Picture
 17.  HỒI ỨC
MỘT KỶ NIỆM VỚI QUẢNG NGÃI…. NGÀY XA XƯA.
PHƯƠNG-DUY
KÍNH TẶNG BÁC THINH-QUANG “trọng tài bóng đá”
(viết tặng các  văn hữu Quảng Ngãi quý mến của tôi: Hạo-nhiên, Trúc-Giang, Võ Thạnh Văn, Trần Anh Lan, Nguyễn Cao Can)
 
Ngày xưa…
Năm 1943-1944.., tôi  có một ông bác. Ông là một doanh nhân tại thành phố FAIFO mà bọn  thưc dân Pháp đặt “tên tây” cho thành phố rất nhỏ bé của tôi, được người địa phương diễn tả “Thượng CHÙA CẦU, hạ ÂM BỔN” hơn nửa kilomet chiều dài…là ra ngoại ô.
Bác tôi là chủ nhân nhà buôn A.C.A ( Agent, Comerciale et Assurance) tọa lạc trên con phố chính của thành phố: rue de Hoian.
Vì ông chọn nghề làm đại diện cho hãng bảo hiểm “Mỹ-Á bảo hiểm Công-ty” nên ông phải tậu môt ô-tô con hiệu Citroen để đi lại hành nghề.
Thời đó, trong phố cổ chỉ có vài chiếc ô-tô con của vài công chức làm lớn trong tòa sứ, sở “ông cò” hay sở “mật thám tây” và  vài chủ nhà buôn người Tàu….cùng dăm ba chiếc xe vận tải hành khách (xe đò hãng TARIF, hãng  CON GÀ)chạy lộ trình Hội-An Đà-Nẵng, Tam-Kỳ và các quận lỵ nằm theo quốc lộ, tỉnh lộ.
Bác tôi, ba tôi và tôi rất mê môn “đá banh” mà bây giờ gọi “túc cầu” hay “bóng đá” nên ông nói với vợ ông là cô tôi”ông phải có xe riêng để hành nghề”, thật ra 90 phần trăm là chỉ chở ba tôi và tôi di Huế đến sân vận động Bảo Long xem đá bóng và biểu diễn xe đạp đi trên lòng chảo”. Hoặc khi có đội banh Saigonais ra sân vận động Tourane giao đấu thân hữu với tuyển thủ của các đội miền Trung..
Thời này, miền Trung chỉ có đội banh như HUẾ, TOURANE, FAIFO và QUẢNG NGÃI là thường đá với nhau hoặc giao đấu với các đội từ ngoài bắc vào hoặc trong nam ra đấu giao hữu.
**
“Quảng-Nam hay “cãi”,
Quảng Ngãi hay “co” (*)
Quảng-Nam hay cãi thì ai cũng biết rõ rồi. Riêng Quảng Ngãi hay “co”thì… (xin lỗi các bạn tôi)
Tôi suy luận theo ý nghĩ riêng của tôi (dĩ nhiên không giống với ý nghĩ người khác hoặc trong sách vở thông thường)( * “co” là “corps” trong “corps à corps” vì nhiều lần tôi có dịp vào sân vận động thành phố Quảng-Ngãi để xem trận giao đấu giữa đội Quảng-Ngãi với Faifo thời đó dù thắng hay bại”, người địa phương vẫn áp dụng “corps à corps” với đội khách vì “thua thì giận, còn có lý, chứ “thắng” mà nghe “lý luận hay cãi của xứ Quảng-Nam”, tức quá mà cãi không lại nẫu… thì phải sử dụng “tay chân thay mồm mép” thôi. Cho nên bác tôi luôn dặn ba tôi và tôi, hễ gần dứt trận đấu (tiếng còi trọng tài Thinh-Quang nổi tiếng chưa vang lên, phải nhanh chân chạy ra xe ô-tô con, lên ngồi và kéo kiếng lên, để an toàn khỏi bị “vạ lây”.
Quảng-Ngãi là xứ “mía đuòng” nổi tiếng như thổ sản mạch nha, đường phổi, đường phèn…”nên mua vé vào xem đá banh, được mời “uống chùa” nước trà đường rất ngon, đã khát và lúc ra về lại được uống trà đường lần nữa kèm theo “thủ tục CO của dân dịa-phương biếu làm kỷ niệm nhớ đời!”.
Khi ra về, bác tôi thường lái xe cho chúng tôi ra thành phố Thu-Xà (đa số khách trú ba Tàu) viếng thăm phố nhỏ giống “anh em” với phố cổ Hội-An)  mua ít thổ sản, ngư sản đia phương và đi “kéo ghế” trong các quán ăn của các chú ba” có nhiều món ăn rất hợp khẩu vị”chúng tôi.
Ôi! Quảng-Ngãi : một thời tuổi trẻ của tôi!
PHƯƠNG-DUY
11-5-2015

Picture
MỘT KỶ NIỆM NHỎ VỚI MẸ TÔI
  (viết trong ngày giỗ mẹ 2015)
 
  NHƯ-THẮNG
  Tôi bước vào phòng thi vấn đáp môn vạn vật kỳ thi Tú tài toàn phần tổ chức tại “Trung tâm khảo thí” ở trường Quốc học Huế.
Nhìn các bạn thí sinh đã thi đỗ phần thi viết như tôi đang im lặng ngồi bên cạnh chờ cô giám khảo gọi lên buya-rô bắt thăm câu hỏi vấn đáp.
Ai cũng lo âu và hồi hộp hơn lúc thi viết vừa qua. Tôi cũng vậy.
Lại thêm tôi theo học ban chuyên khoa (C) văn chương triết học.,nên hơi run các môn chuyên khoa toán (B) và vạn vật (A) này.

Nghe cô giám khảo gọi tên, tôi lên bốc thăm..
Đọc thăm xong, tôi cho tay vào túi quần lấy ra những viên phấn đủ mầu mà tôi đã chuẩn bị trước từ nhà.
Tôi tiến lên bảng đen (thật ra bảng sơn mầu xanh lá cây) và chăm chú vẽ hinh…
Cô giám khảo theo dõi các nét vẽ đủ mầu sắc…. của thí sinh gần xong. Cô bảo tôi “ Đủ rồi. Tốt!...”
Tôi chào cô và đi xuống chỗ ngồi (nhưng không quên theo dõi nét bút ghi điểm của cô vào danh sách thí sinh.
Tôi rất vui vì “passe “ môn này”.

Đang chuẩn bị rời phòng này sang phòng khác để thi tiếp môn khác.
Tôi nghe một giọng nói quen thuộc từ cuối phòng gọi tên tôi. Tôi liền quay đầu lại nhìn…


“Trời ơi!
Mẹ tôi và dì (ghẻ) của tôi đang ngồi xem tôi thi mà tôi đâu có ngờ “
Hai bà từ trong Hội-An, cách xa thành phố Huế cả 140 km đi xe đò ra Đà Nẵng; rồi mua vé lên   xe traction An Lợi vượt đèo Hải-Vân đến thành phố Huế. Xe dừng gần rạp chiếu bóng Tân Tân,
Mẹ tôi nhìn bảng hiệu thuốc lá Cẩm Lệ “BÀ CỮU ỚI” gần đó… làm cơn nghiện”thuốc lá Cẩm Lệ” phì phèo nổi lên, nhưng mẹ tôi chịu  nhịn, gọi ngay một chiếc cyclo bảo bác phu xe đạp lẹ lẹ lên trường Quốc Học sẽ thưởngcông bác thêm vài trự nữa
Bác phu xe nghe vậy, cố sức đạp mạnh chiếc cyclo  vội vã đưa hai bà khách đến phòng thi cho kịp “mẹ tôi và dì tôi lần đầu tiên trong đời  xem tôi thi vấn đáp” ra sao?
Mẹ tôi đã nhận được diện tín “tối khẩn” tôi đã gửi về “Con được vào thi vấn đáp”  liền rủ dì tôi
cùng đi ngay.
**
Hai bà ngồi tận cuối phòng quan sát nên không nghe được câu nói của cô giám khảo nói với tôi, chỉ nhìn thấy “thằng con bà” vẽ hình rồi đi xuống chỗ ngồi…
 Thi “o-ran” mà thí sinh không “nói gì..” thì chắc “tiêu tùng” rồi!
Đâu hai bà có biết “phải thuộc bài nằm lòng” mới vẽ được từng chi tiết rõ ràng chính xác như  vậy…”hơn nữa tôi còn theo học hàm thụ cours de dessin bên trường hội họa Monaco, và tôi cũng có  “hoa tay” hội họa nữa.

Ôi! Tình cảm ,chăm lo… cho con cái (dù gần tuổi trưởng thành) của các bà mẹ Việt-Nam thật vô cùng “vĩ đại”!
NHƯ-THẮNG
(TDC)

16. MÙA XUÂN TUYỆT VỜI
 
  Thân tặng Trần ngọc Hạnh, bạn láng giềng
  Phương-Duy TDC
Qua khung cửa sổ, Phương nhìn ra khu vườn. Những cây mai đầy nụ hoa vàng. Những chậu hoàng cúc, những chậu thượt dượt , chậu hồng đã lần lượt khoe sắc hương.
Ngôi biệt thự “villa Phi-Anh” nằm cuối con đường Courbet  nhìn ra kho dầu  hãng Shell bên bờ Sài-giang  này do bố Phương mua lại của cụ Hường Sáu, một Hồng lô tự khanh  bán lại khi cụ nghỉ hưu và muốn trở về sống gần cố đô Huế.
Khu vườn khá rộng trồng rất nhiều loại cây ăn quả như xoài tượng, nhãn lồng, thanh trà, ổi xá lị, lê-ki-ma, lê, mận, mít,  dứa...
Phía sau khu vườn là một cái ao thiên nhiên có rất nhiều cá rô, cá tràu, tôm và ốc bươu.  Bao quanh ba mặt của ao là những hàng tre  già ngợp bóng và những bụi trúc xanh vàng vươn cao. Mỗi mùa hè, khi mùa nước cạn, mọi người trong nhà cùng các bạn hướng đạo của Phương hẹn nhau một ngày rảnh rỗi, cùng nhau lấy đất và bùn đắp những bờ đê ngăn ao cá thành từng ô nhỏ, dùng gàu sòng và gàu giai tác cạn nước.... rồi lội  xuống  ao  tha hồ bắt cá, tôm nhất là lượm ốc bươu. Có năm bắt  được ba bốn thùng thiếc ốc bươu. Ðôi khi cũng tóm được hàng chục chú ếch bà mập. Ốc bươu và ếch là hai món ăn khoái khẩu nhất của Phương.
Phía bên phải ngôi nhà nhìn ra vườn là một hồ sen nhân tạo trồng nhiều sen hồng. Một giàn nho leo trên  che phủ hồ sen có những chùm nho xanh, vàng, nâu lẫn lộn thòng xuống trông rất bắt mắt. Bố của Phương luôn luôn nhắc nhở bà con, bạn bè phải trông chừng rắn lục (cùng màu với lá nho) mỗi khi muốn hái  vài chùm nho rất ngọt để ăn chơi. Có một buổi trưa hè, ông bố bắt võng nằm đọc sách duới bóng cây gần giàn nho đã thấy hai con rắn lục ẩn hiện trong lá nho cùng màu. Ông báo động, trai bạn trong nhà đều chạy ra vườn để đuổi rắn đi chứ không thể bắt rắn được vì rắn ở trên vị trí cao và di chuyển lẹ lắm.
Phương thích nhất là cây ngọc lan cao lớn ngày ngày cho nhiều hoa thơm ngát và hai cây nhãn rất sai trái và ngọt như đường phèn.
Cuối tuần được nghỉ học, các bạn hướng đạo sinh thường đến nơi này để họp bạn và sinh hoạt thanh niên với anh em Phương. Lại là dịp  trái cây trong vườn được các bạn trẻ tận tình chiếu cố.
Phương lấy làm lạ vì theo ý nghĩ của chàng thì những dái mít non mới nẩy ra trên cành mít, chỉ to bằng ngón tay cái, vị chác, có gì ngon đâu thế mà các cô bạn gái của Phương cũng ngắt xuống rồi chấm với đường cát mà nhâm nhi. Trông miệng với đôi môi  xinh xinh của các cô khi thưởng thức loại trái cây này cũng làm Phương rệu nước bọt theo vì thèm thuồng.
Riêng cây ngọc lan, hàng ngày được các cô thanh thiếu nữ láng giềng đến làm quen với người quản gia chăm sóc vườn xin hái vài hoa ngọc lan  để ngửi mùi thơm nhè nhẹ của loại hoa này. Theo các cô mùi thơm của loại hoa thiên nhiên này các cô thích hơn mùi nước hoa “Rêve  d’or” nữa. Nhờ biết được chuyện này, nên Phương không còn ngạc nhiên như những lần trước đây khi đến gần chuyện trò với mấy cô gái trẻ xinh đẹp và “thơm tho” này nữa. Như vậy mùi thơm mà Phương nhận thấy từ thân thể các cô tỏa ra  mà theo vài ông văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ thời bấy giờ ca tụng “ mùi trinh nữ” giống mùi thơm dễ chịu của hoa ngọc lan  không phải chính  thân thể các cô sản xuất mà vay ở cây ngọc lan của nhà chàng. Chàng nghĩ “đã vay thì mang nợ, mà mắc nợ thì phải trả!” theo luật nhân quả. Như vậy trong số các cô này có người phải trả nợ cho chủ nợ. Mà người đại diện cho chủ nợ chính là Phương. Nhưng cuộc chiến dai dẳng  nhiều năm trên  quê hương, đã xóa bỏ món nợ vô hình này khi mỗi cô bạn láng giềng lần lượt dời chỗ ở đi nơi khác theo nhu cầu sinh sống hoặc đến  vùng an toàn hơn.
Phía bên trái ngôi villa của bố Phương là một biệt thự rất đồ sộ của một người Pháp. Ngôi nha này kiến  trúc theo lối dinh thự bên Âu châu trông rất hùng vĩ và rất mỹ thuật. Sống gần nhau nhiều năm mà gia đình Phương chưa người nào có dịp qua thăm ngôi nhà đó để thấy bên trong như thế nào. Khu vườn nhà này rộng gần gấp đôi bên vườn của Phương. Ngày ngày chỉ thấy ra vào một cặp Ông Tây, bà Ðầm cao tuổi  và một hai người giúp việc, không có con cái gì vì Phương chẳng thấy cậu tây con hay cô đầm nhí nào xuất hiện theo mong ước của chàng. Vườn chỉ trồng nhiều cây cùng một lọai   ngô đồng mà người địa phương gọi tên cây vông đồng. Thân cây  to, cao có nhiều gai nhọn như vỏ quả mít và cho cành lá rất sum sê. Một kỷ niệm làm Phương nhớ đời đó là lần Phương bị mấy người trẻ tuổi xa lạ đi ngang qua khu nhà Tây này xúi dại Phương nhặt vài trái ngô đồng này ăn.
Anh ta bảo: “ trái này  ăn rất ngon và béo”.
Phương nghe bùi tai nên ăn thử hai hột. Thấy beo béo, nhưng sau đó bị “Tào Tháo” đuổi, chạy không kịp, suýt chết. Làm bố Phương phải chở Phương đi bệnh viện cấp cứu vì bị chứng tháo dạ (tiêu chảy). Những năm về sau Phương mới biết hạt ngô đồng trong đông y là loại thuốc hoạt trường (thuốc xổ).
Vài ba năm kế tiếp, không rõ chủ nhân người Pháp này dọn đi chỗ nào khác hay về lại cố hương.
Một đêm lửa bốc cháy thiêu rụi ngôi biệt thự và trong những năm khu vườn này bỏ hoang, người ta đồn  khu vườn ấy có ma. Không những ma hiện ra lúc trời bắt đầu tối cho đến sáng sớm mà có người còn kể lại thấy ma hiện ban ngày nữa, nhất là những buổi trưa đúng giờ Ngọ.
Thuở đó Phương là con mọt sách, thích đọc những truyện ma như Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh do cụ Ðào Trinh Nhất dịch, truyện ma của nhà văn Phạm Cao Củng, truyện đường rừng của nhà văn Lan Khai, truyện trinh thám của nhà văn Thế Lữ, truyện ma và kinh dị của Edgar Poe nên  chàng khoái ma lắm. Nhất là ma nữ xinh đẹp  đa tình diễn tả  trong bộ Liêu Trai. Phương mong ước có ngày hoặc đêm nào đó được nhìn  ma qua đôi kính cận thị rất dày của chàng,  phải sờ thân thể ma để biết ma như thế nào mà mấy ông văn sĩ đề cao quá.  Chờ mãi mà không gặp. Hai năm kế, gia đình Phương dọn đi chỗ khác. Tiếc thật!
Phải  cả chục năm sau,  khi đã là sĩ quan có Colt-12 và xe  Jeep, Phương mới nhìn thấy được con ma nữ  mang tên Pháp là ma femme, gốc Hà Nội  xâm nhập hái trộm hoa ngọc lan trong ngôi nhà từ đường của dòng họ chàng ... ma này quyến rũ hớp hồn chàng và ghen dữ lắm may mà chàng có thụ huấn qua khóa huấn luyện võ thuật  cận chiến, xáp lá cà, xung phong... ở trường võ bị nên  chàng dùng atêmi hạ knock out, bắt được con ma này và chiêu hồi thành người nhà. Thế mà quân đội không tuyên dương công trạng của chàng trước toàn thể quân đội với ADBT nhành Dương Liễu mà chỉ cho hưởng thêm lương “nội tướng thực thụ” mà thôi.

Picture
- 2 -

Những ngày cuối mùa đông của tháng chạp âm lịch năm Mậu Tý 1948 chậm chậm trôi qua. Chỉ còn vài tuần lễ nữa là đón Xuân mới Kỷ Sửu.

Như thường lệ hàng năm bố mẹ của Phương thường nhận quà của anh em, bạn bè ở xa gửi về cho gia đình Phương vui Tết .

Bà thím  từ lâu sang lập nghiệp ở Hương Cảng,  mở công ty xuất nhập cảng, gửi  cho nhiều cân lạp xưởng ướp rượu Mai quế lộ, nhiều cân hạt dưa, hồng khô, táo tàu khô cùng những bánh pháo toàn hồng khoanh tròn dài mười  mét đốt lên  tiếng nổ rất lớn.

Anh em Phương thích nhất là những phong pháo tiểu  còn gọi là pháo chuột chế tạo bên Hongkong  tặng riêng cho anh em Phương  vui xuân . Món hàng này lúc đó chưa nhập cảng vào Việt Nam, nên bạn bè của Phương  đều  dặn Phương lúc nào đốt pháo thì nhớ  ới một tiếng cho bạn bè đến  xem chung vui.

Bà cô ở đường Hải Thượng Lãn Ông Phan Thiết năm nào cũng không quên quà cho các cháu bằng thổ sản địa phương như nước mắm, khô mực,  mứt chà là, mứt me và dưa hấu.

Nhưng món quà mà anh em Phương mong nhất lại không phải là do các người bà con trong tộc họ gửi về mà do một người bạn thân của bố gửi cho. Món quà của ông Bác  này là  ước mơ tuổi thơ đến từ ông già Nô-en trong truyền thuyết  vậy.

oOo

Năm 1947, ông Trúc Viên từ thành phố Phan Thiết lần đầu tiên ra Hội-An thăm các bạn thường giao dịch buôn bán với ông từ nhiều năm trước. Hai bên chỉ giao dịch bằng thư từ hoặc điện đàm, chưa có dịp diện kiến để bàn bạc công chuyện làm ăn. Một bên chuyên cung cấp thổ sản của tỉnh Bình Thuận như mắm, cá khô, nước mắm Phan Thiết, gạo chở ra bằng những chiếc ghe bầu. Rồi sau khi giao hàng lại chở  thổ sản tỉnh Quảng Nam như quế Trà Mi, cau khô Tiên Phước, lòn bon Ðại Lộc, Yến sào cù lao Yến, chiếu cói Bàn thạch về lại Bình Thuận. Lối trao đổi thổ sản địa phương này đã diễn ra nhiều năm giữa hai công ty thương mại lớn của hai tỉnh miền Trung.

        Thời gian này Việt Minh không quấy phá, tình hình chiến sự tương đối bình yên, nên gần Tết dân chúng đi lại an toàn khắp vùng quê.

