những chiếc bàn con nằm ẩn mình bên những chậu hoa lá sum suê. Tôi thường đưa Phúc đến đây, bởi ngồi trên cao nhìn thành phố tĩnh lặng hơn và ngửi dược mùi hoa ngọc lan thoang thoảng bốc lên từ khu vườn phía dưới. Từ nơi dây, ta có thể nhìn những đóm hỏa châu thỉnh thoảng rực lên từ phía xa xa hòa với tiếng đại bác vọng về để thấy chiến tranh hiển hiện đâu đây.
Hơn một tháng ở Hội An đã chóng trôi qua, nhất là từ khi gặp nàng nghe như thời gian bay đi vun vút. Thành phố nhỏ bây giờ gắn chặt một phần đời mình
"Và từ đấy Hôi An không còn buồn ảm đạm
Gió sông Thu mang nỗi nhớ chuyển về
Cầu Cẩm Nam ai đứng đó hằng giờ
Chờ đợi người yêu để cùng chung bước
Chùa Cầu lặng soi mình trên dòng nước
Nhìn sông Thu sóng nhỏ lao xao...."
          (Trích: trường thi đời người tù cải tao của tác giả)
Trời đã sắp chuyển sang thu, những trận mưa đầu mùa bất chợt kéo về.
 Hôm nay vừa sập tối, bỗng gió từ biển thổi vào càng lúc càng mạnh. Bầu trời thấp xuống,  mây đen vần vũ và chẳng mấy chốc mưa từ trên cao ào ào đổ xuống. Ngồi trong nhà nhìn những giọt nước giăng qua tia chớp. Hình ảnh Phúc lại chợt hiện về. Ừ nhỉ, sao mình không đến nhà nàng ? Trời mưa thế nầy mà nàng thấy mình đội mưa đến thăm chắc nàng sẽ cảm động. Đúng đấy, tôi xuống mượn chiếc áo mưa mong manh của chủ nhà rồi băng mình trong mưa mặc cho nước thấm qua lần ny lông mỏng sau lưng nghe lành lạnh. Đường vắng không bóng người, từng tia chớp xé không trung và tiếp theo là tiếng sấm gầm. Mặc, tôi cứ bước, nghĩ tới khuôn mặt tươi vui rạng rỡ pha lẫn xúc  động của nàng làm tôi quên lạnh lẽo và âu lo...
Cũng từ sau cơn mưa đầu mùa đó, nàng yêu tôi. Chúng tôi yêu nhau và những lần hẹn hò tiếp nối dù không lâu sau đó tôi không còn ở lại Hội An.
Nàng bây giờ là mẹ của bốn đứa con tôi, đã cùng tôi chia xẻ biết bao  buồn vui, vinh nhục trong đời, nhất là sau ngày miền Nam sụp đổ.
Cảm ơn  phố cổ Hội An, nơi đã cho tôi một  quảng đời thật đep, một góc trời nên thơ, một cuộc tình trọn vẹn, một người vợ hiền hòa chung thủy.
                                                                        Cali mùa thu 2015

11. Quê Hương Niềm Mơ Ước
Picture
11. Phố Hội Ngày Xưa
PHỐ HỘI NGÀY XƯA
Em về phố Hội chiều nay
Qua sân trường cũ, nghe lòng rưng rưng
Hàng phượng đứng im lìm trong nắng
Nắng cuối ngày rơi trên ngọn cỏ
Ngọn cỏ buồn dưới gót chân em
Lòng chợt nhớ một chiều xưa cũ
Chân ngập ngừng...rời thềm cửa lớp
Đi vào đời,  biền biệt mấy mươi năm


Ôi! thương quá những tà áo trắng
Trắng tinh khôi, áo trắng học trò
Tóc đung đưa theo những lần ngúng ngoảy
Miệng cười duyên và sóng mắt lung linh
Em vô tình gỏ nhẹ cửa tim anh
Tình học trò tựa như cơn gió thoảng
Gió chiều hè trên con phố nhỏ
Đến rồi đi,.... để lại một người buồn.
  LH.  Nov. 2013
Mấy mươi năm, em làm chiếc lá
Đời bập bềnh theo con nước đẩy đưa...
Bây giờ về lại chốn xưa
Lòng vẫn trẻ,dù tóc đà điểm bạc
Dấu thời gian hằn lại vết chân chim
Một thời thơ bé biết tìm nơi đâu?
Về đâu hởi những bạn bè ngày cũ
Ngày vô tư đuổi bắt dưới sân trường
*************************************************
9. THĂM TƯỢNG ĐÀI QUANG TRUNG
Sau mấy mươi năm,  tàn cuộc chiến
Tôi trở về thăm lại quê hương
Chân bước đi trên mảnh đất thân thương
Lòng xao xuyến nhớ thương về dĩ vãng

Qua sông Côn, ánh nắng chiều lãng đãng
Như dõi soi bao dấu tích kiêu hùng
Rừng núi xa mây xám chập chùng
Nghe vang vọng tiếng ai hờn trong gió

Ôi Quang Trung người anh hùng đứng đó
Trên đài cao uy dũng quắc mắt nhìn
Như giận sôi cho bè lũ tham tàn
Đem đất biển dâng kẻ thù phương bắc

Hoàng đế ơi lòng tôi cũng xót đau, se thắt
Khi một phần quê hương dưới gót quân thù
Hoàng Sa, Nam Quan, Bản Dốc còn đâu ! ! !
Bao rừng biển, phố phường đầy bóng  giặc

Năm xưa đó, Ngài tiến quân ra bắc
chỉ sáu ngày đã diệt  vạn quân thù
Gò Đống Đa,Sông Nhị ,ghi dấu ngàn thu
Danh Quang Trung khiến quân thù bạc vía

Vậy mà nay Việt Nam trong cơn nghiêng ngả
Nước mất còn như sợi chỉ treo chuông
Kẻ thù kia trí trá tham lam
Đang từng bước xích hóa dần dân Việt

Kẻ cầm quyền đang cúi đầu chịu nhục
Để cầu xin hai chữ bình an
Để an vui trên đỉnh giàu sang
Để bóc lột dân mình tàn tệ

Tôi về đây cúi đầu đảnh lễ
Xin ngài đoái thương dân tộc chúng ta
Phò hộ muôn dân dựng lại sơn hà
Diệt  quân cướp  nước , giữ vẹn toàn đất Việt
                                                  Trần Quốc Anh
************************************************************************

8. Nhớ về  Hội An
Cảm tác từ bản nhạc "Từ Washington nhớ về phố cổ"

của Phù Chí Phát


Cái gì chôn chặt trong lòng khi phải ra đi.

Điều gì nhớ thương những lúc phân ly.
Và mong ước có một ngày hội ngộ.
Có phải vì sông Thu bên bồi bên lở.
Tuổi ấu thơ tôi ra tắm mỗi ngày.
Hay tiếng hò trên bến vắng chiều nạo
Của cô lái lúc khua chèo trên sóng nước.
Hay nơi đó tôi đã từng hẹn ước.
Mối tình đầu muôn thuở mãi không phai
Hội An ơi thành phố của tôi.
"Nơi tôi khóc chào đời.
 Có tiếng cười vang vọng" (1).
Tôi khôn lớn với tháng năm lận đận.
Trên quê hương chinh chiến khổ đau ,
Tiếng cười vui đã tắt tự khi nào.
Tàn cuộc chiến phân chia người đôi ngả.
Tôi ra đi bên trời vội vã.
Giòng sông Thu không nói lời chia ly.
Chùa Cầu ơi có lưu luyến tiễn người đi.
Hay tất cả im lìm.
Chỉ mang  mối sầu trên sông nước

Washington những lầu cao chất ngất.
Nhưng làm sao có được bát cao lầu.
Bên phố nguy nga có lắm chùa lắm cầu.
Sao có được "Chùa Cầu" của tôi yêu dấu.
Nhớ phố xưa càng thấy lòng nung nấu.
Bao giờ về thăm thành phố cũ, con sông xưa.
Ru nhớ nhung tìm nấm mộ người cha.
Lau nước mắt xót đau bên mộ mẹ.
Vuốt mặt dấu niềm thương ngấn lệ.
Cho bạn bè xưa đã vội vã ra đi......
Hội An ơi bao ngày tháng phân ly.
"Bao giờ nhỉ tôi về thăm Phố Cổ."(2)
 Ghi chú:(1) nhạc Phù chí Phát.
               (2) thơ Trần trung Đạo.


AÓ TRẮNG NGÀY XƯA

  Quốc Anh
Một chút nhớ nhung, một thoáng buồn
Bao năm tình cũ vẫn còn vương
Xa nhau từ độ trăng còn mộng
Tình ngỡ phôi phai vẫn còn đầy
          Có ai níu được tuổi thơ ngây
          Cho tôi sống lại mộng mơ ngày ấy
          Cho tôi ươm mái tóc thề xưa thơ dại
          Cùng vần thơ tôi viết...ngại gởi đi
Chiều cổng trường có kẻ tình si
Dõi theo bóng thơ ngây tà áo trắng
Những đêm buồn bên bờ sông vắng
Gởi tình tôi theo sóng nước  sông Thu
          Hội An ơi ngày ấy đã xa rồi
          Trần Quý Cáp, dáng xưa về đâu nhỉ?
          Cho tôi gởi tình tôi về nơi ấy
          Ngôi trường xưa tà áo trắng dấu yêu.