Lần đầu có bạn  từ xa đến chơi,  bố của Phương đón  ông bạn Trúc  Viên   về villa Phi-Anh ở và những ngày kế tiếp mời ông bạn làm một chuyến du lịch  bằng thuyền ra khơi thăm cù lao Chàm, cù lao Yến là một trong những nơi thu hút du khách từ mọi miền  mỗi khi đến phố cổ Hội An.

Từ sáng sớm, mẹ của Phương đã thức dậy sớm vo gạo nấu cơm. Hôm nay bà làm món “cơm lát”.  Phương thấy mẹ  nấu cơm nhiều hơn thường ngày. Cơm chín, bà đổ cơm ra rổ. Bà lấy tấm khăn bằng vải trắng trải ra trên bàn. Lấy tấm vải thưa đặt lên trên. Dùng muỗng lớn múc cơm đổ lên trên lớp vải thưa rồi cuộn tròn lại. Nắm và nhồi cơm  thật chặt  thành hình tròn dài như đòn bánh tét. Khi nào ăn thì dùng dao cắt từng lát cơm ra như cắt bánh tét hay cắt bánh mì baguette vậy. Các lát cơm này cầm ăn  với cá hộp  sardine à l’ huile et à la tomate  chính hiệu chế tạo nhập cảng từ  Maroc khi lênh đênh trên biển, gió biển thổi mát lành lạnh làm cho du khách cảm thấy đói bụng nên cảm thấy ngon hơn ăn với bánh tây nữa.

Bố của Phương chuẩn bị các cần câu cá và mồi câu. Ông có biệt tài câu cá. Hàng ngày ông câu được nhiều cá ở sông cũng như ở biển.

Một lò than hồng đặt trên thuyền để nướng các con cá vừa câu được, tỏa ra mùi cá nướng  rất thơm.

Trên hải trình, gặp những thuyền đánh cá từ ngoài khơi trở về, bố Phương hỏi mua những con mực ống rồi cho luộc ngay để ăn với nước mắm pha gừng.

        Những chai bia lùn  chế tạo theo gu bia Ðức mang nhãn hiệu  Kronenbourg nhập cảng, sản  xuất từ vùng  Alsace-Lorraine  giữa Pháp và Ðức được khui ra nhậu với cá nướng, khô mực, mực luộc... thật hết  ý. Khách và chủ cụng ly giờ này qua giờ khác quên hết  đời là bể khổ!  mà chỉ thấy một tình bạn tuyệt vời.

Giữa biển trời mênh mông, chiếc thuyền gió căng buồm tiến rất nhanh. Những đoàn “cá Vượt” bơi đua với thuyền không biết chán và mệt. Sở dĩ loại cá này mang tên cá Vượt vì thích bơi đua với ghe thuyền trên biển và lúc nào cũng vượt lên phía trước ghe thuyền.  Thỉnh thoảng một vài con cá chuồn flying fish bay lên khỏi mặt nước biển xanh, có lúc rơi vào thuyền.

Khoảng gần trưa thì thuyền cập bến cù lao Chàm. Mọi người lên bãi biển xem sinh hoạt của những người chuyên sống về nghề biển. Những trái dừa mới hái từ trên cây xuống, nước ngọt lịm. Những con cua, tôm, cá, con mực ống , cá thu nấu vừa chín cuốn với bánh tráng và rau sống, ăn thật ngon.

Ban đêm cả nhà kéo ra bãi biển, gom củi, cây khô rồi đốt lên như những hướng đạo sinh  chơi trò cắm trại. Lửa hồng rực sáng tỏa hơi nóng ấm .Khô mực, nghêu , cá ... nướng trên  lửa than đỏ hồng, mùi thơm bay lan rất xa.

Ngày hôm sau khi ăn điểm tâm xong, mọi người lại xuống thuyền đi đến cù lao Yến để xem sinh hoạt của những người chuyên môn trèo vào các hang động để lấy yến sào (tổ yến).

Những công nhân chuyên môn này trèo vào những lỗ hang thiên nhiên trên cao rồi lách vào những khe núi, dùng dây buộc chặt  thân người để đu đưa vào hai bên vách núi gở những tổ yến bám chặt vào  vách. Họ làm rất nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, thao tác dễ dàng và hiệu quả.

Sau một ngày ghé thăm cù lao Yến gia đình Phương cùng người bạn trở về đất liền.

Chuyến đi chơi hải đảo cù lao Chàm và cù lao Yến  lần này thật đáng nhớ đời.

oOo

Khi gặp bố Phương, ông bạn Trúc Viên đề nghị:

“Tôi với ông cùng họ, tuy không phải là bà con cùng huyết thống, nhưng tôi muốn chúng ta kết nghĩa làm anh em  cùng họ, ai cao tuổi hơn là anh, ai kém tuổi là em, ông bạn có đồng ý không?”

Bố Phương vui vẻ nhận sáng kiến này ngay. Và nhận ông Trúc Viên làm ông anh  họ vì ông Trúc  Viên lớn hơn vài tuổi.

Từ sau đó, năm nào gần dịp Tết đến, bác Trúc Viên không bao giờ quên gửi quà ra cho Phương, đứa cháu họ thông minh  có nhiều tài vặt như đàn mandoline khá hay, vẽ phác họa rất  nhanh, đẹp và học giỏi được bác thương nhất.

Quà của Bác Trúc Viên  gửi ra bằng phong bao đầy tiền lì xì “ mừng tuổi” rất xộp với món tiền kếch  xù!

Phương xem Bác Trúc Viên   như  “ông già Noel rộng lượng” vì trong năm, Phương muốn mua sắm thứ gì thì ghi vào giấy trước để khỏi quên, khi nhận tiền lì xì của bác Trúc  Viên thì đem mua ngay.

Năm nay, nhờ bác Trúc Viên không quên Phương, nên Phương được  làm chủ  một cuốn tự điển từ lâu Phương thường mơ ước:  Le Petit LAROUSSE Illustré cùng  bộ Sách Hồng  do các nhà văn trong Tự Lực Văn Ðoàn viết.

Từ tiệm bán sách về nhà, không kịp làm việc gì cần khác, Phương mở ngay cuốn tự điển Larousse ngắm những lá cờ, những hình vẽ, những  bản đồ đầy màu sắc rực rỡ ... in trong các trang sách ....rồi  nhìn những hình ảnh  tháp Eiffel, cầu Golden Gate, Thành phố Shanghai, những nhà chọc trời ở New York, đường phố đầy nước  như  dòng sông nhỏ xinh đẹp, thơ mộng của thành phố Venice in trong tự điển ...Phương mơ một chuyến đi du lịch khắp thế giới  khi chàng trưởng thành... thật tuyệt vời.

Mùa xuân  năm này đến sớm hơn, ngự trong lòng  phấn khởi của một cậu bé trong tuổi thanh xuân cách đây gần sáu mươi năm.

Có những kỷ niệm hoặc ước mơ rất giản dị nhưng thật tuyệt vời mà suốt đời không  làm sao quên được.

(c)Trương Duy Cường
15. MÙA THU ĐÔNG KINH
PHƯƠNG-DUY TDC
1-
Mùa thu vừa trở lại thành phố Đông Kinh.  Buổi sáng sương mù phủ kín mọi nơi. Ngọn núi "Fuji-san" (Phú-sĩ-sơn)  cao 776 m (12,390 ft)  là một núi lửa đã tắt từ năm 1707 và đến năm 1807, một trăm năm sau vùng đất thiêng này mới  bắt đầu đón những bước chân  dọ dẫm của những tu sĩ cùng những  nam du khách hành hương.
Mãi đến năm 1872, phái nữ mới được phép trèo lên nơi này.
Ngọn núi cao nhất vùng mọi ngày rất dễ nhìn từ xa, hôm nay cũng chưa ló dạng.
Mặt trời từ hướng đông đang cố gắng đưa sức nóng làm tan sương mù để chào cư dân trong vùng  một ngày mới vui tươi hạnh phúc " Ohayo!".
Michiko và Nguyễn đang dạo chơi trong "cung đình hoa viên Hama", tọa lạc về hướng nam của vùng trung tâm  Đông Kinh gần con sông Sumida và vịnh Tokyo.
Hai người bạn trẻ tay trong tay đi dạo trong những con đường hẹp trải sỏi dưới những  hàng cây phong  lá vàng lá đỏ chen nhau  rất thơ mộng. Chân giẫm lên những đống lá vàng khô  nghe tiếng lá phát ra một âm thanh nát vụn dưới chân người.  Rồi một trận gió thu mang chút hơi lạnh thổi qua làm những chiếc lá phong vàng rơi lả tả trên vai người, trên lối đi.
Nguyễn chợt nghĩ đến những câu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư " Con nai vàng  ngơ ngác đạp trên lá vàng khô" trong khi Michiko cũng nhớ lại một đoạn Haiku  (hài cú) cổ của một thi sĩ  nổi tiếng Nhật Bản Matsuo Basho.
Đây là một trong những hoa viên đẹp và nổi tiếng của Đông Kinh và cũng của  cả xứ Phù Tang.  Nổi tiếng vì tại hoa viên  này rộng hai mươi lăm hec-ta (62 - acre) thành lập từ năm 1654 là một khu vườn đặc biệt  mang  tên "cung đình hoa viên" (Palace Garden)  làm nơi  hưu  trí của gia đình một vị lãnh chúa dùng nơi săn bắn vịt trời trong những khu hồ nước rộng  có những hàng liễu rủ xuống bờ đá ven hồ có nhiều đàn vịt trời lội, đẻ trứng và sinh sống.
Nơi đây trong chuyến thăm viếng ngoại giao của Tổng Thống Hoa Kỳ Ulysses S. Grant năm 1879 đã ở trong dinh thự tọa lạc tại  khu cung đình hoa viên này và thưởng thức  trà xanh với Nhật Hoàng Minh Trị nơi Trà thất Nakajima.
Trong thời chiến tranh thế giới lần thứ hai, phi cơ đồng minh đã bỏ bom  ngày 29 tháng 11 năm 1944 thiêu rụi Trà thất Nakajima và những cảnh vật chung quanh.  Trà thất đươc gia đình vị lãnh chúa xây cất lại đẹp hơn, nới rộng vườn hoa, trồng những cây trà xanh, những cây ăn quả và tu bổ ao hồ thiên nhiên trước kia để vịt trời  tiếp tục đến sinh sống.
Michiko hỏi Nguyễn:
"Lần đầu tiên anh đến Tokyo vào mùa thu, anh thấy như thế nào?"
Nguyễn trả lời vị hôn thê không bằng cảm tưởng của chính chàng mà chàng rào đón:
" Ngày xưa khi còn sống bên Việt Nam, anh rất thích bài hát "Mùa Thu Đông Kinh" của nhạc sĩ  Hoàng Thi Thơ, bài hát này không những nói lên được cảm nghĩ của một người Việt mà điệu nhạc tấu lên những âm hưởng Nhật bản cổ truyền thật tuyệt diệu. Nếu một thính giả ngoại quốc, không phải người Nhật, khi nghe dàn nhạc hòa tấu nhạc khúc này thì ngỡ là tác phẩm của một người Nhật chính hiệu, không ai có thể ngờ nhạc khúc của một nhạc sĩ Việt Nam có nhiều dịp đến biểu diễn nghệ thuật  tại Tokyo mà viết hay như vậy"
"Bài hát như thế nào, anh có thể dịch sang tiếng Pháp để em thưởng thức được không?" Michiko thích thú đề nghị với người yêu."
"Được lắm chứ, Michiko! Bài hát  này sẽ thay anh bày tỏ cảm tưởng... chân thật  và tuyệt vời...với Đông Kinh và với Em:
" Michiko, chérie!  Cette chanson  racontait  ...( Này Michiko thân yêu, ca khúc này thỏ thẻ…}
"Lạc trong Đông Kinh.
Vừa khi mùa Thu gây thương nhớ.
Làm tôi ngẩn ngơ nhìn qua hồn thơ.
Chiếc áo buồn kimono .
Đôi thiên nga trong hồ.
Cô Geisha trên bờ.
Thiết tha trong mong chờ.
Chờ ai xa xăm...
.
Từ muôn nẻo đêm mà chẳng thấy.
Người đâu với cung đàn đang dở dang.
Nhớ thương hoài theo thời gian.
Tiếng cô đơn khơi buồn.
Samisen não nề.
Khi gió thu về.
Mùa Thu Đông Kinh
Buồn như tình em trong cơn gió.
Đìu hiu liễu bên đàng ru lòng ai.
Lá thu vàng bên bờ vai.
Như bao nhiêu thu tình.
Mang theo bao nỗi lòng.
Tiếng gió thu lạnh lùng.
Mùa Thu Đông Kinh.
Gọi đôi hình bóng trong giây phút.
Chờ trông bước đi tìm tâm tình nhau.
Bước đi tìm duyên ngày sau.
Trong tiếng hát mơ màng,
trong ánh nắng ngỡ ngàng.
Xao xuyến lá thu vàng."
"Merci beaucoup! ( cám ơn Anh rất nhiều!) Nghe tuyệt quá, anh ạ! Em là người Nhật mà cảm nhận càng thấm thía hơn giống như thưởng thức những câu thơ cổ Haiku  của thi sĩ Nhật Bản viết  với 17 vần (5-7- 5). của thế kỷ XVII."
Michiko thổ lộ với người yêu.
Nguyễn nói:
"Michiko, em chỉ mới nghe lời ca không thôi,  mà đã cảm nghĩ như thế, anh sẽ gửi  cho em dĩa nhạc hòa tấu để em có dịp thưởng thức những âm thanh tuyệt vời của nhà viết nhạc họ Hoàng, em sẽ cảm nhận  tâm tình của một nhạc sĩ  tài hoa người Việt Nam."
2-
Đứng trên bờ sông, Michiko trỏ vào chiếc du thuyền  nhỏ hai tầng sơn mầu vàng  nhạt đang bỏ neo tại bến tàu, nàng nói với Nguyễn:
"Mình sẽ đáp chuyến tàu này?"
"Vâng. Cưng cẩn thận khi bước ra cầu tàu và lên tàu."
Hành khách xếp hàng  rất dài chờ lên tàu  theo  lời hướng dẫn  tour "Sumida River  Trip" của cô gái Nhật bằng hai ngôn ngữ Anh ngữ và Nhật bản ngữ.
Tokyo là thành phố nằm hai bên bờ một con sông lớn  Sumida và những nhánh kênh đào đẹp trước khi ra vịnh Đông Kinh.
Nguyễn rất thích những thành phố được thiên nhiên ưu đãi như vậy.
Khi còn ở quê nhà chàng đã nhìn thấy những thành phố  lớn nhỏ nằm bên bờ sông như  Huế thơ mộng  bên dòng  Hương Giang lững lờ trôi, Đà nẵng rộn rịp bên bến cảng Hàn Giang, Hội An  cổ kính  tựa mình soi nước Sài Giang, Sài Gòn  tấp nập tàu bè trên  cảng sông Sài gòn, Cần Thơ  thơ mộng  ngắm bến Ninh Kiều  tựa vào Hậu Giang...
Thời gian vừa qua Nguyễn cùng người yêu Michiko  khi du lịch bên châu Âu nhìn dòng sông Seine soi bóng nhà thờ Notre Dame tại Paris, du lịch Thái Lan thấy sông  Chao Phraya  lượn quanh thành phố Bangkok, sông  Ping  ôm ấp thành phố Chiang Mai.
*
Lần lượt đến Michiko và Nguyễn bước lên tàu. Michiko rủ Nguyễn lên tầng cao nhất không có mái che để nhìn  rõ quang cảnh hai bên bờ sông Sumida.
Những khu phố Đông Kinh với những buildings  cao  ngất , tháp hình vuông, tháp hình tròn chen nhau  như muốn phô diễn vẻ đẹp và kiến trúc tân kỳ hiện đại của mình.
Khởi hành từ Odaiba, tàu quành lên hướng bắc  của thành phố  Tokyo đi đến  Akakusa .
Tàu rúc qua  hơn 12  cây cầu xây mỹ thuật và đa dạng  sơn những màu sắc khác nhau như Azuma, Komagata, Umaya, Kuramae, Ryogoku, Shinohashi,  Kiyoshu, Sumidagawa-ohashi, Eitai,  Chuo-ohashi,  Tsukuda-ohashi, Kachdoki, Azuma, Kiyoshu, Kachdoki...
Michiko thích chụp ảnh phong cảnh, nên nàng đã chụp những cây cầu này, như nàng nhận xét không thấy hai cây cầu giống nhau. Mỗi cầu mỗi kiểu kiến trúc riêng biệt.
Về ban đêm những cây cầu Azuma,  EItai, Kiyos và Kachidoki sáng rực ánh đèn điện trộng rất ngoạn mục trên cầu cũng như   phần phản chiếu trên mặt nước sông. Phong cảnh nên thơ và lãng mạn. Du khách có thể nhìn thấy  dãy cao ốc của khu xưởng máy chế tạo rượu bia của công ty sản xuất rượu bia nổi tiếng của Nhật Asahi.
Tàu chạy qua hải cảng Đông Kinh nhộn nhịp tàu bè ra vào, đi lại. Những thương thuyền khổng lồ hiện đại rúc lên những hồi còi nghe như tiếng kèn trầm bổng trong một dàn  quân nhạc  đang trình tấu. Đẹp nhất là khúc tàu từ từ lách vào vùng giữa nơi nước sông Sumida gặp nước mặn của vịnh Đông Kinh.
Muốn đi xem nhiều nơi khác  du khách phải đáp những chuyến du thuyền  lớn  của "Sumida River Cruise Day Tour"  ăn uống trên tàu và ngồi xem phong cảnh vịnh Tokyo  hơn tám tiếng rưỡi đồng hồ.  Nhưng nếu muốn đi xem ít giờ hơn, du khách cũng có thể  đi bằng "suijo-bus" do các công ty  du lịch bằng tàu trên sông Sumida cho thuê theo sự  thương lượng và thỏa thuận riêng. Tàu sẽ đi theo nơi mình thích xem trên sông Sumida và vịnh Tokyo. Tại địa điểm cầu tàu Hinode Pier  cũng bán vé cho nhiều chuyến tàu đi xem nhiều  lộ trình khác nữa. Dịch vụ khai thác và phục vụ du lịch trên sông Sumida rất chuyên nghiệp, sáng kiến, đa dạng... nhờ vậy có thể thu nhiều ngân khoản  mà du khách đem lại hàng năm.
Một trong những cách làm hấp dẫn hàng trăm ngàn đến một triệu   du khách trong mùa hè là đốt pháo bông về ban đêm trên sông Sumida tổ chức  mỗi năm vào tháng 8 dương lịch.