7. PHILIPPINE - NIỀM ĐAU CHIA XẺ
Trần Quốc Anh
Tôi chưa một lần đặt chân lên Philippine
Chưa có duyên nợ nào với đất nước, con người nơi ấy
Vậy mà lòng quặn đau khi nhìn thấy
Cảnh hoang tàn, đổ nát đêm qua
Từ Ormoc, Tocloban đến những hải đảo thật xa
Vạn người chết, triệu người không nhà cửa
Philippine, năm xưa tôi vẫn nhớ,
Người mở rộng vòng tay đón tiếp đồng bào tôi
Những con người đói khát tả tơi
Bao ngày tháng lênh đênh trên biển cả
Lòng nhân ái của Người vượt trên tất cả
Đất nước còn nghèo mà oằn vai gánh chúng tôi
Có hay không, trên cao đó, ông trời?
Sao cứ gieo tai ương
cho đất nước, con người giàu nhân ái đó
Đất nước tôi với Người có chung chí cả
Ngăn kẻ thù cướp lấy biển đảo ta
Nên người ngã đau, tôi thấy xót xa
người gian khó, lòng tôi nhức nhối
Hãy vươn lên và tiến tới
Khó khăn nầy rồi sẽ qua đi
Cố gắng lên, vượt mọi khó nguy
Bên các anh, có chúng tôi, có loài người nhân ái
California, Nov.2013


6. HỘI AN TRONG NIỀM NHỚ

HỘI AN TRONG NIỀM NHỚ
Tran Quoc Anh
Tôi vẫn nhớ những ngày xưa cũ
Những buồn vui khi mới đến Hội An
Con sông Thu ngày ấy thật mơ màng
Nằm im ngủ bên phố buồn cổ kính
Những mái nhà cong, rêu xanh phủ kín
Lác đác, đó đây mái ngói đỏ nhà ai
Đường dọc ngang, không rộng cũng chẵng dài
Những con hẻm, cắt ngang chia dãy phố
Tình chòm xóm thật thiết tha gắn bó
Cùng biết nhau từng mối chỉ chân kim
Tính bất khuất như có sẵn trong tim
Luôn tranh đấu để dành lẽ phải
Người ngoài bảo là "dân hay cãi"
Có biết đâu là do "Bất Khuất, Can Trường"
Con gái Hội An cũng thật dễ thương
Hay bắt bẻ và giận hờn vô lối
Phố tuy nhỏ nhưng giai nhân "cả khối"
Biết bao chàng lãng tử đã dừng chân
Hội An , phố cổ thật dịu hiền
Tôi chợt gắn đời mình, nhưng nào có biết !


5. BỐN MÙA TÌNH ÁI
       LienHoa
Con đường tình ta đi,
Con đường vào MêVạn
Con đường tình ta đi,
Con đường rừng Ban Me.
                      Con đường tình ta đi,
                      Con đường vào MêVan
Hoa Cà Phê trắng xóa ,
Thơm ngát cả một vùng
Giửa bầu trời lộng gió
Chim hót khúc tình ca
Của ngày xưa...hai đứa
                      Con đường tình ta đi ,
                      Con dường vào MêVan.
Những trưa hè nóng bỏng,
Bụi đỏ mờ lối rêu
Thay phấn hồng lên má,
Như những lần hò hẹn,
Của ngày xưa yeu dấu....
                        Con đường tình ta đi
                        Con đường vào MeVạn
Những ngày cây trút lá
Thân trắng xóa trời cạo
Lá lót dường ta đi,
Tấm thảm nhung tình ái
                         Con đường tình ta đi ,
                         Con đường vào Mê Van
Ngày mưa cuồng chắn lối,
Đường gập ghềnh, chênh vênh ,
Là đại lộ thêng thang
Của tình ta trong nhau.
                           Con đường tình ta đi,
                           Con đường vào Mê-Van.
Con đường tình ta đi,
Con đường ghi kỹ niệm.


4. CUỐI ĐỜI NHÌN LẠI                     
Quốc Anh
Giờ chỉ còn hai ta trong căn nhà trống vắng
Những sáng, những chiều "hủ hỉ" bên nhau
Những đêm trằn trọc suốt canh thâu
Em chia xẻ những uu tu, khắc khoải

Ta đang bước, đoạn cuối đời mệt mỏi
Chợt ngậm ngùi...đời còn lại có em thôi!
Cảm ơn em , ngay tháng cũ xa xôi
Em đã gánh đời ta ,cung các con thơ dại

Ta người lính bên phần chiến bại
Gởi đời mình trong ngày tháng lao lung
Em đứng thẳng bên ta...Ôi! người vợ thủy chung
Em chiến đấu với đời giành miếng cơm manh áo

Dù no đói vẫn giữ lòng tiết tháo
Dù bị dập vùi,  vẫn giữ dạ sắt son
Em , người thiếu phụ can trường
Bao gian khổ nhưng chưa từng mệt mỏi

Ta thấy em, Thân hình ngày càng còm cõi
Ta xót xa đau  Nhưng làm được gì đâu !?
Chế độ đã dìm ta xuống tận bùn sâu
Nên mỗi lần ta chớm bước lên

Vòng oan khiên...kéo, chôn ta lại
Trời còn thương ta Những con người chiến bại,
Đưa ta sang bên bờ bến tự do
Ta cùng em góp sức chung lo...

Con khôn lớn, Ta chợt thấy mình cô độc!
Kiếp tằm tơ , làm sao ta tránh được?
Đời vui , buồn chỉ còn lại có em thôi!                                 
  Cali March,2013


3. Tìm Về

Tôi bước đi giữa lòng phố Cổ
Nghe bâng khuâng kỹ niệm kéo về
lối mòn xưa dẫn đến cung mê
Bao tha thiết đất trời dàn trãi

Kìa là cảnh cát vàng Cửa Dại
Dấu chân in ngày tháng xa mờ
Chùa Cầu soi dòng nước lững lờ
Chơ vơ đứng mõi mòn năm tháng
Dòng sông xưa nhớ thương vô han.
Trôi về đâu sóng nước Thu Bồn
Tuổi ô mai ríu rít sân trường
Yêu thương lắm, trường tôi "Trần Quí Cáp"
.
Kỹ niệm cũ ơi sao chất ngất
Dù tháng năm mòn mõi phôi pha
cho tôi hôn mãnh đất quê nhà
Nơi yêu dấu, thuở đầu đời sống mãi.
Lien-Hoa


2. Quảng Đà yêu dấu.    
Mắt nhìn Biển Đông, mênh mông
Lưng tựa Sơn Trà hùng vĩ.
Mẹ đứng đây ngăn chận bao tai ương.
Nhìn bên kia, Đà Nẵng thân thương.
Những con phố chuyển mình theo năm tháng.
Dòng sông Hàn nước bốn mùa lai láng.
Biển Mỹ Khê chạy suốt một chiều dài.
Ngũ Hành Sơn vươn thẳng một góc trời.
Suối Mơ hát khúc tình ca bất tận.
Cáp Bà Nà níu mây trời xanh thẳm.
Có xa không thành phố cổ Hội An?
Ta gởi lời thăm Cửa Đại, Thu Bồn.
Con phố nhỏ mái nhà cong rêu phủ.
Trần Quí Cáp, Chùa Cầu bao năm ấp ủ.
Trở về thăm cho thõa  nhớ thương.
Ta sẽ đi trên khắp phố phường.
Ăn mì quảng , cao lầu và phở Liến.
Về Thượng Đức nhớ một thời chinh chiến.
Chiến hữu ơi ! hồn anh ở nơi nào ?.
Cầu Cao Lâu chỉ có một nhịp dài.
Nhưng đã thấm biết bao máu thịt.
Qua Cẩm Lệ , đến Cồn Dầu chứng tích.
Những ngày đấu tranh và đàn áp hãi hùng.
Phước Tường ơi ! ta nhớ khôn cùng.
Một thuở yêu đương , một thời mơ mộng.
Hòa Vang hỡi những tháng năm lận đận.
Người mất rồi máu thịt Hoàng Sa.
Ta xót đau một góc sơn hà.
Nay phải sống dưới gót giày xâm lược.
Quảng Đà hỡi những con người yêu nước.
Của quê hương xứ “Ngũ Phụng Tề Phi”.
Làm gì đây khi quê mẹ phân ly...!!!...?
Hãy đứng lên giành lại những gì đã mất.

        Ghi chú:
1-Ba câu đầu tả tượng Quan Thế Âm Bồ Tát chùa Linh Ứng. D N
2-Trước năm 1975, Hoàng Sa thuộc Quận Hòa Vang, Quảng Nam.
 Orange County tháng 12 năm 2012.