3-
Chỉ còn hai ngày nữa  Nguyễn trở về lại Hoa Kỳ sau những ngày đi rong chơi Thái Lan và Nhật Bản với vị hôn thê.
Sáng nay, hai người bạn trẻ tay trong tay dạo chơi Tokyo ngày chót. Đi ngang qua khu các tiệm kim hoàn,  Nguyễn rủ Michiko vào xem.
Nguyễn biết trong các tiệm kim hoàn tại đây, tất cả kim cương, đá quý đều phải nhập cảng. Trừ một mặt hàng là Ngọc Trai nổi tiếng là do Nhật bản nuôi cấy và sản xuất tại địa phương.Ngọc Trai của Nhật Bản là một trong những mặt hàng trang sức nổi tiếng trên thế giới.
Nên Nguyễn nghĩ trong đầu " đến Nhật mà mua tặng cho người yêu  một món trang sức bằng Ngọc Trai để làm kỷ niệm thì còn gì bằng!", chàng quay sang vị hôn thê và nói:
"Michiko,  em hãy chọn  hộ anh  một  bộ trang sức bằng Ngọc Trai gồm một đôi hoa tai ngọc trai, một chuỗi ngọc trai  đeo cổ, một dây đeo tay kết  bằng ba  chuỗi ngọc  trai  ngắn và một nhẫn ngọc trai  mà anh sẽ tặng em làm quà lưu niệm chuyến  chúng mình đi du lịch này."
4-
Những học sinh , sinh viên, người trẻ  tuổi và trung niên sống tại Nhật bản rất thích các quán Karaoke.
Theo Nhật Bản Ngữ Karaoke có nghĩa "không có dàn nhạc".
Dân  địa phương đến hát karaoke rất hãnh diện về phát minh này của các kỹ sư  Nhật vào thập niên 1960. Ngày nay, không những chỉ dân Nhật đủ mọi lứa tuổi chọn là môn giải trí mà là một hiện tượng lan tràn khắp mọi nơi trên  địa cầu.
Michiko rủ Nguyễn tham dự môn giải trí phổ thông và hấp dẩn  này để biết một sinh hoạt văn hóa của Tokyo.
Michiko đưa Nguyên đến  "Big Echo Karaoke". Đây là một trong  những thương hiệu của nhiều cửa hàng tổ chức Karaoke có chỗ cho khách ngồi ăn uống để vui chơi.
Các nhà kinh doanh Karaoke, luôn luôn đáp ứng được thị hiếu của khách hàng nên đầy đủ bài bản , nhạc  classics, jazz, pop tây phương, những enka tiếng Nhật, những chansons tiếng Pháp , pop songs tiếng Mỹ... trong những phòng trang bị dàn âm thanh tuyệt vời.
Những phòng ăn rộng có thể tổ chức tiệc tùng, mừng sinh nhật vừa ăn uống vừa hát tặng nhau, hát giúp vui, hát thi đua...đủ kiểu.
Michiko ghi tên hát một  chanson  tiếng Pháp "Tous les garcons et les filles de mon âge.." để tặng Nguyễn.
Từ ngày quen nhau, chưa bao giờ Nguyễn nghe giọng hát của vị hôn thê của chàng mà Nguyễn chỉ độc tấu dương cầm theo lời yêu cầu của Michiko để nàng thưởng thức.
Hôm nay nghe giọng Michiko ca một ca khúc Pháp, chàng rất  ngạc nhiên  và thích thú. Đến khi giọng ca của Michiko chấm dứt , các khách thưởng thức đều đứng lên vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng.
"Giọng nàng hát hay, phát âm rất chuẩn, diễn tả tươi vui... như một ca sĩ chính hiệu."
một vị khách trung niên ngồi bàn bên cạnh nói với bạn bè.
Michiko về lại chỗ ngồi bên Nguyễn. Nguyễn cầm tay nàng và đặt một nụ hôn vào đấy, chàng nói nhỏ vào tai nàng:
"Em có giọng hát tuyệt vời như vậy mà từ lâu em dấu kín.  Lúc nghe em hát, anh cảm động lắm. Sau này,  em học xong về lại Mỹ anh sẽ đệm nhạc cho em luyện  giọng  "ca vàng này " hàng ngày,  để hát trong ngày lễ thành hôn của chúng ta, em đừng từ chối nhé."
5-
Hôm nay trời Đông Kinh bỗng trở lạnh vì những cơn gió thổi từ phía  bắc  bên Tây Bá Lợi Á tràn  xuống.
Michiko  đưa Nguyễn ra phi trường  Narita mà mọi du khách thường gọi Tokyo New  International Airport trên chuyến  free  shuttle bus của hãng Japan Airlines JAL.để trở lại Hoa Kỳ.
Những ngày vui bên nhau đã trôi qua rất nhanh, bây giờ chỉ đọng lại những hoài niệm.
Michiko  cảm thấy buồn buồn như  mùa thu  Đông Kinh đang  bao quanh  bên nàng.
Nguyễn dặn vị hôn thê cố gắng học hành để quên nhung nhớ và giữ gìn sức khỏe. Hẹn ngày vui trùng phùng  tại San José...khi nàng tốt nghiệp và trở về với Nguyễn.
"Sayonara!"(Tạm biệt!)
"Yoi goryoko o!" (Chúc  thượng lộ bình an!"
©PHƯƠNG-DUY TDC
(Tập truyện “MICHIKO”)
(sắp xuất bản)


14. NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA HUYỀN
 
PHƯƠNG-DUY TDC
1-
Mùa Hè đã trở về mấy ngày rồi. Khí hậu vùng thung lũng Hoa Vàng càng ngày càng nóng hơn. Đa số dân chúng đi đến các công viên hoặc bãi biển để tránh nóng. Những cư dân nghèo, nhà không có máy điều hòa không khí thì đưa cả con cái vào các mall để hưởng chút máy lạnh miễn phí từ sáng đến chiều.
Những ngày lễ hoặc những ngày cuối tuần trong các công viên mùi thịt nướng bốc lên thơm lừng. Các gia đình người Mễ, ngươi Phi cùng bạn bè vui chơi, ăn uống ngoài trời. Các trẻ nhỏ vui đùa, chạy nhảy thoải mái.
Phương đang đong đưa trên chiếc võng treo dưới bóng cây ngoài vườn. Chàng muốn hưởng một chút không khí thiên nhiên ngoài trời vì chàng bị dị ứng với không khí do máy lạnh thổi ra.
  Một vài ngọn gió mát đưa mùi hương hoa ngọc lan của cây trồng gần đấy tỏa ra. Phương đang đọc cuốn truyện L’écho des Rizières một  tác  giả gốc Việt Anna Moi mà bạn chàng ở bên Pháp vừa gửi tặng.
Điện thoại tay chuông reo lên, Phương cầm máy áp vào tai:
“Hello! Anh Phương đó hả? Em là Huyền đây...”
“Sao gọi anh sớm vậy cưng? Rủ đi chơi hay có việc gì?”
Bên đầu dây kia, Huyền trả lời:
“Sáng nay em có bốn con bạn thân từ Canada qua thăm, em nhờ anh qua giúp em một tay đón tiếp bạn em nhé! Xin anh qua ngay..., em chờ. Hôn anh!”
Phương lái xe đến nhà Huyền. Huyền nói với người yêu:
“Anh kê cái bàn tròn nơi sân vườn dưới mấy bóng cây cổ thụ. Sắp xếp ghế ngồi cho sáu người. Bày dĩa, chén, đũa, ly... và đặt bình hoa chính giữa bàn giúp em. “
Sau đó, Huyền rủ Phương vào nhà bếp để xem nàng nấu món bún thang. Phương bước theo sau Huyền  ngay.
Trong các món bún: bún bò Huế, bún giò heo, bún riêu, bún mộc, bún mắm, bún chả Đồng Xuân, canh bún... Phương thích món bún thang nhất.  Nên  anh chàng  cũng muốn đứng quan sát cách nấu món bún này như thế nào mà có hương vị đặc biệt. Ăn lại không ớn, không đầy bụng, mà vừa đủ no... Còn Huyền lại nói với Phương : ”em thích nấu món bún này vì không cầu kỳ, dễ nấu và cũng dễ ngon.”
Phương  quan sát những nguyên liệu Huyền đã để sẵn nơi bếp : một con gà đã bỏ lòng,ruột, rửa thật sạch, một đòn giò lụa, một  miếng chả chiên, ba quả trứng, hai bịch bún, một củ hành tây, ba muỗng dầu ăn, nước mắm, chanh, ớt hiểm, mắm tôm, tiêu, bột ngọt, đường, hành lá, rau răm, salad.
Huyền mang tạp dề, lấy gà bỏ vào nồi đỗ đầy nước luộc chín. Gà chín, vớt bọt nêm nếm cho vừa ăn.
Vớt gà chín ra để ráo nước và nguội. Xé gà ra thành sợi dài dài, bỏ da, bỏ xương gà vào nồi nước dùng nấu lửa riu riu cho ngọt nước. Huyền nướng củ hành tây, rồi thả vào nồi nước dùng cho thơm thêm. Nàng điều chỉnh độ nóng, vặn lửa riu riu thôi. Bây giờ nàng quay sang bếp bên cạnh, bắc chảo lên,  bật lửa lên, cho dầu ăn vào đập ba quả rứng, cho tí nước mắm, tí đường khuấy tan, sau đó múc đổ vào chảo, nghiên chảo cho trứng láng tròn đều  một lớp mỏng, khi trứng chiên mỏng hai mặt, nàng trút ra dĩa.
Có tiếng xe hơi dừng trước cửa nhà, Huyền chạy ra mở cửa nhìn ra sân.
Nhìn thấy Huyền, bốn cô bạn reo lên. Huyền vui vẻ ra đón Thu-Hồng, Ngọc-Thủy, Phương-Chi và Thanh-Hương vào nhà.
Các cô tíu tít nói cười vì lâu lắm mới gặp lại nhau, bỗng các cô im lặng ngay và đổi nét mặt nghiêm chỉnh khi thấy có người đàn ông lạ xuất hiện trong phòng khách.
Thấy vậy, Huyền nói ngay:
“Anh Phương, vị hôn phu của mình và đây là các bạn của em...”
Phương chào và mời các cô vào phòng khách.
Huyền nói với Phương:
“Trong khi chờ đợi, anh mở nhạc êm dịu để các bạn em ngồi nghỉ một lát. Em chạy vào bếp để chuẩn bị dọn ăn.”
Các cô nói theo:
“Bọn mình ngồi nghe nhạc được rồi, còn để anh Phương lo giúp Huyền  bưng thức ăn và vài việc .... nữa chứ. Phải thực tập vai “phụ tá nội tướng” ngay từ bây giờ mới đủ kinh nghiệm làm gia chủ trong tương lai!”
Trong thâm tâm Phương cũng mong thế để có thể rút lui vào bếp xem Huyền trổ tài nấu nướng.
Huyền đặt sáu cái bát lên quày gần bếp rồi bỏ bún vào bát. Rải thịt gà, giò lụa, chả chiên, trứng chiên đều đặn từng phần riêng lên mặt bát, sau đó bỏ rau răm, hành lá, hành phi thơm lên.
Huyền nói nhỏ với Phương:
“Anh giúp em ra mời bạn em ra vườn để chuẩn bị vào tiệc nhé, em đang bận tay, tiếp tục...”
Khi các cô bạn đã ngồi yên vị, Phương vào bếp tiếp tục giúp Huyền.
Huyền chan nước dùng vào, rắc thêm tí tiêu, vắt tí chanh, cho vài lát ớt hiểm...
Phương đứng bên cạnh, nhìn bát bún thang nóng bốc khói tỏa mùi thơm trông ngon tuyệt.
Trong khi Phương lo bưng sáu bát bún thang ra vườn. Huyền đem lọ mắm tôm đi theo sau Phương.  Nàng không bỏ vào bát trước vì không biết các bạn có ăn được mắm tôm hay không.
Huyền hỏi các bạn muốn uống bia, xá xị hay seven-up?
“Cho seven-up...”
Các cô lâu ngày mới gặp nhau. Canada với Mỹ, tuy xa mà gần. Chuyện trò vui vẻ như còn  là các cô nữ sinh trẻ trung thuở nào.
Ngọc-Thủy nói:
 “Mình sang định cư bên Canada đã lâu mà chưa có dịp thưởng thức món bún thang. Không thấy tiệm ăn nào quảng cáo  món ăn “Bắc Kỳ” này. Mình chỉ thấy phở Bắc, bún bò Huế, Bún riêu, Bún ốc, Canh Bún, Mì Quảng, hủ tíu Sa-Đéc, hủ tíu Mỹ-Tho, hủ tíu Nam-Vang, Mì La-Cay, Mì Triều-Châu, Hoành Thánh, nên hôm nay được bạn Huyền nấu cho ăn món bún thang, chắc mình nhớ đời quá. Cám ơn Huyền trổ tài nấu nướng và anh Phương phụ tá bưng dọn thức ăn, thức uống.”
Phương-Chi tiếp lời:
“Huyền cho bọn mình ăn món bún thang này ngon thật. Chắc vài tháng nữa mình sẽ rủ thêm vài bạn khác qua đây nữa để xem Huyền trổ tài nấu nướng.”
“Mình nhớ trước đây khi còn ở Saigon, mình ở gần nhà Huyền nên cũng thỉnh thoảng được Huyền cho ăn món xúp bột báng tôm cua mà chính tay Huyền nấu, ăn cũng tuyệt cú mèo lắm!” Thu Hồng tiếp lời.
Nghe các bạn nhận xét tài nấu nướng của Huyền, Thanh-Hương nói:
“Còn mình lại thích món Bò Bía và món Đu Đủ bò khô gan cháy mà Huyền làm mỗi khi có dịp cho bạn bè lai rai cuối tuần. Mình tuy là con gái nhưng sống trong gia đình toàn anh em trai nên mình nghiện cà-phê ngon mà thuở còn đi học chung với Huyền, nhiều lần đến nhà rủ Huyền đi học thêm, được Huyền cho thưởng thức một tách cà phê phin. Mình nhận xét Huyền pha cà-phê đúng “gu tây” lắm nên mình chỉ góp ý là....anh Phương thật có phúc mới làm bạn đời với con nhỏ Huyền lắm tài vặt  này.”
Khi nghe các bạn nói xong, Huyền mới hỏi các bạn :
“Các bạn qua thăm California nấy lần rồi?”
Tất cả đều trả lời;
“Lần đầu.”
“Huyền cám ơn các bạn về những nhận xét vừa rồi, bây giờ xin chuyển sang mục khác nhé!”
“Mình đoán ý của Huyền, xem thử có đúng không nhé, có phải bạn muốn đề nghị mục du ngoạn thắng cảnh địa phương?” Thu Hồng hỏi.
Huyền chưa kịp nói câu trả lời thì  Phương-Chi mau miệng đưa ý kiến:
“Ngày xưa khi còn ở bên Việt-Nam mỗi lần nghe ai kể chuyện du lịch nước Mỹ, thì chẳng hiểu làm sao mà mình chỉ nghĩ đến hai địa danh là cầu treo Kim Môn Cựu Kim Sơn ở thành phố San Francisco (với nickname Trăm quan tiền Sáu cô ) và Hồ Ly Vọng tại Nam Cali thôi.”
“Đúng, Thanh-Hương nói, sao trùng hợp với ý nghĩ của mình. Chúng ta học mốn sử-địa đều biết xứ Hoa-Kỳ rất rộng, ngoài Tượng Nữ Thần Tự Do ở hải cảng Nữu-Ước, đa số sinh viên Việt Nam chỉ nghĩ  đến cầu treo Golden Gate, như một kỳ quan và kinh đô điện ảnh Hollywood mà thôi!”
Huyền nói:
“Các bạn đã nói đúng ý nghĩ của Huyền muốn đề nghị. Bây giờ các bạn đã ở miền Bắc Cali, mình sẽ nhờ anh Phương lái xe đưa các bạn cùng với mình đi thăm cầu treo Kim Môn ở thành phố Cựu Kim Sơn và thăm vài nơi lân cận như thành phố Oakland gần đấy...”
“Thế thì thích quá nhỉ!” các bạn vui mừng tỏ bày ý kiến của mình.
2-
Phương lái xe ra hướng xa lộ 280 North. Xa lộ hôm nay đông xe cộ. Phương chú ý lái xe. Bốn cô bạn của Huyền ngồi ghế sau tíu tít chuyện trò. Thỉnh thoảng Huyền quay mặt ra sau góp chuyện hoặc trả lời những câu hỏi của bạn.
San José trời hè đang nóng trên 80 độ F thế mà khi xe chạy đến gần thành phố San Francisco, gió từ ngoài biển thổi vào xe, ai cũng thấy rùng mình lành lạnh.
Huyền nói với các bạn:
“Hãy mặc thêm áo ấm trước khi bước ra khỏi xe, nhất là lúc đi tản bộ trên cầu nhé. Khí hậu ở đây là như vậy. Nóng lạnh thay đổi thất thường.”
Từ xa, các bạn của Huyền đã chú ý quan sát chiếc cầu treo màu đỏ xuất hiện dưới màn sương mù.
Phương Chi nói:
“Trông như chiếc cầu lơ lửng được khối sương rất dày nâng lên. Không thấy phần chân cầu và nước biển. Tuyệt đẹp!”
Phương tìm chỗ đổ xe.
Huyền hướng dẫn các bạn phương xa bách bộ lên cầu Golden Gate. Nhiều du khách tay cầm máy ảnh, máy quay phim cùng bước trên cầu.
Phương Chi quay qua nói với các bạn cảm tưởng đầu tiên khi nàng đặt chân trên sàn cầu:
“Cầu rung nhẹ nhẹ như động đất hai chấm Richter scale. Các bạn thấy thế nào?”
Ngọc Thủy nhìn ra phía cửa biển đàng xa nói:
“Mình nhìn Thái Bình Dương… mà nhớ biển ở quê nhà. Hai bờ một đại dương tuy cách xa vạn dặm nhưng mình có cảm tưởng rất gần vì mang cùng một tên gọi thân thương quen thuộc Biển Thái Bình!” giống như hai bờ tả ngạn và hữu ngạn của Hương giang, nơi mình sinh ra vậy.”
Thanh Hương trêu Ngọc Thủy:
“Đúng, tâm hồn nhà thơ gốc Sông Hương, núi Ngự có khác. Mình thì “hít không khí biển Thái Bình Dương mà như ngửi thấy mùi đặc biệt của quê mình Phan Thiết!”
Ngọc Thủy đọc mấy chữ trong một câu thơ để trêu chọc cô bạn:
“…mùi dặc biệt của “câu thơ…con thuyền Nghệ An” đó phải không?”
Tất cả các cô cùng cười vui vẻ.
Mặt trời lên cao, khí hậu ấm dần. Sương mù tan hết, toàn cảnh cầu Golden Gate phô rõ vẻ đẹp của một công trình xây cất vĩ đại của nhân loại vào thế kỷ trước.
Sáu người bạn trẻ trung bước theo đòan du khách đông đúc, vừa đi vừa trò chuyện vừa ngắm cảnh, nhìn các sinh hoạt đang diễn ra trên cầu và dưới vịnh San Francisco. Lâu lâu cùng dừng chân lại để chụp ảnh lưu niệm.
Phương nói với các bạn của Huyền:
“Cầu Golden Gate ở thành phố San Francisco là một trong những cây cầu tuyệt đẹp của thế giới trong những năm đầu của thế kỷ trước. Cầu treo này nối liền bờ vịnh của thành phố San Francisco với Marin County dài 1.7 mile. Cầu dành cho xe cộ, bộ hành qua lại rất thuận tiện. Trên cầu có những chỗ cho du khách, bộ hành dừng lại ngắm cảnh và chụp ảnh. Cầu có 6 đường lane dành cho xe cộ lưu thông trên quốc lộ 101. Chiếc cầu sơn màu đỏ, hai tháp cầu vươn lên cao 500 feet để giữ những dây cáp dùng treo sàn cầu qua cửa biển mà nếu xây dựng theo mẫu cầu thông thường thì không thể nào thực hiện được vì địa thế cửa biển rộng cũng như lưu lượng của dòng nước chảy rất mạnh.”
Phương Chi hỏi Phương:
“Anh Phương, cầu này khánh thành khi nào? Và anh có thể nói cho chúng em nghe thêm những gì liên quan đến kỳ quan này…”
“Cầu xây dựng trong thời gian dài hơn bốn năm. Tổn phí lên đến ba mươi lăm triệu đô-la và mở cho lưu thông từ ngày 28 tháng Năm năm 1937 lúc 12 giờ trưa khi Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt từ Tòa Bạch Ốc bấm nút điện thoại loan báo khánh thành kỳ công xây dựng này như một biến cố lịch sử.”
3-
Sau khi một vòng đi xem những thắng cảnh khác trong thành phố như khu Pier 39 bến tàu, con đường dốc lái xe thật chậm đi ngoằn ngoèo có trồng nhiều hoa hai bên đường, vườn Bách Thảo, khu Phố Tàu China Town… Phương lái xe thẳng đến đường Clement, trực chỉ nhà hàng “Phở Garden” ở số 2109.
San Francisco là nơi có nhiều restaurants sang trọng và nhiều món ăn quốc tế tây tàu tất ngon, nhưng Phương và Huyền muốn cho các bạn từ Canada đến phải nhớ một quán ăn tuy không sang trọng lắm nhưng rất đặc biệt và có thể khi về nhà kể lại cho bạn bè, bà con nghe cũng vui.
Đến tiệm phở, Phương gọi hai “tô phở lớn loại dự thi” (có người đặt tên Tô Phở Khổng Lồ) để sáu người cùng ăn.
  Trong lúc chờ đợi thức ăn bưng ra, Huyền hướng dẫn bốn cô bạn đi xem thành tích của những người đã chiếm giải thi ăn phở tại nhà hàng này niêm yết phía tường đối diện.
 Huyền nói qua thể thức dự thi để các bạn biết:
“Một phần phở dư thi gồm bánh phở, thịt, nước dùng, gia vị, rau … phải ba người ăn may ra mới hết. Ai ghi tên dự thi, một mình phải ăn hết phần phở đó. Ăn hết khi dưới đáy tô có in sẵn hàng chữ tráng men:”You did it” (Bạn đã ăn xong) là “thắng giải” miễn trả tiền. Mời bạn chụp một tấm ảnh và tên tuổi người thắng cuộc được nhà hàng ghi thành tích trên tường.
 Không ăn hết là “thua cuộc”,bạn tự cắm cây cờ nhỏ vào tô phở khổng lồ có in sẵn hàng chữ “I surrender!” (Tôi đầu hàng!) bạn phải trả tiền tương đương ới giá ba tô phở lớn (chừng hai mươi hai đô-la).
Các bạn của Huyền đọc thành tích của những người đã trúng giải, đa số người nam, chỉ có một nữ nhân “nữ thực như hổ”. Các cô cũng vui lây vì có “nữ vô địch” chẳng kém thua ai?
Khi các cô về chỗ ngồi xong, hai cô gái trẻ, thân hình mảnh mai bưng hai “tô phở dự thi” đặt lên bàn. Các cô đều ồ lên:
“Thế này mà gọi là “tô” à? Phải gọi là “chậu phở” mới đúng!”
Huyền cười và nói với các bạn:
“ Các bạn nhận xét rất đúng. Cỡ chậu bằng sành sứ này, ở nhà mình dùng để nuôi cá vàng hoặc trồng cây đặt ngoài vườn đấy. Sức chứa hơn ba tô phở lớn (phỏng chừng hai pounds bánh phở, hai pounds thịt, và nước phở…). Bây giờ chúng ta múc chia ra ba người cùng ăn. Các bạn ráng ăn cho hết nhé!”
Phở ngon nhưng “nữ thực như miêu” nên chỉ hết phần thịt, một ít phở và nước dùng phải “lại quả” cho nhà hàng.”
Phần kia, tuy có Phương “nam thực như hổ” mà cũng còn để lại ít bánh phở và nước dùng.”
Khi ăn xong và đã tính tiền xong, Huyền nói với các bạn:
“Trong bọn mình, cô nào tự cho mình khỏe nhất, xin vui lòng bưng thử cái chậu không này, xem sao.”
Các cô đều thử nhưng không ai nâng nổi.
Thế mới biết sức tu luyện “kongfu” của mấy ả múi hầu bàn (chủ nhân người Việt Nam, nhưng các cô phục vụ là người Hoa) này khi bưng các chậu phở đầy nước, đầy thịt, đầy bánh phở này từ trong nhà bếp đi ra trông sao mà nhẹ nhàng quá!
Các cô bạn rất vui và nói sẽ nhớ mãi tiệm phở mang tên “PHỞ GARDEN” Vietnamese Restaurant này.
Sau khi ăn phở, Phương lái xe xuyên qua cầu vịnh Bay Bridge đi về hướng thành phố Oakland để các bạn của Huyền có dịp ghé thăm thành phố này trên đường về lại Thung Lũng Hoa Vàng, còn có tên chính thức Thung Lũng Điện Tử San José.
 Tuy chỉ cách thành phố San Francisco không xa lắm, mà thành phố Oakland  laị tràn đầy nắng ấm chan hòa của một ngày hè rực rỡ.
Một ngày vui với bạn bè của Huyền vừa trôi qua…
©PHƯƠNG-DUY TDC