                   
Quốc Anh

















1. LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG

Picture
Lien-Hoa
Đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, mà sao câu nói không thành lời ấy, vẫn cứ vang vọng mãi trong đầu tôi......
 “ Xin lỗi Anh, ngàn lần xin lỗi Anh......”
Đó không phải là lời nhạc trong một bản tinh ca, mà là lời nói chân thật tự đáy lòng tôi, thầm gởi đến cho một quân nhân Hoa Kỳ đã từng phục vụ tại chiến trường nam Việt Nam trước năm 1975...., người mà tôi chỉ gặp có một lần, nói có một câu và câu nói ấy, sự việc đó đã theo tôi mấy chục năm qua, tôi âm thầm ray rức với lỗi lầm của mình...
Hội An - thành phố nơi tôi được sinh ra và lớn lên, một thành phố nhỏ bên bờ sông Thu, dòng sông bên lỡ bên bồi đã là nguồn cảm hứng, là đề tài cho biết bao nhiêu thi sĩ của phố Hội
Tôi - lúc đò là một nữ sinh của trường Trung Hoc Trần Quý Cáp, một trường Trung Học lớn nhất  của tỉnh Quảng Nam. Khi tôi bắt đầu bước chân vào trường Trung Học thì gia đình tôi dọn về nơi ở mới, căn nhà số 92/7 đường Lê Lợi, đối diện với Tiểu khu Quảng Nạm. Thành phố Hội An của tôi nhỏ xíu, chỉ có mấy con đường lớn giáp vòng, thế mà có đến 5, 6 tiệm sách….như nhà sách Bình Minh, đối diện lệch với nhà cũ của tôi ở đường Cường Để; nhà sách Rạng Đông. ở gần chợ; nhà sách Nhất Tiếu, ở ngay chợ; nhà sách Thống Nhất, ở ngã tư Lê Lợi; nhà sách Trương Kim Điền, và sau nay có nhà sách ở gần nhà tôi (mà tôi lại quên mất tên!), gần cạnh quán cà phê Thy Thy của anh Căn...Nói thế để thấy là dân Hội An hiếu học dến chừng nào! (không hổ danh là con cháu đất Ngũ Phụng Tề Phi ).
Khi thi vào đệ thất, tôi chọn Anh văn làm sinh ngữ chính. Tiếng Anh hồi đố còn  rất mới mẻ đối với người Việt Nam nói chung và người Hội An nói riêng, cho nên những học sinh Anh văn không có cơ hội cũng như phương tiện để trao dồi Anh ngữ
Lại nói về nhà sách Trương Kim Điền, đó là tiệm sách của nhà bạn Chanh, học cùng lớp với tôi, nhà bạn ấy rất dông con gái, ai cũng dễ thương hết (dễ thương nhưng mà thương không dễ đâu đấy nhé ). Có thể ví thế mà nhà sách TKD phát triển rất nhanh...trên bạn Chanh có vài người chị  gái, và một chị có chồng là thông dịch viên, thầy Thành, sở dĩ tôi gọi là thầy, vì thầy Thành, ngoài công việc chính là thông dịch cho người Mỹ, thầy còn mở lớp dạy thêm Anh văn cho những hoc sinh kém tiếng Anh, trong đó có tôi.
Lớp Anh văn của thầy Thành nằm trên đường Lê Lợi, trước mặt đình ông Voi, cách quán cà phê Đạo vài căn nhà. Tôi và Kim Ngân, một người bạn cùng lớp, rủ nhau đi học thêm Anh văn, lớp học mỗi tuần chỉ có một buổi từ 2:00 giờ đến 6:00 giờ chiều ngày thứ năm. Lúc bây giờ, hình như chiến tranh càng lúc càng gia tăng, tiếng súng vọng về từ xa, mỗi đêm dồn dập hơn, thành phố về đêm cũng sáng hơn không phải vì đèn hay sao đêm mà do những đám hỏa châu liên tục thay nhau thắp sáng bầu trời, tôi thấy từng đợt các tân sĩ quan về trình diện Tiểu Khu nhiều hơn, những khuôn mặt non choẹt, trông thật dễ thương và tội nghiệp, chắc là mới vừa rời ghế nhà trường....Nhưng buồn thay, vào thời điểm đó, chiến tranh thì mặc chiến tranh, hoc sinh chúng tôi vẫn cắp sách đến trường, vô tư không cần biết ai đang ngăn giặc thù, để cho mình được yên ổn ngồi trên ghế nhà trường !!!
Và tôi....cô nữ sinh Trần Quí Cáp...vẫn ngày hai buổi cắp sách đến trường, và mỗi chiều thứ năm ôm vở đến lớp thầy Thành để luyện tiếng Anh. Thầy Thành dạy văn phạm còn phần luyện giọng thì nhờ một người Mỹ, trong số những người cố vấn ở trong Tiểu Khu, đến luyện cho các học sinh, thường thì những buổi luyện giọng chỉ là một buổi nói chuyện thân mật giữa thầy (Mỹ) và học trò(VN). Lớp Anh văn của thầy Thành là một lớp tổng hợp, hoc sinh thì gồm các lớp từ đệ thất đến đệ tứ, ngoài ra còn có các anh chị đã ra đời đi làm, muốn luyện thêm tiếng Anh để tiến thân trên "hoạn lộ", do vậy lớp có nhiều trình độ , cao, thấp, không đều nhau. Hồi đó tôi chỉ là cô học trò lớp đệ thất hay đệ lục gì đó, nghĩa là mới bắt đầu làm quen với ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng mẹ đẻ, Anh văn chỉ mới bập bẹ vài câu...
-Anh tên gì?
-Anh có khỏe không?
-Nhà anh ở đâu?
Làm sao tôi có thể nói chuyện với người Mỹ! nhất là trao đổi quan điểm chính trị?
Sự non nớt, yếu kém đã đẩy tôi đến chổ vô tình làm tổn thương một người, một người lính mà đáng lý ra tôi phải nói với anh ấy rằng chúng tôi, đất nước chúng tôi rất cần sự hiện diện của các bạn, để gìn giữ non sông và bảo vệ tổ quốc... Nhưng buồn thay! tôi đã nói ngược lại những gì tôi cần phải nói.
Tôi còn nhớ rất rỏ vào một buổi chiều, ở lớp học thầy Thành, một người lính Mỹ, không rỏ tên gì, có lẽ thầy Thành có giới thiệu nhưng tôi không để ý vì còn mãi nói chuyện với bạn bè. Sau khi nói chuyện với vài người học sinh ở bàn trên, anh chỉ vào tôi (có nghĩa là anh muốn nói chuyện với tôi ) và hỏi:
    - Bạn có thích sự có mặt của chúng tôi (những người lính Mỹ) trên quê hương của bạn không?
    - Không, tôi không thích.
    - Hãy cho tôi biết, lý do vì sao?
    - Chỉ vì tôi không thích.
Hãy nhìn vào mẫu đối thoại, bạn sẽ hiểu chính xác nguyên nhân vì sao tôi trả lời như vậy, đơn giản chỉ vì tôi dốt tiếng Anh, không có đủ từ vựng để nói...do đó tôi sợ phải nói nhiều, lại thêm cái bệnh sĩ diện hão của tuổi mới lớn và cứ muốn làm ra vẻ "ta đây" một con người khệnh khạng, bất cần đời.
Sau khi nghe câu trả lời của tôi, anh mĩm cười gượng gạo và quay lên, Ôi cái cười trên khuôn mặt anh!...cho đến giờ này tôi vẫn không quên cái nét ngỡ ngàng như anh vừa làm một điều gì phật ý người đối diện, cái cười ngượng ngập trên gương mặt sượng sùng, non trẻ mới tội nghiệp làm sao!. Phải, anh còn rất trẻ, khoảng ngoài 20, nếu không vì phải sang Việt Nam để giúp chúng tôi gin giử quê hương, hay nói đúng hơn nếu không có chiến tranh Việt Nam, có lẽ giờ này anh đang ngồi trong giãng đường của một trường Đại Học nào đó ở quê hương anh....