13. KHU VƯỜN HOA TÍM
 
PHƯƠNG-DUY TDC
1-
Sáng nay, Hoàng nhìn ra sân trước nhà thấy vị hôn thê của chàng mặc áo dài mầu tím bước ra khỏi xe.
Chàng nhủ thầm:
“Ồ, Thủy, sao đến chơi mà không gọi điện thoại báo trước.”
 Hoàng rất ngạc nhiên hôm nay Thanh Thủy mặc áo quần đẹp như đi dự tiệc cưới không bằng.
 Hoàng vội chạy ra đón bạn:
 “Thủy, đi đâu mà diện đẹp quá vậy?”
Thủy không trả lời câu hỏi, vội nói:
“Anh Hoàng, vào nhà thắng bộ complet trắng, mang cà-vạt  có điểm hoa màu tím nhạt,  như lần chúng mình đi dự sinh nhật của nhỏ Trang đó, lẹ lẹ lên kẻo trễ giờ...”
“Lý do?”
“Lẹ lẹ lên, khi lên xe, em sẽ cho biết sau...”
Hoàng trở vào nhà mặc áo quần như lời Thủy dặn.
 Thấy Hoàng ra, Thủy nói liền:
 “Hôm nay đi xe của em nhưng cho anh làm tài xế chính...”
“Sao bí mật vậy cưng, bật mí cho anh biết với!”
“Từ  từ...sẽ biết..., đây là bản đồ, và đây là địa chỉ nơi đến, thời gian phải có mặt  đúng 12 giờ trưa..., anh muốn hỏi gì  thêm  thì hỏi ngay. Bây giờ là 10 giờ 15, chúng ta sẽ khởi hành.... sau năm, mười phút nữa để anh đủ thì giờ xem bản đồ, được chứ?”
Hoàng liếc vào địa chỉ, chàng nói ngay:
“OK, cài seat belt đi cưng, anh đi ngay khỏi cần xem bản đồ. Tên đường và thành phố đã nằm trong bộ nhớ này rồi Hoàng  trỏ vào đầu mình,  chỉ còn số nhà, đến nơi sẽ tìm sau, được không cưng?”
“Giỏi! Đáng khen! Anh sẽ nhận được một nụ hôn dài của em thưởng khi không lạc đường và đến đúng giờ, OK.”
Xe ngon trớn trên xa lộ, Hoàng quay sang Thủy và nói:
”O.K Salem! Bây giờ có đủ thì giờ để cưng “bật mí” cho anh biết “điệp vụ bí mật” này chưa?”
“Anh Hoàng, anh còn nhớ nhỏ Quỳnh Như, bạn cùng học với em không?”
“Biết. Hình như cô ấy lên xe hoa năm ngoái với ông chồng lớn hơn gần mười tuổi nhưng khá giàu, mà em có kể cho anh nghe.”
“Tối hôm qua, Quỳnh Như gọi điện thoại cho em mời anh và em tham dự tiệc mà lý do khi đến nơi “ người chủ xị” sẽ  cho biết sau. Điều kiện kèm theo “yêu cầu khách mời chỉ mặc y phục màu tím và màu trắng, đi xe màu trắng, màu nhụ bạc, mầu xanh đậm... tránh xe màu đen, màu xám, màu đỏ, màu vàng, màu nâu....” vì thế lần này chúng mình không đi chiếc xe “xịn của anh” BMW màu đen, hai chỗ ngồi, mui trần...”
2-
Mười một giờ năm mươi lăm phút, tài xế Hoàng đã đưa “bà hoàng của chàng” Thanh Thủy đến trước cổng ngôi biệt thự to lớn ở trên một ngọn đồi cao nằm trong vùng Portola Valley.
Đối với nhiều người khác không quen đường sá, khi tìm đến địa chỉ những ngôi nhà lẻ loi, thưa thớt trên vùng rừng núi lạ, nhiều ngõ ngách, rừng cây rậm rạp này cũng không dễ dàng gì, trừ những xe có trang bị máy định vị bằng vệ tinh hướng dẫn nhiều lúc cũng chạy nhầm đường hoặc đến không đúng giờ.
“Ở đây phải không anh?  Đúng chỗ không anh?” Thủy hỏi người yêu.
“Bấm chuông, chủ nhân ra mở cổng thì biết đúng, sai ngay..., nếu chủ nhân không thuộc loại da vàng máu đỏ... thì mình “Sorry!” và lái xe đi tìm biệt thự....khác. Nhưng anh tin chắc là anh đã đưa em đến đúng nơi, cưng cứ yên chí... vì mùi thơm của gia vị thức ăn... quen thuộc.... đã đi qua lỗ mũi của anh và vào đến buồng phổi này rồi. Tín hiệu đã đưa lên não và tuyến nước bọt và dịch vị trong dạ dày của anh đã tiết ra..” Hoàng nói.
“Mùi chả giò, mùi bún bò Huế?” Thủy lẩm bẩm khi ngọn gió thổi ra từ trong biệt thư thoát ra ngoài cổng.
Thủy nói tiếp: “Chịu anh, anh có khiếu làm “điệp viên “Không... Không....Trật!” đồng nghiệp 007 James Bond!”
Người ra mở cổng đón khách chính là.....Quỳnh Như.
Từ ngày lên xe hoa đến nay, Thủy mới gặp lại bạn. Quỳnh Như trông xinh hơn, có da thịt hơn... nhờ có hơi.... đàn ông.
3-
Thủy và Hoàng theo sau Quỳnh Như bước vào phòng khách.
Một số bạn bè tới trước đang ngồi chuyện trò rôm rả.
Quỳnh Như giới thiệu các bạn của nàng với nhau.
Hoàng đưa cặp mắt quan sát tổng quát gian phòng.
Gian phòng toàn một mầu tím nhạt êm dịu mắt.
Ánh đèn, tường, bình hoa cắm những cành hoa mầu tím.
Một dĩa nhạc cũng đang tỏa ra những âm thanh nhẹ của bản “Chiều Tím” quen thuộc.
Tiếp theo bản “Đồi Sim” nhạc của Tuấn Khanh qua giọng ca của Thanh Lan.
Một số khách đang xem và trầm trồ những tập nhạc Việt chép tay.
Một số bạn khác đang đọc những bài thơ.
Những cuốn vở chép tay nhạc và thơ này được đóng bìa cứng khổ lớn.
Hoàng và Thủy đến phiên cầm lên xem.
Thủy ồ lên bên tai vị hôn phu:
“Thơ được ghi chép bằng những nét chữ mỹ thuật, rất công phu, tỉ mĩ.
Toàn những bài thơ của nhiều tác giả sáng tác liên quan đến đề tài “Màu Tím” bằng lối chữ ghi bằng ngòi bút “ronde”, bút “lá tre”, bút “bi”, bút “lông”, bút “calligraph” nhưng đều dùng màu tím.
Tập nhạc cũng vậy, chỉ chép những nhạc khúc liên quan đến  đề tài “mầu Tím” như: “Chiều Tím”,”Tà Áo Tím”, ”Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”.... những dòng nhạc và nốt nhạc chép rất công phu cũng bằng bút mực tím.
Khi khách đã đến đông đủ, Quỳnh Như đứng lên giới thiệu chủ nhân ngôi biệt thự.
Chồng nàng đứng lên khui champagne mời các bạn của Quỳnh Như và nói vài lời cám ơn sự  quang lâm của khách mời và giới thiệu chương trình:
“Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh mời một số bạn rất thân của Quỳnh Như đến vui chơi để  ra mắt tập thơ đầu tay của nàng nhan đề “ Một Tà Áo Tím”. Mời các bạn cùng nâng ly...”
Quỳnh Như trao tận tay bạn hữu tập thơ in rất mỹ thuật có ghi tên đề tặng và chữ ký lưu niệm của tác giả đã ghi bằng mực tím và đã chuẩn bị từ trước.
Một cô bạn chọn một bài thơ trong tập thơ rồi đứng lên “ngâm” theo dĩa nhạc đã thu sẵn tiếng đàn thập lục và sáo trúc phụ họa.
Một bạn khác lên hát một bài hát “Tà Áo Tím” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên để tặng hai vợ chồng Quỳnh Như. Giọng ca rất điêu luyện mặc dù không có nhạc đệm theo.
Thủy thúc cùi chõ vào  lưng Hoàng,  nói nhỏ bên tai chàng:
“Sẵn có piano, anh lên độc tấu bản “La Violetta” để bạn bè của em thưởng thức nhé.”.
Hoàng gật đầu. Quỳnh Như đứng lên giới thiệu:
“Thưa các bạn, em xin giới thiệu Hoàng, vị hôn phu của Thủy sẽ góp vui bằng bản nhạc ngoại quốc  nhịp điệu Tango “La Violetta”  do G. Verdi sáng tác, độc tấu dương cầm.”
Hoàng đứng lên cúi chào bạn bè của Thủy và đi đến cây đàn “piano à queue” đặt góc trái phòng khách. Các bạn vỗ tay để khuyến khích.
Hoàng ngồi vào ghế.
Im lặng một vài giây để bạn bè ngưng tiếng vỗ tay.
Tiếng nhạc mạnh mẽ vang lên khi mười ngón tay của Hoàng lướt trên phím.
Điệu Tango quý phái làm cho thính giả muốn đứng lên nhảy theo.
Tiếng nhạc trình tấu bay bướm, hấp dẫn mọi người trong phòng.
Trước lúc Hoàng bắt đầu đánh đàn, các bạn chỉ có ý vỗ tay để “khuyến khích “mầm non văn nghệ” nay bản nhạc chấm dứt, tất cả đều đứng lên vỗ tay hoan hô nhiệt tình vì Hoàng tấu nhạc rất nghệ thuật.
Vợ chồng Quỳnh Như rất vui vì quá bất ngờ như nhận một món quà tặng quý giá, đến bắt tay Hoàng và Thủy.
Các bạn khác liền đề nghị:
“Yêu cầu anh Hoàng ngồi tại piano để đệm nhạc cho các cô bạn khác sẽ lên hát và ước mong nhạc sĩ Hoàng sẽ cống hiến thính giả một vài nhạc khúc độc tấu dương cầm nữa trước khi chấm dứt chương trình văn nghệ tự biên tự diễn hôm nay.”


4-

Bây giờ mới đến tiết mục chính”, Quỳnh Như vừa nói vừa mời bạn bè ra khu vườn sau nhà để dự tiệc và ngắm hoa.
Các bàn ăn hình tròn nhỏ gọn được sắp xếp dưới những bóng râm của những cây có tàn lá rộng. Tất cả đều quay mặt ra hướng  hồ  nước  rộng  chính giữa có trồng WATER LILIES (hoa súng) nở những đĩa hoa  màu tím vươn  cao  khỏi đám lá xanh bao phủ mặt nước  bên  những tảng đá trắng lớn trang trí rất mỹ thuật  nhô lên giữa hồ.
Thủy và Hoàng nhìn quanh khu vườn thấy chủ nhân trồng  nhiều loại hoa  khác nhau  nhưng  chỉ chọn những cây  nào chỉ trổ  màu tím chen lẫn với hoa màu trắng mà thôi. Dưới mỗi cây hoa hoặc cỏ màu tím, màu trắng đều có một bảng ghi tên loại hoa.
 Hoàng đọc được  “AGAPANTHUS” (African Blue Lily) hoa màu  tím xanh trồng bên cạnh cùng tên white lily màu trắng,
“DELPHINIUM”  hoa màu tím có lốm đốm nhụy màu trắng,
“GERANIUM PRATENSE” hoa màu tím nở lâu tàn, “LIRIOPE MUSCARI” còn gọi Lilyturf hoa từ tím đến tím đậm, 
“LATYCODON” còn gọi Balloon flower, hoa màu  tím nhạt,
”PULSATILLA VULGARIS” còn gọi Pasque flower, hoa  màu tím điểm nhụy vàng rất đẹp,
“SALVIA” hoặc Sage,  hoa tím nhạt, “VIOLA ODORATA” thường gọi English Violet, hoa tím, nhụy màu trắng , “PURPLE VIOLA” hoa  màu tím trồng xen lẫn với hoa “WHITE-FLOWERED  LOBULARIA”, “ CENTAUREA” hay Corn flower, hoa tím, 
“LATHYRUS” hay Sweet pea, hoa tím.
Khi Hoàng nhìn những quả Cà màu tím, Hoàng  nghĩ đến sở thích ăn loại cà này nướng hơi già lửa rồi cho thêm chút hành mỡ, ít nước mắm ớt tỏi chan lên... ăn với cơm trắng dẻo, thật tuyệt! Món ăn tuy giản dị nhưng khoái khẩu chàng. Cạnh bên cây Cà Tím con  gọi là Cà Dái Dê ,  chủ nhân trồng mấy cây ớt chỉ thiên, quả màu tím ăn rất cay.
Thủy đọc được ”BROWALLIA” còn gọi Bush Violet, màu tím trồng xen lẫn với hoa màu trắng  “White Troll”, “GERANIUM”, Cranesbill, hoa màu tím,
“VIOLA  CORNUTA” còn gọi Viola, hoa tím, nhụy trắng hoặc nhụy vàng,
 “VIOLA TRICOLOR” loại Wild pansy,, mỗi hoa lốm đốm ba màu tím, vàng, trắng,
“VIOLA WITTROCKIANA” hoa cánh tím, cánh trắng chen nhụy vàng, 
“ASAPANTHUS”,  hoa màu tím,  và nàng thích nhất vài loại quen thuộc với nàng là “PHƯỢNG TÍM”, “HOA SIM TÍM” và “ỚT MÀU TÍM”.
Ở Mỹ mùa hè không có hoa Phượng Vỹ màu đỏ nhưng có hoa Phượng Tím tạm thay thế để đỡ nhớ “Phượng vỹ” ở quê nhà.
Nhìn cây phượng Tím, Thủy và Hoàng nhớ đến giọng ca rất hấp dẫn của ca sĩ Tâm Hảo khi trình bày nhạc phẩm CON ĐƯỜNG CÓ HÀNG PHƯỢNG TÍM của nhạc sĩ Thanh-Trang mà đôi bạn rất yêu thích nhạc điệu và lời ca rất trữ tình.
Còn rất nhiều loại hoa màu tím và màu trắng nữa mà đôi bạn Hoàng và Thủy không thể xem và đọc hết được.
5-
Các bạn của Quỳnh Như vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ giống như họ vẫn còn là những cô nữ sinh trẻ trung thời đang cắp sách đến trường.
 Hai món ăn mà Hoàng và Thủy đã ngửi được và đã đoán khi mới vừa đến trước cửa biệt thự này, đến  khi ngồi vào bàn ăn đã thấy “y chang”: chả giò và bún bò Huế.
Thủy nói nhỏ với Hoàng:
“Anh được em phong danh hiệu chính thức là “Điệp viên Không Không Lầm”.
 Món tráng miệng hấp dẫn với các khách phái nữ lần này là: mấy dĩa Sim chín vừa hái trong vườn và món chè nếp nấu đường phèn với khoai môn màu tím.
Hôm nay chủ nhân không mời rượu vang “Vin de Bordeaux” màu đỏ mà mời vang “Sauternes” màu trắng vàng và có vị ngọt để “quý bà” dễ uống.
Từ ngày lên xe hoa đến nay, Quỳnh Như  mới có dịp gặp lại bạn bè thân  thiết cũ.
Nàng rất vui và phấn khởi trong lòng vì có dịp  trò  chuyện với bạn bè để kể lại chuyện tình “Khúc  tình ca mầu Tím của Nàng”, nàng nói:
“Đây là khu vườn HOA TÍM” nằm trong “Biệt Thự SIM TÍM”, tên do chúng tôi đặt.
Trong khu vườn này, chúng tôi chỉ chọn trồng những loại cây cỏ trổ ra hoa màu Tím và màu Trắng để ghi lại  “duyên kỳ ngộ” của chúng tôi cách đây bốn năm.
Ngày ấy, khi tôi mới tốt nghiệp đại học... một ngày đẹp trời lái xe lên  thành phố San Francisco để đến xem khu vườn Bách Thảo nổi tiếng.
 Từ thuở mới lớn, tôi thích những nhạc phẩm có “Màu Tím” cùng những bài thơ chứa đựng “Màu Tím” nên khi đi dạo xem hoa cũng chọn những hoa “Màu Tím”.
Đi quanh quẩn khu vườn Bách Thảo khá rộng lớn của San Francisco, tình cờ gặp  một “ông” cũng quanh quẩn bên những cây cỏ “Màu Tím”.
Nên tôi đi đến đâu cũng gần như  thấy “ông” này lẽo đẽo theo sau im lặng nhìn hoa bên cạnh.
Tôi quay lại nhìn “ông” và chào xã giao. “Ông” chào lại.
“Xin lỗi cô, hình như.... cô thích những hoa có màu tím?”, “ông” gợi ý làm quen.
Tôi trả lời:
“Vâng, tôi thích những hoa màu tím trông “romantic” bên những hoa màu trắng trông “thánh thiện”...
“Ông” im lặng một lúc rồi góp ý:
“Hoa làm đẹp cho đời. Nhưng hoa cũng kén người chăm sóc.”
 Ở Mỹ người ta quan niệm “thì giờ là vàng bạc” nên người yêu  thích hoa ít có thì giờ dành cho hoa, vì thế  ít  có người “sưu tập” hoa, tôi muốn diễn tả danh từ “collection”.
Vài năm gần đây, tôi đã bỏ chút thì giờ gầy dựng một khu vườn nhỏ trồng một vài loại cây cỏ có hoa mình thích.
Tôi thích màu Tím,  hoa màu Tím, thơ màu Tím, nhạc màu Tím...”
Rồi mình và “ông ấy” hai người trước lạ, sau quen nhau vì cùng sở thích.
“Ông” nói tiếp:
“Những  ai  có ít thì giờ chăm sóc hoa nên nghe lời khuyên ghi trong một cuốn sách hướng dẫn trồng hoa:
“ Many of the loveliest  and best-loved flowering plants are perennials. Like annuals, perennials provide a colorful display, but they have the advantage that they don’t need to be changed at least twice a year. Perennials are easy-care plants which have a major place in low maintenance gardens.”
...rồi thời gian trôi qua, tiếng “ông” đã thay thế bằng danh xưng “chàng”, đến “:anh” lúc nào không nhớ..
Chàng lớn hơn tôi mười tuổi, chàng đã tốt nghiệp cao học về môn thực vật học nên rất sành, và yêu thích cây cỏ. Chàng được hưởng gia tài của bố mẹ qua đời để lại với một căn nhà và khu vườn trên thung lũng vắng người ở này. Chàng sưu tầm và trồng những cây cỏ màu tím mà các bạn đang thưởng ngoạn đây.
Một ngày cuối hè, tôi lên thăm chàng và chàng đã ngỏ ý mời tôi về làm chủ khu vườn HOA TÍM của “Biệt thự SIM TÍM”.
Tôi đã đồng ý và rất hạnh phúc khi sống ở nơi đây với chàng, người bạn đời cùng chung sở thích, cũng đúng với câu chàng đã nói trước đây với tôi “Hoa làm đẹp cho Đời, hưng hoa cũng kén người chăm sóc!”
6-
Trên  xe trở về lại San José, ngồi bên Hoàng, Thanh Thủy có dịp  thủ thỉ với vị hôn phu:
“Em cũng thích hoa, nhưng là một loại hoa khác với sở thích của Quỳnh Như, em đố anh đó.”
“Xin chịu thua người đẹp, anh không đoán được.”
“Đó là mười ngón “hoa tay” tài hoa của Anh trên phím đàn dương cầm.
Hãy giữ đôi tay nghệ sĩ này cho em mãi mãi cùng với chiếc nhẫn mang nơi ngón tay áp út nhé.”
©PHƯƠNG-DUY TƯƠNG DUY CƯỜNG
San José, CA