Tôi thảng thốt, chợt nhận ra mình sai rồi, tôi đã nói gì thế nhỉ? Ma quỷ nào đã khiến xuôi tôi trả lời như thế? Có lẽ mặc cảm yếu kém trước bạn bè đã biến tôi thành một người vô ơn bội nghĩa, tại sao tôi lại có thể mang cả một tảng băng lạnh giá dội vào bầu nhiệt huyết cháy bỏng trong lòng anh? Có lẽ ngày rời ghế nhà trường, chia tay với gia đình, cha mẹ, người yêu (nếu có)....anh mang cả một tấm lòng thương yêu dành cho những người khốn khổ đang từng phút vật lộn với bom đạn, chiến tranh, trên vùng đất xa xôi mang tên Việt Nam, anh nghĩ rằng nơi xa đó người ta đang cần, rất cần sự có mặt của anh và cả một bầu nhiệt huyết đi bảo vệ hòa bình cho thế giới . Thế nhưng nơi đây, giờ phút này...anh nhận được gì? Từ những người mà anh đã trao tặng cả tuổi xuân của đời mình?. Tôi thẩn thờ quên cả ngồi xuống, nghe trong lòng mình như có một cái gì cháy bỏng lên, và cái cảm giác đó vẫn theo tôi cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại...
Vào thập niên 60, cuộc chiến Việt Nam ngày càng khốc liệt, không có ngày nào là không nghe đạn nổ, Việt Cộng thường xuyên pháo kích vào thành phố, thành phố Hội An nhỏ bé thân yêu của tôi đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu là đạn pháo của Cộng quân, có thể chúng chỉ muốn nhắm vào những cơ quan quân sự như Tiểu Khu, đồn Công Binh, tòa Hành Chánh Tỉnh.... Nhưng chưa bao giờ chúng đạt được ý nguyện, đạn pháo chỉ toàn rớt xuống nhà dân và trường học. Vì kẻ thù rót đạn pháo mỗi ngày, mà cuộc sống thì vẫn phải tiếp nối ngày qua ngày. Công chức vẫn phải đến sở làm, học sinh vẫn phải đến trường, chợ quán vẫn phải buôn bán, nói chung mọi sinh hoạt vẫn phải bình thường,.
Ông bà ta vẫn thường nói " cái khó nó ló cái khôn", thành phố của tôi, có một cái còi báo động, dùng để báo cho bà con, dân chúng biết trước khi đạn pháo của Cộng quân nổ, một vài giây, để có thể tìm cho mình một chổ núp an toàn. Khi nghe còi hụ hai tiếng liên tục, có nghĩa là "đạn thù sắp vào thành phố", phải lo tìm nơi an toàn mà tránh, chờ đến khi nghe một tiếng còi, tất cả xong rồi, trở lại sinh hoạt bình thường, Ai chết thì cứ chết, ai bị thương thì cứ nằm chờ xe cứu thương!
Cuộc sống của người dân Hội An chúng tôi vào giửa thập niên 60 là thế đó, mạng người nhẹ như con kiến, con ruồi.
Có một đêm tôi đi học thêm Pháp văn, lớp của thầy Trí, ở trường Diên Hồng, bên cạnh trụ sở Hội Đồng Xã, lớp học từ 6:00 đến 9:00 tối, Đêm đó vào lớp chưa được bao lâu thì còi hụ báo động, tiếng còi lanh lãnh vang lên trong cái tỉnh mịch của màn đêm, chúng tôi, khoảng 20 học sinh, hốt hoảng, hổn loạn, tìm chổ núp, nhưng giữa lớp học làm gì có hầm trú ẩn! Thế là cả bọn chui xuống gầm bàn, mong sao có một phép mầu nào đó có thể biến cái bàn học trò bằng gổ mỏng manh, ọp ẹp trở thành một thành trì kiên cố bảo vệ cho mình....Sau một hồi cài báo yên, thầy cho về. Càng đi gần đến nhà, lòng tôi càng lo âu, như trên đã nói nhà tôi ở ngay trước cổng Tiểu Khu và lần này có lẽ Việt Cộng nhằm vào Tiểu Khu. Trời ơi! thế thì chắc là nhà tôi "lãnh đủ", điện cúp tối đen như mực, tôi dọ dẩm tìm được cửa nhà....vừa đưa tay xô cánh cửa kính khép hờ, tôi rụng rời nghe tiếng loảng xoảng của những mảnh kính vở rào rào xuống đất, trong nhà tối om, mọi người đâu hết rồi?  Má tôi? Các em tôi? Tôi òa khóc gọi to:
- "Má ơi !"
Chân dẩm bừa lên những mảnh kính vươn vải dưới đất, cố gắng nhìn xuyên thủng màn đêm để tìm những khuôn mặt thân thương, tôi nghe có tiếng người trong phòng ngủ,  Má tôi gọi:
-" Phúc ơi! vào đây con".
Tôi vừa khóc, vừa cươi. Má tôi đây rồi! Các em tôi đây! Gia đình tôi vẫn còn nguyên vẹn!
Cám ơn Trời Phật đã gìn giữ, che chở cho những người mà con yêu thương!
Và bổng dưng khuôn mặt của người lính Mỹ, trong lớp học thầy Thành lại hiện ra trong đầu tôi – anh - chính anh là người mà tôi phải cám ơn, bên cạnh những quyền năng vô hình mà tôi chưa bao giờ được một lần trông thấy trong đời, anh là một người bằng xương bằng thịt mà chúng tôi đã phải chịu ơn! Trong đời sống của tôi, hơn 40 năm qua, sau ngày đó, không biết đã có bao nhiêu lần anh hiện về trong ký ức tôi, bao nhiêu lần tôi thầm nói lời xin lỗi, cho dù nói chỉ để cho một mình tôi nghe!


Đầu nắm 1974, tôi lập gia đình, cuối năm sinh con trai kháu khỉnh, chồng tôi là một người lính....Tôi chưa kịp bắt chước chị vợ anh nghĩa quân, tiếp đạn cho chồng giết giặc…..thì Cộng Sản đã tràn vào chiếm hết miền Nam!... Thôi! thế là tôi chẳng còn cơ hội để làm điều gì đó cho quê hương như chị, người vợ, người bạn chiến đấu, bên cạnh chồng, rồi âm thầm hy sinh làm một anh thư vô danh......Quê hương tôi có những con người như thế đó! Ðất nước tôi có "Ngũ Hổ Tướng" đã chết theo nước ngày 30 tháng 4, 1975..v...v...còn nhiều và nhiều lắm, những tấm gương kiêu hùng, bất khuất  của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa! Thế thì tại sao? Tại sao dất nước tôi lại bị bức tử một cách tức tưởi như vậy?
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên quê hương tôi đâu đâu cũng có trại tù, mà người Cộng Sản gọi là trại Cải Tạo, gom hết những thành phần trí thức vào đấy để lao động tay chân, chuyển những bác nông dân từ các nông trường ở miền Bắc vào Nam để "tiếp thu" những công việc cần "chất xám", do vậy, quê hương của tôi bị lộn tùng phèo.....dân chúng đang ăn cơm trắng, giờ phải ăn bo bo, khoai mì.
Bây gời nghĩ lại, tôi thấy nền giáo dục của Việt Nam Cọng Hòa rất tốt, dạy cho học sinh cách sống, cách cư xữ, đạo lý làm người. Tuy nhiên, Bộ Giáo Dục đã quên đưa vào nhà trường một môn học rất ư là quan trọng, đó là môn chính trị học, phải giáo dục cho trẻ em có một quan điểm, một đường lối chính trị ngay từ lúc còn thơ, để gieo trong đầu các em một ý niệm, và rồi dần theo năm tháng ý niệm đó sẽ dần dà sẽ trở thành quan điểm của chính cá nhân các em. Là học sinh, các em phải biết, phải hiểu cái chính nghĩa mà mình đang có, đừng để các em phải tự tìm hiểu...Bởi vì như tôi đây, khi hiểu được Cộng Sãn là gì! và người Cộng Sãn là những người như thế nào! thì đã quá muộn màng ! ! !....
Đồng ý, "kinh nghiệm phải tự bản thân tìm thấy, mới có giá trị thuyết phục" nhưng đôi lúc kinh nghiệm tìm thấy quá trể tràng, thì chỉ vô ích mà thôi!
Như sự kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Cũng có quan điểm cho rằng: không để chính trị đi vào học đường thì tốt hơn, như nước Mỹ chẵng hạn, người ta đâu có nhồi sọ học sinh bằng những luận điệu chính trị tuyên truyền như Cộng Sãn.
Vâng, chúng ta không cần phải tuyên truyền hay bóp méo sự thật như Cộng Sản, nhưng chúng ta cần phải nói và phân tích cho giới trẻ của miền Nam Việt Nam hiểu rỏ ràng về chế độ độc tài Cộng Sản và tự do, dân chủ và phân biệt lằn ranh giữa hai chiến tuyến...còn nước Mỹ lại khác, người ta không cần mang chính trị vào học đường vì đất nước họ thanh bình, trình độ dân trí cao, người dân tự do suy nghĩ, bày tỏ quan điểm...vì chung quanh họ không có kẻ thù, còn chúng ta kẻ thù ở ngay bên cạnh, kẻ thù không những giết dân ta bằng bom đạn pháo kích mà còn chiếm nước ta bằng những lời lẽ xảo quyệt trên các bàn hội nghị.
Những năm tháng đầu dưới chế độ Xã Hội chủ nghĩa, làm tôi thực sự hãi hùng, dân tôi đói rách triền miên...Tôi âm thầm thương tiếc cho Hòn Ngọc Viễn Đông, nay đã bị Búa Liềm đập vỡ tan tành....Trong nỗi tiếc thương vô vàn ấy, lòng tôi chợt dấy lên một ước ao không tưởng, như lời nhạc của một thời xa xưa...
"Vờn đôi tay yếu, kéo thời gian ngược dòng...."
Ừ nhỉ, phải chi tôi có thể quay ngược bánh xe thời gian, trở về cái thời thơ dại đó trong sự suy tư chín chắn như bây giờ.. .Ờ, mà phải chi ngày đó tôi lớn khôn thêm chút nữa, lớn khôn thêm đủ để hiểu được rằng: chúng tôi, những người dân Việt Nam, cần các anh biết mấy, đất nước chúng tôi cần sự có mặt của các anh vô cùng. Bây giờ càng nghĩ lại tôi càng thấy xấu hổ, tuổi trẻ chúng tôi, lúc bấy giờ, đã không làm được gì cho quê hương của mình mà đôi lúc còn làm những điều đau lòng cho những người đang hy sinh tất cả: tuổi trẻ, tương lai, mạng sống để gìn giử, bảo vệ quê hương. Quê hương của người khác!
Tất cả những gì tôi viết trên đây hoàn toàn sự thật và trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, tôi chỉ có thể chia xẻ phần nào tâm trạng của mình với các bạn cùng trang lứa, những người trẻ trong thời chiến Việt Nam, biết đâu lại chẳng có những người đã có cùng trờng hợp tương tự như tôi nhưng chưa có cơ hội hoặc không đủ can đảm để nói thật lòng mình và tôi cũng  mong ước nếu như thầy Thành (hiện đang sống ở Mỹ) một cơ duyên nào đó đọc được những dòng này và thầy vẫn còn nhớ câu chuyện nhỏ trong lớp học Anh Văn của thầy ngày xưa, và....may mắn hơn nữa......nếu như người lính Hoa Kỳ ấy vẫn còn trên cõi đời này, xin cho tôi được nói lời xin lỗi cho dù có muộn màng!...
Ngày về thăm thủ đô Washington, đứng trước bức tường đá đen, khắc tên năm mươi tám ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã bỏ mình trên đất nước Việt Nam, tôi thấy tim mình se thắt khi nhìn những khuôn mặt non trẻ trong những tấm hình nho nhỏ trên bia đá , có anh tuổi đời chỉ vừa mới 20, 22....chỉ bằng tuổi con trai út của tôi, với tấm lòng người Mẹ, một sự cảm thông sâu xa với những người đã mất đi núm ruột của mình, tôi cuối đầu thầm khấn: "Xin chân thành cám ơn các bậc cha mẹ, đã sinh ra những người con anh dũng này. Ðây là những anh hùng của dân tộc tôi, các anh đã chết để cho chúng tôi được sống. Và hôm nay, là một người Việt Nam, tôi trân trọng đặt một vòng hoa nho nhỏ với tất cả lòng thành để tưởng niệm các anh, những người hùng của thời đại.
Như nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã nói "anh hùng là những người hy sinh quên mình cho người khác...." với tôi, các anh, những quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam lúc đó , còn trên cả Anh Hùng, bởi các anh đã trao ra tất cả, kể cả sinh mạng của mình, cho những người khác mầu da và không hề quen biết, các anh chiến đấu để bảo vệ một đất nước hoàn toàn xa lạ ở một nơi xa xôi không phải là quê hương của mình.
Không chỉ những người đã chết, mà cả những người đang còn sống đã trở về từ chiến truòng Việt Nam, họ là những Anh Hùng.
Bài viết này riêng để nói lời xin lỗi với người mà tôi đã vô tình làm tổn thương....
Và cũng để nói lên lòng biết ơn vô vàn với những người đã vì quê hương, dân tộc tôi mà chiến đấu, hy sinh....
HUỲNH LIÊN HOA