12. Joyeux  Valentin!

  Tokyo ngày 14 Février 2009
Anh Nguyễn thân mến,
     “Joyeux Valentin!”.
 Từ nước Nhật Bản  xa xôi, bên kia bờ Thái Bình Dương, em gửi về cho  anh yêu “quả tim nhỏ bé” của Michiko với câu chúc bằng tiếng Pháp ghi trên. 
Một ngày lễ “Tình Nhân” em sống xa anh.  Em rất nhớ Anh.
Em đã đi học. Em  đang tiếp thu văn hóa, văn học... mà em mơ ước từ lâu nay.
Trong thời đại tin học phát triển hiện nay, nhưng em không muốn dùng computer để E-mail  nhanh đến anh lá thư này vì em muốn anh cầm trong tay  một lá thư do chính chữ của em viết cho anh, đọng chút hơi thở,  chút mồ hôi tay của người viết  nếu anh cảm nhận được. Một phong bì  có dán con tem Nhật Bản và nhật ấn bưu điện in ngày em đi gửi thư. Anh muốn giữ làm kỷ niệm thì giữ cho em sau này. Nên nếu thư  này có đến trễ vài ngày sau  lễ Tình Yêu mong anh đừng buồn nhé!
Được nghỉ mấy  ngày cuối tuần, Midori, cô em họ của em đã đưa em đi một chuyến du lịch ngắn ngày tại vùng Tây Honshu thăm thành phố Kobe. Anh đoán tại sao em lại chọn địa danh Kobe để làm chuyến xuất hành đầu năm không?  
Em muốn nhớ lại tên của nhà hàng Kobe ở thành phố Santa Clara mà lần  đầu tiên em được  anh đưa em  đi ăn cơm tối với anh tại đó. Thật thơ mộng và nhớ đời!
Bây giờ em nói đến Kobe “của em”.
Từ thế kỷ thứ 8, Kobe là hải cảng giao dịch thương mại giữa nước Triều Tiên, Trung Hoa với Nhật Bản và cũng là một trong những hải  cảng sầm uất khi được mở lại để  giao thương với các nước phương tây từ năm 1868.
Ngày nay thành phố này là nơi có nhiều  cộng đồng người Triều Tiên, Trung Hoa đã từ xa xưa nhiều thế hệ đến lập nghiệp  cũng như những người phương tây đến từ các nước bên Âu châu, người Mỹ, người Ấn độ.
Dân số Kobe là 1,528,000 người.
Ai cũng biết Kobe nổi tiếng với loại thịt bò  rất ngon bán với giá đắt nhất thế giới đấy.
Anh và em đều thích món thịt bò steak  mà chúng mình  thường hay đến ăn tại tiệm Chez Christina ở Milpitas, nhưng ngay tại Kobe, em lại không dám thưởng thức món đặc sản thượng hão  hạng này, vì túi tiền của một cô sinh viên có giới hạn, tuy nói thế, nhưng nếu có anh bên cạnh em sẽ sẵn  sàng và thích thú để mời anh dùng beefsteak bằng loại thịt bò “Kobe chính hiệu” tại ngay Kobe  này  xem như một kỷ niệm đẹp nữa giữa chúng mình.
Ngoài loại thịt bò nói trên  thành phố này cũng được nổi tiếng từ rạng sáng lúc 5:46 ngày 17 tháng Giêng năm 1995 vì một trận động đất rất lớn đo được 6.9 mang tên “The Great Hanshin Earthquake”   làm sụp đổ hơn 100,000 ngôi nhà và làm chết hơn 5,000 cư dân.
Trong nhiều địa điểm du lịch,  Midori đưa em đến thăm khu phố Tàu Chinatown ở hướng đông nam của thành phố. Có thể hơn 40,000 Hoa kiều tập trung cư ngụ ở khu vục rộng lớn này. Người dân Nhật gọi nơi này với tên  “Nankin-machi” có nghĩa là thành phố Nam Kinh. Những sinh hoạt về thương mại, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của người Hoa Kiều đã làm cho thành phố Kobe  thêm sinh động hơn và nhiều hấp dẫn hơn. Những cổng xây thật lớn theo lối kiến trúc đặc thù Trung Hoa làm du khách phải chú ý. Quanh khu này, các tiệm ăn, các tiệm bán hàng lưu niệm, những siêu thị, khách sạn và những cảnh  hàng hóa bày dọc theo khu phố người mua, người bán tấp nập của khu phố trung tâm.  Công viên Nam kinh  “Nankin park “với những pho tượng, tượng trưng cho mưới hai con giáp của người Trung hoa cũng hấp dẫn dân cư  tại đây. Ngoài ra, phố Tàu là một địa điểm chính  mà dân  chúng Kobe hàng ngày thường đến ăn uống  vui chơi.
Trung tâm thương mại của Kobe sầm uất với những cửa hàng rộng lớn, những đại siêu thị hàng hóa đủ loại hàng nội địa và nhập cảng đầy ắp, rộn rịp ban ngày, đèn sáng hấp dẫn về ban đêm.
 Khu Kitano-cho kế cận khu phố Tàu, với những ngôi biệt thự, những ngôi nhà đồ sộ kiến trúc theo lối Âu châu thời Trung cổ kiểu Gothic Victorian mà người Nhật gọi là “ifinkan” .
Nguyên khu này, ngày xưa là nơi cư ngụ của những đại gia rất giàu của người ngoại quốc và các nhà ngoại giao ngoại quốc đã xây dựng vào thời đại Minh Trị Thiên hoàng canh tân Nhật bản.
Sau đó, em đi xem viện bảo tàng “Kobe City Museum”.  Đây là một bảo tàng giới thiệu đầy đủ lịch sử, văn hóa, kiến trúc ... từ  những ngày mới thành lập thành phố, trận động đất rất lớn năm 1995, những trận động đất nhỏ khác cũng như các công trình trùng tu, tái thiết cho đến ngày nay. Trong viện bảo tàng này có trình bày một sa bàn khu Kitano-cho, những cổ vật thu thập được  từ thế kỷ thứ  16, mà người Nhật gọi là “nghệ thuật Nanban” (Nam man). Danh từ Nanban  trong tiếng Nhật có nghĩa “Southern Barbarian” dùng để chỉ những người ngoại quốc từ  các vùng hướng  nam đến cư ngụ tại nước Nhật trước đây. Gần như danh từ này có một nghĩa không tốt mà phần lớn ám chỉ dân Bồ đào nha nhập cư  trước tiên và kể cả những người ngoại quốc từ Aâu châu đến thời gian  sau này.
Về phía nam của thành phố, khu công viên Meriken Park cũng là địa điểm hấp dẫn du khách với tàu điện “monorail”  chuyên chở khách bằng  toa tàu treo  bằng dây cable trên không  đi  đến  đỉnh núi  Rokko  cao nhất của vùng này. Ngồi trong toa tàu  di chuyển trên không, du khách có thể quan sát  vùng biển  rất đẹp và toàn cảnh thành phố  phía dưới.
Rời thành phố Kobe, trên đường về lại Tokyo, em ghé thăm thành phố Yokohama, thuộc vùng Trung  Honshu.
Yokohama là thành phố rộng lớn thứ nhì của nước Nhật. Dân số tại đây lên đến 3,600,000 người.  Yokohama là một trung tâm buôn bán có tính cách quốc tế  kể từ giữa thế kỷ 19.
Trước kia, Yokohama chỉ là một làng đánh cá nằm dọc theo lộ Tokaido trở thành hải cảng năm 1859, khi những đợt dân ngoại quốc như Trung Hoa, Anh quốc đến sinh sống, đã biến hải cảng này  thành hải cảng lớn nhất vùng châu  Aù từ  những năm đầu 1900.
Năm 1923, một trận động đất  mang tên Kanto đã làm hư hại 95% thành phố, sát hại 40,000 người. Tiếp theo trận đại chiến thế giới lần thứ II với những trận giội bom của lực lượng đồng minh đã hủy hoại  hết nửa thành phố. Sau khi, Nhật hoàng đầu hàng năm 1945, chiến tranh chấm dứt. Quân đội  Hoa kỳ đặt căn cứ quân sự tại đây. Cho đến thập niên 1970, Yokohama trở thành  một trong những hải cảng lớn nhất Nhật bản.
Khi đến Yokohama, Midori đưa em đến thăm Minato Mirai 21 là một bến tàu hiện đại, với lối kiến trúc sáng tạo tân kỳ có thể chống động đất. Nơi này với   “Landmark Tower” khánh thành  năm 1993 do kiến trúc sư  Stubbins, người Hoa kỳ xây dựng cao 296 mét (971 ft), đó là một cao ốc cao nhất của Nhật bản,  nơi đây sử dụng thang máy tân kỳ có tốc độ  nhanh 750m/ phút (2,500 ft/ per minute) . Cao ốc có tầøm nhìn 360 độ quang cảnh chung quanh.
Anh Nguyễn thân mến,
Đi đến đâu, em có thói quen thích viếng thăm : Viện Bảo Tàng, Khu Phố Tàu, Khu chợ trung tâm, khu ăn uống, vui chơi... trước khi đến những thắng cảnh khác. Biết  ý thích của em nên Midori đã rủ em đến  Yokohama Museum of Art. Bảo tàng viện này trưng bày  những  sưu tập nghệ thuật hiện đại, những tấm  ảnh  in lớn cảnh thành phố xưa và nay. Em thích nhất là bảo tàng NYK Maritime Museum trình bày đầy đủ  lịch sử những tàu thuyền  với nhiều chi tiết và mẫu  thu nhỏ các loại tàu thuyền,  cảnh động đất năm 1923.
Đi dạo theo công viên Yamashita Park, du khách có dịp ngắm xem  những chiếc thương thuyền hiện đại rất lớn tấp nập ra vào bến cảng kể cả chiếc  Hikawa Maru là thương thuyền chở khách rất nổi  tiếng  phục vụ đường thủy  nối liền hai thành phố Nhật-Mỹ  Yokohama-Seattle trong những năm 1930- 1960 và chiếc cầu màu trắng “Yokohama Bay Bridge” dài 860 mét (2,800 ft) khánh thành năm 1989.
Người Hoa Kiều đến cư ngụ tại một nơi nào ngoài nước Trung Hoa của họ củng cố gắng xây dựng một khu “Chiunatown”, phố Tàu với cổng tam quan, cổng chào, chùa chiền theo lối kiến trúc đặc thù của họ. Tại thành phố này, theo tài liệu cho biết chỉ có chừng 2,500  Hoa Kiều mà vẫn có một  Chinatown rất lớn. Rất nhiều  tiệm thuốc Bắc, tiệm chạp phô, tiệm kim hoàn, kim cương, ngọc trai, quán ăn, hơn  150 nhà hàng ăn (restaurants), những siêu thị, khách sạn do người Tàu xây dựng và làm chủ. Người dân bản xứ gọi nơi này với một tên  thân thương “ Chinatown, the largest of Japan’s  few Chinatowns”. Ăn điểm tâm, ăn trưa, ăn tối, ăn khuya...  trong những quán ăn không giờ nào, ngày nào đóng cửa nghỉ xả hơi cả.Thức ăn ngon nhưng tương đối rẻ tiền so với giá rất đắc đỏ tại Nhật bản.
 Khu chính  của chùa Kanteibyo Temple, xây dựng năm 1887, là  nơi thờ phượng vị anh hùng của Trung Hoa là tướng Quan vũ “ Kwan-yu “ tức Quan Công, ngày xưa tượng trưng cho vị Thần chiến tranh, nhưng theo quan niệm của Hoa kiều tại đây ông là vị thần hộ mạng về tiền bạc, buôn bán và thịnh vượng. Khi vào đền thờ Quan Vũ, em cũng theo mọi người khách hành hương, quỳ xin một lá xăm, bói quẻ cho em và một lá xăm riêng cho anh. Cả hai đều TỐT trong năm Kỷ Sửu này.
Anh Nguyễn thân mến,
     Đứng trước những thành phố mà em đã viếng thăm, em tự nghĩ : nước Nhật, dân Nhật của em rất cần cù làm việc, có nhiều sáng kiến, có kỹ thuật... nhưng cứ gặp thiên tai,  động đất liên miên. Công trình xây dựng lên một thời gian lại bị  tàn phá,  phải bỏ ra rất nhiều của cải, công sức tái thiết lại.Em chợt nhớ nhũng câu chuyện nói về nước Việt của anh mà anh đã kể cho em nghe. Hàng năm cũng thường bị thiên tai, bão lụt tàn phá. Đặc  biệt thành phố cổ Hội An  về mùa mưa bão, nước dâng cao trong các đường phố, phải dùng phương tiện như ca nô, ghe thuyền đi lại rất thơ mộng như thành phố Vénice bên Italie, còn có một di tích của Nhật kiều từ nhiều thế kỷ trước đây là “Nhật Bản Kiều” (Chùa cầu Nhật bản), Theo truyền thuyết nơi đây do Nhật kiều xây dựng với mong ước thờ một vị “Trấn Võ Bắc Đế “(Emperor of The North), theo Lão giáo  tôn xưng  “Taoist  God”  để kiểm soát Mưa, Gió, Bão, Lụt, Động Đất, Sóng Thần... cho xứ “Phù Tang  Tam Đảo” có thanh gươm  thần “ếm bùa” để trừ con Cù (?)  có cái đuôi hay quậy nằm bên nước Nhật mà cái đầu hay mình gì  đó ở bên Việt Nam, gây ra những trận động đất bên xứ Phù Tang. Nhờ vậy, nước Nhật cũng bớt động đất!
Em mới đọc báo Nhật đăng  tin  Hoàng Thái Tử Nhật Bản lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam, đã đến viếng “Lai Viễn Kiều” hay “Nhật Bản Kiều “ (Pont du Japonais).
Khi nào em học xong, trở lại Hoa Kỳ, anh có muốn đưa em về thăm di tích cổ này không? Mà em muốn cùng anh đi thuyền ngắm nước lụt đó! Thật “Romantique!” phải không anh?
Nhớ anh nhiều!.
Hôn anh.
MICHIKO
© PHƯƠNG-DUY TDC
(Bút ký du lịch MICHIKO sắp xuất bản)


11. BIỂN TÌNH

Truyện ngắn của PHƯƠNG-DUY TDC
1-
Được nghỉ mấy ngày phép thường niên, Duy quyết định lái xe sang vùng bán đảo Baja California bên Mễ chơi.
Càng đến gần biên giới trời mỗi lúc càng thêm nóng nực. Một khúc nhạc Nam Mỹ quen thuộc vang ra từ máy radio trong xe  làm Duy nhớ Maria, cô bạn  gái người Mễ cùng làm một hãng với Duy.
Từ ngày vào làm ở hãng chuyên môn quét dọn nhà và chùi cửa kính này, Duy được người trưởng toán phân nhiệm làm chung với Maria vì chàng nói được tiếng Espanol Làm chung một công việc chùi kính các dãy nhà, Duy và Maria tuy làm việc đối mặt nhau hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần mà không nói với nhau được lời nào. Maria chùi kính phía trong nhà, Duy chùi phía ngoài nhà . Chùi xong một ô kính thì cả hai cùng di chuyển song hành.. Nhiều lúc Maria nghịch ngợm muốn trêu chọc Duy nên nàng ép sát mặt vào kính đối diện với mặt Duy và nhu đôi môi mọng đỏ như muốn hôn Duy. Duy cũng chẳng chịu kém, cũng áp môi mình vào  đó . Hai bên mặt kính dày nên âm thanh không chuyền qua được nên  hai người chỉ ra hiệu mỗi khi muốn diễn đạt điều gì.
Maria rất trẻ, trạc mười chín hay hai mươi tuổi . Thân hình rất hấp dẫn với những đường cong tuyệt mỹ. Nhiều hôm trời nóng nực, nàng mặc áo hở cổ, bộ ngực thanh xuân như phơi bầy trọn vẹn trước mặt Duy, làm chàng thèm "trái cấm" nhỏ giãi. Trái khế của Duy  chạy lên chạy xuống mỗi khi chàng nuốt nước bọt.
Mỗi ngày, chỉ có  nửa giờ nghỉ để ăn trưa, đó cũng là dịp  để chàng trò chuyện  với Maria.
Maria  rất vui tính và cởi mở. Nàng ưa thích âm nhạc vui nhộn của Nam-Mỹ với thể điệu Samba, Bolero, Chachacha...
"Ở quê nhà, thỉnh thoảng em vẫn hay trầm mình dưới làn nước biển ấm. Nhưng biển ở Mỹ  nước lạnh quá chừng. Nhúng một bàn chân xuống nước là thấy rùng mình. Biển ở bên Mễ rất đẹp và ấm hơn nhiều. Nhưng em không thích biển, mà em lại mê núi. Em ước mong có dịp về Mễ chơi vài ngày."
2-
Duy lái xe vào rest area cuối đường trước khi qua biên giới Mễ để  máy xe nguội bớt và chàng cũng muốn nghỉ ngơi chốc lát sau khi lái xe một thời gian quá dài nhọc mệt.
Đang ngồi trên thảm co, chàng giật mình khi thấy một thiếu nữ đi từ đàng xa lại, trông dáng người  rất quen. Chàng bật dậy và gọi lớn:
"Maria ! Maria!"
Thiếu nữ dừng lại, nở một nụ cười tươi với Duy.
Duy chào nàng và hỏi nàng đi chơi đâu đây. Nàng cho biết :
"Em về Baja California tắm biển chừng một tuần lễ.  Bạn em đưa em đến đây thôi, cô ấy phải về lại Milpitas để đi làm. Em định tìm xem có ai cho quá giang sang Mễ chơi. Không ngờ mà gặp anh ở đây, cũng may thật."
Thiếu nữ vẫn giữ nguyên nụ cười với hàm răng trắng bóng như ngà và đều như những hạt bắp. Mới có mấy ngày không gặp, mà Duy thấy thân hình nàng có vẻ như đẫy đà hơn, với mầu da sậm hơn như mầu da của những cô gái hải-đảo. Duy thật mừng rỡ, vì không ngờ đi xa mà  còn gặp người quen. Càng mừng hơn khi Duy biết là Maria cũng có ý định về Mễ. Như vậy,  chàng vừa có một hướng dẫn viên thành thạo đường sá ở Mễ, lại vừa có một đồng hành xinh đẹp trong suốt cuộc du hành thì không có gì vui bằng. Duy vui vẻ nói với Maria:
"Tôi cũng đi Mễ đây. Nếu được đi cùng cô thì vui quá!"
Maria cũng hớn hở:
"Nếu thế thì anh cho em đi với."
"Như vậy cũng tiện cho tôi, vì đi với Maria, tôi không sợ bị... lạc!"
Nói rồi, Duy mở cửa xe cho cô gái lên. Chiếc xe có thêm người đẹp, như hăng hái thêm, tăng tốc-độ và chạy như bay trên đường dài.
Xe đã vào địa- phận của Mễ-Tây-Cơ. Duy không dừng lại ở thành phố Tijuana mà lái đi tiếp đến thành phố Rosarita . Duy bấm nút cho kính xe từ từ hạ xuống. Một luồng gió mát mẻ thổi vào. Duy thấy trong lòng khoan khoái và vui tươi. Một phần vì có Maria ngồi bên cạnh, phần nữa là từ  nhỏ, Duy đã học địa-lý và đã yêu đất nước Mễ-Tây-Cơ với những anh chàng đấu bò rừng yêng hùng, với những điệu nhẩy múa đầy nhạc tính, với những bản nhạc vang danh thế giới, với bài hát Mexico nổi tiếng do danh ca Cao-Thái hát. Và Duy cũng không thể nào ngờ được thời gian đã đẩy đưa chàng đặt chân đến nước Mễ-Tây-Cơ với một cô gái Mễ chính cống, một đồng nghiệp mà Duy đã có dịp quen biết nhưng chưa được gần gũi. Duy mỉm cười nhìn sang bên cạnh,  người con gái mà Duy hằng gặp gỡ mỗi ngày, nhưng qua một bức tường ngăn cách là những tấm kính. Giờ đây đang ngồi bên chàng và như hiểu thấu ý nghĩ của chàng, Maria đưa tay vuốt lại mái tóc đang bay  trong gió và mỉm cười. Duy thấy lòng lâng lâng, kỳ thú. Chàng đề nghị với Maria tìm thức gì để ăn đã. Maria mỉm cười:
"Em không đói, nhưng nếu anh muốn ăn, thì đi với em."
Maria muốn chọc quê Duy nên nàng thầm thì vào tai Duy:
"No comida Vietnamita aqui !" (Ở đây không có món ăn Việt Nam  nghe! )
Duy trả lời:
"Si, yo entiendo . Comida mexicana, por favor, amiga ! ( Vâng, tôi biết. Thế thì ăn đồ ăn Mễ , cô bạn !)  Bây giờ tôi hoàn toàn tuân theo lời chỉ dẫn của Maria. Cô là hướng dẫn viên của tôi từ giờ phút này nhé."
Maria sung sướng gật đầu ưng thuận.  Maria hướng dẫn Duy cho xe vào bãi đậu xe tại một nhà hàng ven biển nổi tiếng về món tôm càng. Rồi rất tự nhiên, cô gái cầm tay Duy ung dung tiến vào nhà hàng  La Casa de la Langosta. Người bồi ra tiếp đón và đưa hai người vào một bàn kín, khuất phía trong. Duy còn đang lúng túng thì Maria đã tự nhiên, mở thực đơn và đưa tay nhón một hột hạnh nhân trên đĩa, đưa vào miệng. Bây giờ Duy mới có dịp nhìn kỹ và thật ngạc nhiên khi thấy mầu son môi tim tím của Maria, mầu mà chưa bao giờ Duy thấy Maria dùng trong suốt thời gian hai người cùng làm việc. Duy liếm môi nhớ đến những lần Maria nhu đôi môi "hôn gió" Duy qua khung cửa kính trong suốt. Chỉ cách một lớp kính dầy mà Duy thấy xa vời vợi. Maria nhoẻn miệng cười, hỏi Duy:
"Sao anh nhìn em kỹ như thế? Có gì lạ không?"
Ngượng ngập, Duy khẽ nói:
"Hôm nay, tôi thấy cô hơi lạ, với mầu môi rất tím và... và một nhân dáng chững chạc,  rất người lớn."
Bỏ thêm một hột hạnh nhân nữa vào giữa hai hàm răng, Maria mím môi không nói. Vẻ im lặng của cô gái khiến Duy ngạc nhiên, vì bình thường Maria rất liến thoắng. Duy chợt nhìn quanh và thấy mọi người quanh đây đều là người bản xứ, với nước da ngăm ngăm. Cũng có vài người là du khách, nhưng họ là người da trắng,  chỉ có một mình Duy là mầu da vàng rất đặc biệt. Duy chột dạ hỏi Maria:
"Hình như cô ngại gặp người quen?"
"Không. Em không ngại gì. Chỉ lo anh thôi."
Duy cười:
"Tôi chẳng có gì để ngại cả, vì như Maria biết, "tại đây và lúc này " tôi độc thân hoàn toàn mà."
Thức ăn đã dọn ra. Hai người bắt đầu thưởng thức những món ăn Mễ do Maria chọn. Duy ăn rất tự nhiên, vì cũng không có món gì lạ, toàn những món ăn chàng đã quá quen thuộc như tôm, cua, burrrito, nacho grande, menudo, chilli verde, papafritas.
Maria nói với Duy:
"Una  tequila, por favor ?" (Anh dùng rượu mạnh nhé?)
"Si." (Vâng)
Sau khi trả lời câu Maria vừa hỏi, Duy mới thấy mình "kém thông minh" . Vì chàng đang ngồi với người đẹp mà uống rượu mạnh thì  " còn làm ăn " gì nữa.
"Còn em uống gì  nào? "
"Una guava" ( Cho em ly nước ổi)."
Khi Duy và Maria ra khỏi nhà hàng thì bóng chiều đã phủ xuống vạn vật. Thấy Maria theo mình ra xe, Duy vội hỏi:
"Cô về đâu, để tôi đưa về. Rồi tôi phải kiếm một khách sạn để nghỉ ngơi, ngày mai mới đi thăm phố xá được."
Maria với dáng đi nhún nhẩy khác thường, nói nhanh khiến Duy bàng hoàng:
"Em đi với anh. Biển đẹp quá, về nhà uổng lắm. Ta ra biển đi anh. Rồi em sẽ cùng về khách sạn với anh. Cũng gần đây thôi."
Tay luống cuống, Duy mở cửa xe và cho xe nổ máy.  Tay chàng chạm phải bàn tay ấm áp của Maria đang tìm bàn tay chàng:
"Tối nay, em không để anh cô đơn nơi đất Mễ này đâu. Em sẽ đi với anh và đưa anh trở lại Mỹ đàng hoàng."
Duy để im tay mình trong bàn tay Maria. Chàng rùng mình nghĩ đến cuộc gặp gỡ kỳ thú với Maria, không biết sẽ còn những gì nữa đây? Duy mơ hồ cảm thấy những gì chàng mơ ước và thèm khát sau tấm cửa kính ngăn cách với đôi môi mọng đỏ của Maria đang trở thành sự thật. Hình như  mơ ước đang kề cận chàng.
3-
Bãi biển đông người. Hàng trăm người nằm phơi nắng  với đủ màu sắc quần áo tắm. Maria vừa hỏi Duy vừa đi đến hướng có phòng thay quần áo:
" Biển êm quá, anh có xuống tắm không?"
"Anh mới vừa uống tequila  nên anh không tắm lúc này. Em đi tắm đi, bơi lội cho thỏa chí kẻo lúc về San José lại tiếc..."
Sau khi thay bikibi xong, Maria hôn gió với Duy và đi nhanh xuống biển. Thân hình nàng nổi bật trong bộ áo tắm. Ngồi trên bãi biển Duy luôn nhìn về phía Maria. Nàng bơi lội rất giỏi. Nàng lướt theo những đợt sóng  từ ngoài biển đưa vào bờ như nàng nhảy vũ điệu samba.
Mặc dù Maria còn muốn giỡn chơi với nước biển lâu hơn nữa, nhưng thấy bỏ Duy ngồi một mình trên bãi biển, nên  nàng vội lên bờ. Nàng trườn thân mình ướt nước bên Duy và nói với Duy :
"Anh chờ em vào thay áo quần rồi chúng mình đi đến chỗ cho thuê ngựa để cưỡi dạo chơi dọc theo  bãi tắm. Thú vị lắm!"

Nhiều lần trước đây, Duy đã cưỡi ngựa ở đây . Nhưng lần này cùng đi với Maria nên anh nói dối:
"Anh chưa cưỡi ngựa bao giờ , nên nếu được thì Maria cầm cương, cho anh "quá giang" với em, được không?"

"OK! Anh hãy leo lên ngựa, ngồi phía sau em, và nhớ ôm em cho chắc kẻo ngã đấy nhé."
Duy chỉ mong Maria nói thế rồi chàng thi hành ngay.Thay vì ôm cho khỏi ngã, Duy lại ôm Maria thật chặt. Hơi ấm nơi thân hình Maria chuyền sang Duy mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Mùi hương thiếu nữ như quyện trong gió phả vào mũi Duy. Mặc cho Maria thúc ngựa chạy chậm, phi nhanh, nhảy lên, hụp xuống... Duy vẫn không để ý đến ngoại cảnh.
"Thôi chúng mình về khách sạn đi, em cảm thấy hơi lành lạnh !"
4-
Khách sạn Oceana - Casa Del Mar như tên gọi là một khách sạn  rất đẹp xây dọc theo bãi biển .
Cửa phòng vừa khép lại, Duy chưa kịp đi vào thì Maria đã vít cổ Duy xuống tìm môi chàng và hôn lấy hôn để như nàng thèm nụ hôn đã lâu. Duy đáp ứng ngay vì từ lâu nay chỉ được "hôn gió" thôi, nay được "hôn thật" thì...
"Như em đã nói với anh lúc ban chiều là em không để anh cô đơn nơi đất Mễ này đâu, thật ra là em không muốn chính em cô đơn mới đúng.Vậy kể từ phút này anh đừng để em cô đơn. Hãy sưởi ấm em bằng tình yêu nồng cháy. Hãy khơi dậy những đam mê, thèm khát giữa đôi ta. Chúng ta hãy tận hưởng... đừng nghĩ chuyện gì khác."
Không kịp để Duy có phản ứng,  Maria đẩy Duy ngã dài trên chiếc giường rộng, rồi đôi chân khỏe mạnh của Maria kẹp chặt hai bên sườn Duy, cô gái như ngồi hẳn trên mình Duy. Duy bật cười:
"Anh không phải là chú ngựa vàng lúc nãy đó nghe!"
Như bị kích thích, Maria vội vùi Duy xuống mặt nệm bằng những nụ hôn tới tấp. Đôi môi của Maria xoắn lấy đôi môi của Duy. Lưỡi của Maria lùa như đuổi bắt lưỡi của Duy, khiến chàng như ngộp thở. Duy lăn mạnh,  vật Maria xuống và chồm lên mình Maria. Cô gái rên xiết như người trúng lạnh và cả thân hình cô run lên, đôi tay ghì xiết thân hình của Duy đang phủ xuống cô những yêu đương  cuồng nhiệt. Duy thấy mình như hăng hái thêm, bao nhiêu dồn nén từ lâu nay bên khung cửa kính được dịp tuôn trào. Chưa bao giờ Duy thấy mình mạnh bạo như thế. Maria càng ghì sát Duy hơn, càng rên rỉ những nốt nhạc đê mê không lời. Duy có cảm tưởng chàng đã xuyên qua được những tấm kính dầy, để đến với Maria, nhập với Maria thành một và  hòa tan trong Maria.
Duy thức dậy bên Maria đang ngủ say. Ngắm nhìn khuôn mặt đầy những đường nét đặc trưng của người Mễ-Tây-Cơ, Duy không ngờ chuyến đi Mễ của chàng lại kỳ thú như Lưu-Nguyễn  lạc Thiên-Thai. Duy ngơ ngẩn tự hỏi vì đâu mà Maria lại có cảm tình với chàng và say đắm, cuồng nhiệt với chàng như vậy? Phải chăng trong khi cùng nhau làm việc, Maria đã ngầm "cảm" chàng, để bây giờ tình cờ gặp lại, nàng đã không ngần ngại trút hết cho chàng những cơn sóng yêu đương ấy? Hoặc nàng thèm khát yêu đương đã lâu, gặp chàng, có cơ hội để nàng trao thân dễ dàng. Dù gì đi nữa, thân thể thanh nữ khỏe mạnh, năng lực dồi dào, nhu cầu sinh lý của Maria tất nhiên phải đòi hỏi nhiều, với cuộc sống buông thả của một dân tộc ham vui và yêu âm nhạc. Duy biết chàng không phải là người đàn ông đầu tiên đến với Maria. Cảm giác thất vọng thoáng qua trong trí Duy khi  trước kia, chàng lầm tưởng Maria là một cô gái ngây thơ, tính tình bạo dạn và hay đùa nghịch. Duy say sưa nhìn ngắm Maria và thầm tiếc từ nay những ý nghĩ thánh thiện, những đùa nghịch tự nhiên sẽ không còn khi hai người làm việc bên nhau nữa. Đôi môi kia đã từng áp sát môi chàng. Thân thể căng cứng kia đã từng run rẩy trong đôi tay chàng. Vùng ngực ấm kia Duy đã từng vùi mặt mình trong đó, tạo cho chàng một ham muốn, rạo rực kỳ lạ. Bất giác, Duy cúi xuống hôn lên khuôn mặt của Maria. Cô gái chợt trở mình và mở choàng đôi mắt, mỉm cười với Duy, rồi đưa cả vòng tay tham lam vít đầu Duy xuống. Cả hai lại ngây ngất bên nhau. Duy thấy mình sung sức lạ lùng. Vì sự gợi tình của cô gái hay vì chất men rượu taquila đang ào ạt luân lưu trong máu huyết của Duy? Duy nghĩ rằng vì cả hai. Vì Maria và vì rượu mạnh!
Đêm Mễ-Tây-Cơ thật ấm. Càng ấm hơn khi Duy được vòng tay của Maria ôm chặt. Chàng cảm thấy khát nước. Gỡ nhẹ vòng tay của Maria, Duy đến bên bàn nước, cầm nguyên chai nước, chàng ngửa cổ uống cạn. Có tiếng trở mình của Maria và tiếng nàng như ngái ngủ:
"Anh! Em... đói!"

Duy mỉm cười âu yếm, vỗ nhẹ lên  bờ vai trần tròn trĩnh của Maria. Liếc nhìn đồng hồ, Duy nói như dỗ dành:
"Mới ăn  đồ biển no hồi chiều mà em đã đói rồi. Bây giờ là nửa đêm. Ngủ đi cho quên đói. Ngày mai anh sẽ đưa Maria đi ăn."
Cầm bàn tay Duy đặt nhẹ lên gò bồng đảo săn cứng của nàng, giọng Maria nũng nịu, gợi tình:
"Không. Em không đói ăn. Em đói... anh!"
Rồi nàng lại kéo Duy sát xuống bên mình. Cả hai lại chìm trong cơn mê. Đất trời lại một phen nữa quay cuồng. Và chăn nệm lại bật tung lên vì hoan lạc.
5-
Trời sáng dần. Qua cửa kính khách sạn trên tầng lầu cao, Duy nhìn ra biển, chỉ thấy một mầu xanh  mênh mông, không thấy bến bờ.  Từng đợt sóng cao trắng xóa vỗ vào bờ cát dài . Tiếng réo gọi ì ầm của trùng dương  nghe thật  hấp dẫn.
Maria vươn vai từ phòng tắm bước ra, rắn chắc trong bộ áo tắm hai mảnh màu đỏ trông thật khêu gợi. Mặc dù Duy đã biết rõ "những gì chứa đựng phía bên  trong" nhưng chàng vẫn nhìn không chớp mắt nhữ ng chỗ mà đa số phái mạnh muốn nhìn.
"OK. Đi ngay. Nhưng anh nói với em là anh bơi lội kém lắm đấy.  Mất công em phải trông chừng anh đấy thôi."
"Anh yên chí, em bơi lội giỏi, đủ sức đưa anh vào bờ. Anh khỏi lo!"
Xuống  biển, Maria kéo Duy bơi ra xa. Hai người quấn nhau như sam. Môi Maria chẳng muốn rời môi Duy, dù chỉ để thở một chút. Đôi môi Maria mặn chát nước biển và ướt sũng đam mê.  Nhìn Maria trồi lên hụp xuống trong sóng nước, uyển chuyển và thành thạo như  một con cá voi. Sóng lớn quá, Duy không dám ra xa nữa, chàng chỉ đứng gần gần bờ, đề phòng nếu gặp cơn sóng lớn, là Duy lủi nhanh vào bờ, trước khi cơn sóng tung bọt trắng xóa trên cao chụp xuống. Sau một hồi hụp lặn, vừa đùa với nước, vừa giỡn với Duy, Maria nghiêng đầu hỏi:
"Anh có muốn lên bờ nằm tắm nắng không? Anh lên trước đi, rồi em lên sau."
" Ừ, anh lên bờ nằm nghỉ một  lát, ngắm người qua lại. Hôm nay biển đẹp, nên cũng có nhiều người đẹp lắm."
Đưa tay khoát một vốc nước biển ném theo  Duy, Maria cười, nói như hét lên:
"Một mình em đã lo nổi chưa mà đòi "nhiều người đẹp" nữa?  Anh tham lam xấu lắm!"
Duy chạy vội lên bãi cát và chàng lười biếng nằm sấp trên mặt cát ấm áp, không muốn trở xuống biển với Maria nữa. Cô gái bơi mãi, cưỡi sóng mãi cũng chán nên đến bên Duy, đưa bàn chân ướt nước cào mạnh lên lưng Duy.  Những móng chân nhọn cào trên da thịt Duy khiến chàng đau, vùng đứng dậy. Maria ôm chặt lấy chàng. Hai người bước những bước nghiêng ngả, chuệnh choạng về phòng, bỏ lại bãi biển mỗi lúc một sẫm lại vì hoàng hôn đã xuống.
Một đêm thần tiên lại đến với Duy trên đất Mễ-Tây-Cơ. Đêm  dài như tiếng ngân Mê-xi-...cồ của nam danh ca Cao-Thái, bài hát mà Duy đã mê từ những ngày còn nhỏ...
Đêm dài và vô tận.  Trong  phòng, chỉ có tiếng rì rầm của máy điều hòa không khí và tiếng rên đầy khoái cảm  của Maria...
Đã hai đêm và gần hai ngày trên đất Mễ, nhưng trái với dự tính, Duy chưa đi đâu ra xa khỏi khách-sạn. Hình như Duy chỉ ngụp lặn với Maria và chàng thấy thời gian trôi nhanh quá. Chàng ngao ngán nghĩ đến những ngày hết phép, trở về lại San Jose và ngày ngày nhìn Maria qua khung cửa kính. Rồi sẽ như thế nào? Chuyện của ngày mai, nào ai biết được. Thôi, cứ vui đi, tới đâu hay tới đó. Nghĩ như thế, và Duy khoan khoái tận hưởng lạc thú bên Maria như một phần thưởng của Đấng Toàn Năng ban phát cho chàng.
6-
Buổi chiều, vầng thái dương vẫn rực rỡ trên biển cả, trong khi Duy và Maria vẫn trầm mình trong sóng nước. Biển hôm nay dữ quá, từng đợt sóng cao hơn đầu người phủ chụp lấy hai người. Maria cười sặc sụa khi thấy Duy bị cơn sóng nhồi. Nàng vùng lên, ôm gọn Duy trong đôi tay và úp mặt Duy lên cồn ngực căng cứng của nàng. Nàng tung cả hai trên cơn sóng vừa ào tới, Duy cũng theo đà tung của Maria mà nhẩy lên khỏi cơn sóng lớn. Nhưng muộn rồi, chàng mất đà, ngã nhúi về phía trước và hụt chân, chàng nằm ngang trên mặt nước. Vừa một cơn sóng nữa xô vào bờ, cao hơn và hung dữ hơn cơn sóng vừa rồi,  cuốn theo những gì nó có thể cuốn được  và cả Duy nữa. Chàng chới với, không đứng dậy được trước sự vùi dập của nhiều đợt sóng. Chàng  cất tiếng kêu "Maria! Maria!"
Rồi miệng chàng đầy những nước và tiếng kêu tắt lịm trong cổ họng.

Nước trong miệng Duy ộc ra và chàng rên lên như đau đớn. 
Có tiếng một người kêu lên:
"Tỉnh lại rồi!"
Duy mệt mỏi mở đôi mắt thất thần nhìn những thanh niên Mễ lực lưỡng vây quanh chàng. Chàng lờ đờ đưa mắt tìm Maria nhưng không thấy.
"Chúng tôi là nhân viên cấp cứu. Ông suýt chết đuối. May mà cô gái đưa ông vào bờ kịp. Nếu không..."
Duy rùng mình kinh sợ. Chàng cựa mình và ấp úng:
"Cô ấy đâu rồi?"
Mọi người nhìn quanh và lắc đầu:
"Chúng tôi không biết. Cô ấy có quen biết gì với ông không?"
Duy thờ thẫn lắc đầu và nhờ họ đưa chàng về phòng. Nằm vật ra giường, Duy có ý chờ Maria xuất hiện. Chắc thấy chàng suýt chết, sợ liên hệ nên Maria đã tạm thời lánh mặt. Nhưng Duy  chợt tỉnh, chàng biến sắc khi thấy áo quần và xách hành lý nhỏ của Maria đã  không còn nữa. Chàng nhoài người mở ngăn kéo bàn, cái ví tay nhỏ bé của Maria cũng không còn. Dưới chân bàn, đôi giầy cao gót cũng biến mất. Maria đã đi rồi...
Duy ở nán thêm một ngày nữa và có ý mong chờ sự trở lại của Maria. Nhưng tuyệt nhiên không thấy Maria đâu.   Cho là có chuyện bất thường, Duy vội bỏ hết mấy ngày phép còn lại và lên xe trở về San Jose. Dọc đường, chàng có ý chờ Maria, nhưng vô ích. Maria đã biệt tăm.
Tơí cổng biên giới Mễ và Hoa-Kỳ,  trong khi xe Duy xếp hàng dài chờ làm thủ tục khám xét, Duy chăm chú nhìn những xe chung quanh có ý tìm kiếm Maria, nhưng chỉ có những người bán hàng dạo xa lạ mời mọc những món quà lưu niệm của Mễ-Tây-Cơ. Đến lượt xe chàng tiến lên. Thấy chàng da vàng, lại đi một mình nên nhân viên cho chàng qua ngay. Xe Duy lăn bánh, bỏ lại đằng sau những đám bụi mù, mờ ảo như hình bóng của Maria...
7-
Duy trở lại với công việc thường ngày. Gặp Maria, cô gái thoáng ngạc nhiên khi thấy chàng đi làm sớm hơn dự tính. Nhưng cô không nói gì, chỉ chăm chú làm việc như thường, không biểu lộ một cử chỉ thân ái nào. Duy vừa ngạc nhiên, vừa cảm thấy tự ái bị tổn thương quá mạnh. Chờ đến giờ ăn trưa, Duy không nén được tức giận, nên đã giận dỗi hỏi Maria:
"Mấy ngày tôi đi vắng, cô làm việc  vui lắm phải không?"
Thản nhiên như không,  Maria  cười cười chỉ tay ra phía xa và nói:
"Mấy ngày anh nghỉ phép, em làm mệt muốn chết. Sau ông chủ phải cho con Jacky làm phụ với em. Nó kia kìa, để em gọi nó cùng ăn cho vui."
Duy tròn miệng kinh ngạc, nói không nên lời. Càng kinh hoảng hơn khi Duy nghe cô gái bên kia chạy tới tươi cười nói:
"Bữa nay chị có anh này về rồi, không cần em nữa phải không? Em lại trở về công việc quét dọn như cũ, làm một mình, buồn lắm. Mấy ngày làm với chị vui ghê. Thời gian trôi nhanh nên không thấy mệt."
Duy đang ngạc nhiên về sự lảng tránh của Maria, thì lại kinh ngạc vô cùng khi biết nàng không hề rời chỗ làm và cũng không đi Mễ trong mấy ngày qua. Ú ớ hồi lâu, Duy mới hỏi được một câu ngớ ngẩn:
"Sao lại có người giống Maria đến như thế? Maria có tin được không?"
Không ngờ, Maria cười thật tươi mà đáp:
"Từ hồi xưa cơ, khi chị Marisa còn sống, thì ai cũng bảo chị ấy giống em như hai giọt nước. Vì chúng em là chị em song sinh. Nhưng tính tình lại khác nhau, chị Marisa mê biển, còn em chỉ mê núi. Chị ấy bơi lội như hải cẩu, còn em leo núi như vượn. Những buổi đi tắm biển, đạp nước, rẽ sóng là chỉ có chị Marisa  chứ không có em. Ngược lại, những ngày đi chơi núi, đi rừng thì  chỉ có em chứ không bao giờ có chị Marisa. Vì thế em theo đoàn người di dân lậu sang Mỹ sống, trong khi chị Marisa không xa biển được. Chị ấy vẫn ở lại Mễ sinh sống và hàng ngày đùa giỡn với biển cả. Cách đây ba năm, em được tin chị ấy bị bơi vào vùng nước xoáy và mất tích. Toán cấp cứu và cư dân quanh biển tìm Marisa nhưng không thấy xác chị. Chắc chị đã bị sóng đưa ra xa và làm mồi cho cá mập. Tội nghiệp chị. Em không về được vì không có giấy tờ để qua lại, đành ngậm ngùi thương tiếc chị Marisa thôi."
Ngưng một lát, nâng ly coca uống một hơi, Maria tiếp:
"Nhưng kể từ ngày ấy, bãi biển  này cứ lâu lâu lại có một người bị sóng cuốn mất tích. Người ta nghi rằng chị ấy linh hiển nên bắt người cho có bạn."
Duy rùng mình ớn lạnh. Nghĩ đến những trận mây mưa ngút ngàn và ân ái cuồng nhiệt với Marisa - giờ đây chàng mới biết là không phải Maria -  Duy kinh ngạc thấy mình còn sống. Có lẽ do thấy chàng lầm là Maria, em gái mình, nên Marisa nể tình không bắt chàng chết, mà lại cứu chàng vào cho toán cấp cứu cứu tỉnh chàng. Nhưng vốn lạc quan, Duy cho rằng có lẽ chàng đã đáp ứng nỗi khao khát dục tình của nàng, nên Marisa không nỡ để chàng chết đi. Không những cứu chàng, mà Marisa còn giữ đúng lời hứa "em sẽ đưa anh trở lại Mỹ đàng hoàng".
Bóp nhẹ cái ly giấy trong tay, Duy ngầm liếc nhìn Maria. Chàng bật cười thích thú khi thấy sự khác biệt giữ hai người con gái: cặp bồng đảo của Maria nhọn nhọn và rung rinh sau làn áo, chứ không căng cứng và vun đầy như của Marisa. Đôi môi của Maria lúc nào cũng mọng đỏ chứ không tim tím như của Marisa. Và... nhờ giỏi bơi lội nên tuy thân thể Marisa có đẫy đà hơn Maria, nhưng cặp đùi cùng cái eo của Marisa hình như nhỏ nhắn hơn của Maria. Duy đỏ mặt khi nghĩ đến lúc được cùng Maria khám phá những điểm khác biệt giữa hai chị em. Chàng mỉm cuời thích thú, lim dim đôi mắt tưởng tượng tới lúc được "bóc" từng mảnh y phục của Maria, như người ta bóc một cái bánh. Trời ơi! nhất định phải giống Marisa lắm, nhưng chắc chắn là phải "ngon" hơn ngàn lần, hấp          dẫn  hơn vạn lần, và đê mê hơn triệu lần.
Tại sao lại "ngon" hơn, thì Duy không thể biết được...
©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG
("Một thoáng Liêu-Trai")
Trong tập truyện BIỂN TÌNH sắp xuất bản





  10. MÙA XUÂN VĨNH VIỄN
  PHƯƠNG-DUY TDC
 
  1-
     N ốt nhạc cuối cùng vừa chấm dứt. Hùng đứng lên, rời đàn dương-cầm để cảm tạ thính-giả đã lắng nghe nhạc-phẩm “Giòng sông xanh” bất-hủ của nhạc-sĩ người Áo Johann Strauss. Đó là bản nhạc kết thúc chương-trình trình-tấu ngày hôm nay.
Từ ngày Hùng vào nội-trú tại viện an-dưỡng của thành-phố, cứ mỗi cuối tuần, Hùng giúp vui cho các cụ lão-niên cùng các nhân-viên phục-vụ tại đây bằng âm-nhạc.
Nhìn thính-giả đang vỗ tay nồng nhiệt, Hùng mỉm cười vì đa số là các cụ già trên sáu, bảy mươi tuổi. Ba  mươi cụ ông, cụ bà người Mỹ trắng, bốn  lão-nhân người Hoa, mười ông, bà già người Mỹ La-Tinh  và một bà cụ người Việt. Cùng thưởng-thức còn có Ban Giám-đốc, các bác-sĩ, nữ y-tá, nhân-viên và đôi lúc lại có thêm các thân-nhân của các cụ nữa.
Mặc dù là thính-giả cao niên, nhưng vị nào cũng thích nghe đàn, nên Hùng cũng vui và cảm-động khi nghe các cụ đề-nghị:
 - Xin  đàn thêm vài nhạc khúc nữa rồi hãy chấm dứt.
Hùng lại ngồi vào đàn dương-cầm và giới thiệu nhạc-khúc sẽ được chàng biểu-diễn tiếp.
Từ trước đến nay, vì đa số thính-giả là người ngoại quốc (đối với Hùng), nên chàng chỉ chọn những bản nhạc tây-phương nổi tiếng và phổ-thông như “Come back to Sorriento”, “The Blue Danube”, “Serenata”, “Ave Maria”, “La Paloma”, “Mexico”, “La vie en rose”... để trình-tấu. Hôm nay, chàng nhìn xuống các cụ người Việt và người Hoa rồi nói:
- Kính thưa quý Cụ, hôm nay xin quý Cụ vui lòng cho phép tôi giới-thiệu những nhạc-khúc Á-đông nổi tiếng, để  quý Cụ thưởng-thức. Đó là bản “Rose de Chine”, nhạc Trung-Hoa và “Xuân và Tuổi trẻ” (Le Printemps et la jeunesse) của nhạc-sĩ La-Hối, Việt-Nam.
Những tràng pháo tay dài như không dứt của quý Cụ là một lời chấp thuận đề nghị của Hùng một trăm phần trăm.
Hùng đứng lên cám ơn và ngồi xuống đàn.
Gian phòng hoàn toàn im lặng chờ tiếng đàn vang lên.
Từng âm-thanh thánh-thót thoát ra từ đàn dương-cầm như quyện theo tâm-hồn và hơi thở của Hùng. Hùng say sưa đưa những ngón tay lướt trên phím đàn và quên đi thực-tại. Những cánh hồng Trung-quốc khoe mầu rực-rỡ, rồi rơi lả-tả theo làn gió nhẹ ban mai như nàng thiếu-nữ Trung-Hoa xuân-thì rồi cũng sẽ phai tàn nhan-sắc. Thính-giả như nín thở lắng nghe từng âm-thanh tỏa lan trong gian phòng nhỏ hẹp của an-dưỡng-viện. Tiếp theo là những âm-thanh rộn-rã yêu đời của nhạc-khúc “Xuân và Tuổi Trẻ”. Khúc nhạc này đã làm cho các cụ cao niên  tuy rất vui mà lại chảy nước mắt, nghĩ đến thân-phận hiện tại của các cụ khi tuổi-trẻ từ lâu đã từ-giã các cụ.
2-
     Hùng vào nội-trú tại an-dưỡng-viện này  khi chàng mất năng-lực làm việc. Tứ cố vô thân. Vợ chàng qua đời khi mới đến định-cư tại Mỹ chừng vài năm. Các con chàng đã lớn, nên lần lượt dọn ra ở những nơi khác. Còn lại chàng, lúc còn đi làm thì cũng quên cảnh đơn chiếc. Nay không phải đi làm, được hưởng tiền trợ cấp bệnh tật. Hùng trả ngôi nhà đã thuê và xin vào an-dưỡng-viện dành cho những người mất năng-lực và cao niên. Tại đây, chàng được săn-sóc và sống yên tĩnh những ngày còn lại ở tuổi lục-tuần.
Ngày đầu tiên, một nữ nhân viên đã hướng-dẫn chàng đi thăm các phòng và giải-thích cho chàng nếp sống hàng ngày. Đến trước cửa một phòng ở cuối dãy, to rộng hơn các phòng khác, cô  nữ nhân-viên mở khóa. Hùng đi vào. Chàng  rất ngạc-nhiên vì đây là một phòng hòa nhạc. Một chiếc đàn dương-cầm lớn “piano à queue” đặt chính giữa trên bục sân-khấu rộng, bên cạnh là bộ trống, đàn ghi-ta, đàn vi-ô-lông, những giá để bản nhạc và một số dụng-cụ âm-nhạc khác.
Cô nữ nhân viên giải thích khi thấy Hùng như “sững-sờ ngạc-nhiên” trước những nhạc-cụ bày trong phòng này.  Nàng nói:
- Trước đây, khi Cụ John còn sống, cụ thường đến đây trình tấu nhạc giúp vui cho tất cả mọi người trú tại an-dưỡng-viện này. Ngày xưa, khi còn trẻ, cụ là nhạc-sĩ tốt-nghiệp âm-nhạc-viện. Cụ sử-dụng thành-thạo một số nhạc-cụ như dương-cầm, vĩ-cầm, tây-ban-cầm... Khi cụ về hưu, không còn thân-nhân, nên cụ hiến tặng chiếc đàn dương-cầm, vĩ-cầm cùng một vài nhac-cụ khác khi vào nội-trú tại đây.  Thế rồi từ  ngày ấy, ban giám-đốc cho  sửa sang, nới rộng căn phòng này thành phòng hòa-nhạc và các cụ cao-niên hàng tuần được đến đây thưởng-thức âm-nhạc. Hai năm vừa qua, cụ John qua đời. Từ đấy căn phòng này khóa cửa để chờ một nhạc-sĩ nào khác trong tương-lai...
Nghe xong lời giải-thích, Hùng xin phép cô nhân-viên trẻ, đến ngồi vào đàn dương-cầm.
Những chuỗi âm-thanh dìu-dặt và thánh-thót vang lên. Hùng say sưa đàn một nhạc-khúc cổ-điển. Chàng quên hết hiện tại, chỉ còn đắm chìm những âm-thanh vang dội trong căn phòng.
Chấm dứt nhạc-khúc, chàng tỉnh người, khi nghe những tràng vỗ tay vang lên. Thì ra trong lúc Hùng đang say sưa đàn, cô nữ nhân-viên đã lẳng-lặng đi thông-báo cho ban giám-đốc và quý cụ cao-niên đến phòng hòa-nhạc ngay để nghe một “John Junior” đàn. Vì cô không phát-âm được tên của Hùng nên cô nghĩ ngay đến cụ John và  một  “nickname” mới cho  Hùng là “John Jr.” để dễ gọi và cũng muốn nói lên tài-nghệ  trình-tấu của Hùng cũng không kém  gì cụ John Sr. ngày xưa bao nhiêu.
Các cụ cũng như ban giám-đốc tràn ngập nỗi vui, vì từ nay họ lại tiếp-tục được thưởng-thức âm-nhạc  mỗi tuần sau khi cụ John từ-giã cây đàn,  đi qua bên kia thế-giới.
3-
     Cha mẹ Hùng rất yêu âm-nhạc nên đã cho Hùng thụ-huấn với một giáo-sư dạy dương-cầm khi Hùng mới lên sáu.  Hùng học và đàn rất tiến bộ.  Sau đó, Hùng tiếp-tục vào học tại trường quốc-gia âm-nhạc  Saigon. Tốt-nghiệp xong, Hùng đi dạy nhạc tại các trường trung-học.  Rồi chàng bị động-viên học khóa sĩ-quan trừ bị. Khi tại ngũ, chàng thuyên-chuyển từ chiến-trường này sang chiến-trường khác  nên không còn dịp đặt tay vào đàn dương-cầm nữa.  Sau 30 tháng Tư  năm 1975, chàng đi tù cải-tạo, căn nhà chàng ở trong cư-xá sĩ-quan Chí-Hòa bị Việt-Cộng tịch-thu, kể cả cây đàn dương-cầm. Bọn chúng bắt buộc gia-đình chàng phải dọn ra khỏi cư-xá ngay ngày “tiếp-thu” và chỉ được mang theo một  ít  đồ dùng cần thiết.
Đến khi qua định-cư tại Mỹ, chàng lo đi làm đầu tắt mặt tối, nên không nghĩ chuyện mua cây đàn mới. Những lúc  nhớ đàn, “thèm” đàn, Hùng thường đến các nhà bạn bè có đàn hoặc vào các tiệm bán đàn để “đàn ké” một vài  nhạc-khúc ngắn.
Bây giờ vào nhà an-dưỡng, Hùng thấy cây đàn nằm đấy mà không có ai xử-dụng, giống như “lân thấy pháo” vậy.
Kể từ đó, hàng ngày Hùng có dịp vào tập lại những nhạc-khúc cũ để mỗi cuối tuần trình-tấu cho mọi người sống trong nhà an-dưỡng thưởng-thức.
Trong dịp lễ Tạ-Ơn Thanksgiving Day, có rất nhiều thân nhân của các Cụ nội-trú đến viếng thăm các cụ. Một thiếu-nữ tóc vàng, mắt xanh đã sững-sờ khi nghe tiếng đàn của Hùng, nàng không ngờ “nơi an-dưỡng cuối cuộc đời của các cụ lão-niên” lại có một tay “pianist” có những ngón đàn tuyệt-diệu như vậy. Nàng tiến đến chỗ Hùng ngồi và nói với Hùng:
- Tôi xin phép ông để tự giới-thiệu  tên tôi là Liz, cháu của Cụ Maria. Bà Cụ đang ngồi ở dãy ghế đàng kia, chắc ông đã biết Cụ.  Gia-đình chúng tôi ai cũng say mê âm-nhạc. Tôi được gia-đình cho đi học vĩ-cầm hơn tám  năm qua. Nghe tiếng đàn tuyệt-diệu của ông, tự nhiên tôi bỗng nảy sinh ra ý muốn  đóng góp tiếng đàn của tôi vào các lần trình-tấu kế tiếp, không rõ ông có vui lòng chấp-thuận không?
Nhìn thiếu nữ, Hùng vừa cười vừa trả lời:
- Thứ nhất, tôi xin cám ơn Cô đã cho tôi một nhận xét về tiếng đàn của tôi. Thứ hai, từ lâu tôi vẫn mong đợi có nhiều tiếng đàn khác cùng với tôi đảm-nhiệm những buổi song-tấu, tam-tấu âm-nhạc để giúp các cụ cao-niên vui hơn, chứ tuần nào cũng chỉ nghe độc-tấu dương-cầm thì chán chết, phải không cô?  Thứ ba, dù tôi chưa nói, nhưng cô cũng đã hiểu. Tôi trân trọng mời cô...
Thiếu-nữ nghe Hùng nói xong, mắt chớp chớp cảm-động vì toại ý muốn. Nàng hỏi qua thân-thế của Hùng, rồi nàng đề nghị với chàng:
- Bắt đầu từ ngày hôm nay, khi nào rảnh-rang, tôi sẽ mang đàn đến đây để tập-dượt, chuẩn-bị cho buổi hòa-nhạc tuần kế tiếp.
Hùng rất vui khi nghe lời đề-nghị của thiếu-nữ, vì ban giám-đốc vừa yêu cầu chàng chuẩn-bị đêm hòa-nhạc “đặc-biệt” chào mừng năm mới sắp đến.


4-
     Martin Woong đọc đi đọc lại lá thư của bà nội chàng mà chàng mới nhận được sáng nay. Từ ngày bà vào nhà an-dưỡng, đây là lần đầu tiên, Martin nhận được thư của bà viết riêng cho đứa cháu nội duy nhất của bà:
“Cháu Woong thân mến,
Bà rất nhớ cháu, nhất là nhớ tiếng đàn Cello trầm trầm và sắc-sảo của cháu. Ngày xưa, khi bà còn ở nhà, cháu đàn ở phòng bên cạnh, bà lúc nào cũng lắng nghe rất thích thú. Bà muốn cháu cuối tuần này, mang chiếc đàn đó vào chỗ bà ở, đàn cho bà nghe vài bài, được không?. Nhân thể, bà cũng tin cho cháu biết, mỗi tuần trong này bà thường được thưởng-thức nhạc hòa-tấu piano với violin đấy. Nếu thêm tiếng đàn cello của cháu nữa thì các cụ ở đây chắc sung-sướng lắm!  Hơn  nữa, bà cũng sẽ hãnh-diện ngón đàn của  cháu . Mong gặp cháu.
 Thân:
 Bà của cháu,
 Sue.”
Đoc xong thư, Martin liền gọi điện thoại vào cho bà nội của chàng ngay:
- Hello! Thưa bà nội, Bà khỏe không?.  Cháu đã nhận được thư của Bà. Cuối tuần này, cháu sẽ vào thăm Bà với cây đàn cello. Xin Bà cẩn trọng. Những điều gì mà cháu có thể làm cho Bà vui thì cháu hứa sẽ làm ngay. Cháu kính thăm Bà. Chào Bà nội.
Cuối tuần lễ đó, Hùng và Liz cũng như ban giám-đốc, các Cụ cao-niên lại tiếp nhận thêm tiếng đàn  cello  tuyệt vời của Martin và Martin cũng tình-nguyện sẽ cộng-tác với Hùng và Liz trong chương trình hòa-tấu chào mừng “Mùa Xuân Vĩnh-viễn của Thiên-niên-kỷ mới”.
Thế rồi những ngày tháng kế tiếp trôi qua, Martin và Liz hàng ngày, sau khi rảnh-rỗi mang đàn đến tập dượt chung với Hùng những nhạc-khúc ba người muốn  hòa-tấu với nhau.
5-
     New-Year ‘s Day của Thiên-niên-kỷ mới, các cụ và thân nhân đến ngồi chờ tại phòng hòa-nhạc rất sớm, vừa trò chuyện  chào mừng Năm Mới, vừa để thưởng-thức một buổi hòa nhạc đặc-biệt.
Đón  ngày đầu năm mới, các cụ bà cũng làm dáng, thoa chút phấn hồng nơi má nhăn-nheo và tô môi son đỏ như muốn kéo lại chút gì của những ngày thanh-xuân cũ. Các cụ ông cũng không kém, diện  những  bộ veste với cà-vạt sặc-sỡ, cài thêm chiếc huy-hiệu nhỏ cờ Mỹ hoặc những huy-chương, huy-hiệu cựu-chiến-binh.
Người ngồi trên xe lăn, người nằm trên băng-ca, người ngồi trên ghế dựa trong khi nghe nhạc,  thật là một cảnh-tượng không bao giờ thấy ở ngoài đời.
Sáng hôm ấy, Hùng mặc bộ áo veste đen, thắt nơ  như một nghệ-sĩ “nhà nghề” khi trình-diễn.
Liz trong bộ áo đầm xòe mầu hồng nhạt, tóc cột đuôi ngựa và cài một bông hồng trên áo.
Martin mặc bộ veste trắng, thắt nơ mầu đỏ – mầu của “phúc-lộc”- theo người Trung-Hoa thường tin-tưởng như vậy.
Sau khi, ban giám-đốc lên giới thiệu nội-dung buổi hòa nhạc và các nghệ-sĩ sẽ trình-tấu, ba người bắt đầu tam-tấu bản “The Four Seasons” bất-hủ của Vivaldi:“La Primavera” (Spring), L’Estate” (Summer),” L’Autunno” (Autumn),
”L’ Inverno” (Winter).
Tiếng đàn violin của Liz cao vút, tiếng đàn cello của Martin trầm trầm hòa với tiếng đàn piano sắc-sảo của Hùng  vang dội trong phòng hòa-nhạc như vang dội trong tim của người thưởng-thức.
Những tràng pháo tay không dứt để cám ơn các nhạc-sĩ biểu-diễn.
Tiếp theo, Hùng đệm dương-cầm cho Liz độc tấu vĩ-cầm bản nhạc “Fruhlingsstimmen” (Voices of Spring) của Johann Strauss.  “Coup d’archet” của Liz  thật tuyệt-diệu. Âm-thanh dồn-dập lúc trầm trầm, khi cao vút như  giọng thì-thầm của mùa Xuân mà tác-giả Strauss đã gửi-gắm vào đó!.
Những tràng pháo tay dài... dài...
Hùng độc tấu dương-cầm bản “Le Printemps  et  La Jeunesse” của La-Hoy và bản nhạc  “Ly Rượu Mừng” của Phạm-đình-Chương.
Liz và Martin song tấu violin và cello  một sonata của Chopin.
- Thật là tuyệt diệu!
Thính-giả nồng nhiệt la to với những tràng pháo tay như không dứt để yêu cầu song-tấu lần nữa.
Martin nhìn sang Liz như để hỏi ý-kiến. Cùng lúc Liz nhìn sang Martin và gật đầu.
Tiếp theo chương-trình, Martin đưa thính-giả vào “mê-hồn-trận” với phần độc tấu cello một  concerto  của Brahms.
Tiếng đàn của chàng cũng làm cho người nghe nhớ tới tiếng đàn của danh-cầm Jacqueline du Pré.
Sau cùng, Hùng, Liz và Martin  chấm dứt chương-trình hòa-nhạc bằng  nhạc-khúc  “One Day When We Were Young” bất-hủ của nhạc-sĩ thiên-tài người Áo Johann Strauss.
Những tràng pháo tay tiếp tục vang lên cùng với những nụ cười tràn đầy hy-vọng một “mùa xuân vĩnh-viễn” của tất cả thính-giả.
Những bó hoa hồng rực-rỡ của thính-giả và của Ban Giám-đốc trao cho Liz, trao cho Hùng và cho Martin.
Liz cảm-động nhìn sang Hùng như thầm cảm-phục “ngón tay vàng” của người đàn ông đã bước vào tuổi gần cuối Thu, nhưng tâm-hồn vẫn mãi mãi yêu đời, mê âm-nhạc như  đang còn ở tuổiø “Mùa Xuân Bất Tận”.
Martin nhìn sang Liz, Liz nhìn lại Martin với cái nhìn âu-yếm vì sự thành công của nàng hôm nay có sự cộng-tác chân-thành và nghệ-thuật của Martin. Tiếng dàn violin song-tấu với tiếng đàn  cello như  quyện nhau thành một.
6-
     Những ngày tháng  của cuộc đời lần lượt trôi qua rất nhanh: Xuân, Hạ, Thu, Đông  theo nhịp xoay tròn của quả đất, giống như  nhạc-phẩm “The Four Seasons” của Vivaldi đã diễn tả.
Đều đặn mỗi cuối tuần, Liz lại có dịp hòa đàn với Martin và Hùng.  Hùng  ngẫm-nghĩ nếu tiếng đàn violin của Liz không có tiếng đàn cello của Martin “bám theo” chắc sẽ “cô-đơn” lắm!  Hùng ước mong hai bạn trẻ của chàng sẽ cùng đàn với nhau mãi mãi trong suốt cuộc đời.
Rồi lời thầm ước của Hùng đã thành sự thật sau thời-gian dài ba người  cùng hòa nhạc với nhau.
     Khi nhịp đập của quả tim yêu âm-nhạc của Liz đã cộng-hưởng sự rung động với nhịp đập của quả tim yêu âm-nhạc của Martin.
Một mùa xuân bất tận của hai tâm hồn đồng điệu đã thành hình khi Liz và Martin  quỳ trước bàn thờ lắng nghe nhạc khúc “Oui devant Dieu” bất-hủ cất cao trong thánh-đường, trước đông đủ người thân, Hùng và bạn bè.
© PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG-DUY-CƯỜNG


9. MƯA XUÂN
               *1
Hai tuần lễ vừa qua những trận bão tuyết từ Canada thổi qua vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, thành phố Federalway chịu  ảnh hưởng thay đổi thời tiết. Một đoạn xa lộ từ nhà  nàng lên  Seattle làm việc mà Quỳnh Như phải mất gấp đôi thời gian để lái xe trong mưa gió bão bùng. Quanh chiếc xe hơi của nàng một vùng trắng xóa  nên nàng phải lái xe rất chậm. Qua khỏi thành phố Kent, trời hơi sáng hơn một chút khi ánh mặt trời  ló ra khỏi vùng mây dày. Nàng nhớ lại khi còn ở Huế, những ngày mưa cuối năm cũng rỉ rả suốt ngày giống mưa ở đây.
Năm 1990, nàng đã qua định cư ở tiểu bang Washington theo chương trình H.O 1 của bố nàng. Bố nàng là sĩ quan trước 1975, đã đi tù trong các trại cải tạo của cộng sản Việt Nam gần cả chục năm.
Nàng bổng nhớ lại buổi chia tay với Vũ tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Vũ từ Huế vào Saigon tiễn chân nàng đi Mỹ. Vũ là người yêu của Quỳnh Như. Chàng học trên nàng bốn năm và cùng sinh hoạt trong cùng “Gia đình Phật tử” với nàng.
Vũ đã hứa với nàng sẽ gặp lại nàng. Nàng cũng nói với người yêu nàng sẽ chờ đợi Vũ khi bố của Vũ ra khỏi trại tù cải tạo và lên đường ra hải ngoại định cư.
Bốn năm sau, gia đình Vũ được đi định cư. Nhưng thay vì nguyện vọng đến Hoa Kỳ, không rõ lý do nào, khi phỏng vấn lại không được chấp thuận mà phải định cư tại Canada.
Những năm đầu Vũ phải đi học lại, tuy thế chàng vẫn hường xuyên giữ liên lạc với Quỳnh Như và cuộc tình giữa hai người vẫn như những hòn than hồng đang ủ tro nóng chờ lúc bùng cháy lớn.
Vũ cố gắng học hành để có một tương lai khá xứng đáng sau ngày gặp lại Quỳnh Như. Quỳnh Như đã tốt nghiệp, đi làm nhưng vẫn chờ ngày gặp lại Vũ.
     * 2
Quỳnh Như hôm nay thức dậy sớm hơn mọi ngày. Nàng muốn nằm thêm một thời gian nữa trên giường ngủ. Hôm nay là ngày nghỉ hàng tuần của nàng. Nhiều lúc Quỳnh Như  nghĩ đến những sự trái ngược xẩy ra trong cuộc đời. Những ngày phải đi làm, nàng ước ao có thêm chút thì giờ để ngủ nướng thêm một tí nữa, còn hôm nay thì giờ là của nàng tùy nàng sử dụng thì nàng lại không cần.
Nhìn qua cửa sổ, Quỳnh Như thấy những giọt  mưa xuân đang rơi nhè nhẹ xuống những chậu hoa mai, hoa quỳnh, hoa lan ngoài vườn. Nàng thích mua và chăm sóc cây cảnh. Mỗi tuần nàng thường tốn nhiều thì giờ đến ngắm, sờ, thưởng thức những chậu hoa đủ loại bày trong hiệu bán hoa của người Mỹ ở cuối đường nàng ở. Nhiều lúc  nàng thích thú khi nghe một khách hàng đứng nói với người bạn về những loại cây cảnh lạ. Nàng thu nhận kiến thức của người khác với sự háo hức và biết ơn.
Những cây cảnh ở ngoài vườn là những người bạn tâm tình của Quỳnh Như. Hiện nay Quỳnh Như đang sống một mình trong căn nhà bốn phòng ngủ và một vườn cây rộng hơn hai mươi ngàn squarefeet bao quanh. Đây là tài sản của bố mẹ nàng để lại cho nàng và hai em trai của nàng.
Ngày xưa trong căn nhà này rộn ràng tiếng nói, tiếng cười, tiếng nhạc, tiếng hát rất vui vẻ của mọi người trong gia đình.
Những ngày nghỉ cuối tuần, Quỳnh Như ngồi vào đàn dương cầm, Phương, em trai kế nàng kẹp đàn violon vào cổ và Văn, cậu em út sử dụng cello. Ba chị em say sưa hòa tấu những nhạc  khúc cổ điển và nhạc Việt. Chỉ để giúp vui hai khán thính giả thường  xuyên thưởng thức đó là bố mẹ nàng. Ông bà rất thích nghe nhạc và vỗ tay sau mỗi  lần nhạc khúc chấm dứt.
Những ngày vui trôi qua mau...
Bố mẹ nàng  mỗi ngày nhích tới tuổi cao hơn, cũng gần tuổi bát tuần, con cái phải đi làm hằng ngày không thể chăm sóc thường xuyên cho bố mẹ cao tuổi  nữa nên hai ông bà quyết định vào nội trú trong một an dưỡng  viện để có y tá, bác sĩ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nên giao nhà cho ba chị em quản lý. Vài năm sau, hai em trai của Quỳnh Như  ra trường rồi cưới vợ và rời nhà đến ở nơi khác thuận lợi cho công việc làm ăn.Chỉ còn mỗi một Quỳnh Như còn độc thân có nhiệm vụ giữ nhà và hàng đôi ba ngày vào dưỡng viện thăm bố mẹ.
Hôm nay mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt hơn nên Quỳnh Như không ra vườn để chăm sóc cây cảnh. Nàng vào phòng ăn, nhìn thấy những chai rượu vang bị bụi bám. Nàng lau kỹ từng chai và sắp xếp lại quày rượu. Nàng nhớ lại ngày còn bố nàng tại nhà, tuần nào bạn bè của bố cũng quay quần bên quày rượu rất vui. Qua những câu chuyện thảo luận giữa những người bạn của bố, nàng cũng biết thêm nhiều loại rượu khác nhau chứ ngày xưa nàng nghĩ rất đơn giản rượu nào cũng giống nhau.
                
               * 3
Tiếng chuông điện thoại nơi phòng khách reng từng hồi dài, Quỳnh Như  từ trong nhà bếp chạy vội ra bắt phone.
“Hello! Quỳnh Mhư? Anh đây..”
“ Ồ!Anh Vũ, em nghe đây...”
“Em khỏe không? Anh nhớ em lắm. Tuần sau, thứ bảy, ngày Valentine, anh sẽ đến thăm em. Em đón anh tại phi trường Seatac chuyến bay từ Canada tới, lúc 10:00 AM. “
“Em cũng nhớ anh và mong gặp lại anh sau thời gian dài xa cách.”
“Lần này chúng ta sẽ có nhiều thì giờ để nói với nhau những điều cần nói. Cho anh gửi lời hầu thăm bố mẹ em và các em của em. Hôn em.”
Sáng thứ bảy, Quỳnh Như dậy thật sớm, chuẩn bị đi đón người yêu.
Khi thấy Vũ xuất hiện, Quỳnh Như chạy lại và ngả vào đôi tay đang dang rộng của Vũ. Hai môi tìm nhau và hưởng nụ hôn dài tái ngộ.
Quỳnh Như chưa vội lái xe về nhà ở hướng nam thành phố Federalway. Nàng đưa Vũ lên hướng bắc trực chỉ thành phố Seattle. Khi nhìn thấy tháp Space needle từ xa xa vươn cao trên nền trời xanh giữa những cao ốc bao quanh.
 Nàng nói với Vũ:
“Seattle đó  anh.  Ngọn tháp đang đón chào anh, một người khách ngoại quốc, từ  Canada sang thăm nước Mỹ!”
Vũ vui vẻ nhìn Quỳnh Như và đáp:
“Seattle đang đón một nhân viên mới, từ ngoại quốc được nước Mỹ tuyển dụng, mới đúng; hơn nữa phải nói với Quỳnh Như, với địa danh Federalway là “ đến đây phải ở lại đây, ở cho bén rễ sanh cây mới về!”
“Quỳnh Như, lần này anh sang đây với em là chính.  Anh nhớ mãi lời chúng ta hứa ở phi trường Tân Sơn Nhất và anh rất mừng em vẫn chờ ngày vui hôm nay. Anh sẽ lưu lại đây lâu ngày, không phải một thời gian ngắn của khách du lịch mà vì anh được hãng điện tử  của ông Bill Gates nổi tiếng ở đây tuyển dụng. Đầu tháng anh sẽ nhận việc làm ở thành phố này. Em bằng lòng chưa?”
Nghe đến đây, Quỳnh Như nghĩ đến những giọt mưa xuân  như đang rơi trên người nàng. Những ngày tháng sống một mình nơi căn nhà rộng rãi của bố mẹ sẽ đổi khác. Tiếng đàn dương cầm của nàng sẽ có thính giả lắng nghe. Những chai rượu vang nơi quày rượu sẽ có người đối ẩm.
Những chậu cây cảnh ngoài vườn sẽ có người cùng nàng tưới cây chăm sóc. Hoa sẽ trổ rộ hơn. Gió sẽ bớt lạnh hơn. Tình sẽ ấm hơn.
Quỳnh Như nhớ lại câu chuyện của bố nàng kể lại khi mới dọn đến ở ngôi nhà này. Ngôi vườn xây dựng trên vùng đất mà ngày xa xưa thuộc lãnh thổ của người Da Đỏ. Thỉnh thoảng những linh hồn của tổ tiên Da Đỏ vẫn về thăm khu đất này. Họ về để mang phúc lộc cho cư dân đang trú ngụ. Mọi người sống quanh đây đều tin tưởng như thế. Cách đây chừng sáu bảy năm, một buổi sáng bố nàng bước đến quày rượu bỗng ông  nhìn thấy trên mặt mặt quày
bốn năm nút chai rượu vang còn dính rượu xông lên mùi thơm, như ai mới  vừa khui ra khỏi chai rượu. Nhìn tủ rượu ông không thấy thiếu chai nào và cũng không thấy những chai  trống không nào để bên cạnh. Mà ai đã đột nhập vào đây để làm việc lạ lùng này khi cửa ngỏ vẫn khóa chặt.
Ông bạn người Mỹ láng giềng cho biết, họ sống ở vùng này từ lâu và cũng đôi lần gặp cảnh này, có khi ban đêm còn nghe sầm xì nhiều tiếng nói của thổ dân Da Đỏ hoặc tiếng vó ngựa nữa. Mọi người chỉ nghĩ đến linh hồn người thổ dân về thăm khu đất cũ. Sau đó thì được mưa thuận, gió hòa và mùa màng thu hoạch khá hơn. Nên mọi người cư dân quanh đây rất yên tâm và tin tưởng.
Riêng Quỳnh Như, mới đầu tháng trước, nàng xuống phòng ăn trong buổi sáng sớm để dùng điểm tâm trước khi lái xe đi làm. Nàng bổng ngạc nhiên khi thấy ba mũi tên mà người thổ dân thường sử dụng đặt  ngay ngắn chính giữa bàn ăn. Ai vào đây? Mà ai lại có những mũi tên này? Nàng  không sợ vì nàng tin tưởng là nàng sắp có những sự may mắn trong tương lai gần mà linh hồn những người thổ dân da đỏ khuất mặt báo tin.
Bây giờ nàng mới biết.... phải chăng tin vui đó là Vũ yêu quý của nàng đã đến với nàng.
Vũ sẽ mang lại cho nàng những trận mưa xuân nơi  mảnh vườn đang cần những giọt nước đầu mùa tưới mát.
©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG


8. CHIỀU BÊN GIÁO ĐƯỜNG
CHIỀU BÊN GIÁO ĐƯỜNG
PHƯƠNG-DUY TDC
  * Tặng  “người  Noel 1964"
                                                                                                                                                                                              1 -
Nguyệt-Hương  đi xe đạp  ngang qua Vương-Cung Thánh-đường. Dòng xe cộ nối đuôi nhau không dứt. Saigon đang chuẩn-bị mùa Giáng-Sinh.
Trong khi các nơi khác trong nước, chiến tranh đang hồi sôi động, riêng Saigon vẫn yên bình, người người chen chúc nhau đi mua sắm rộn-rịp như họ ở trong một phần đất nào khác của Mẹ Việt-Nam.
Một giọng hát cao vút phát ra từ một tiệm nước bên kia đường, bài hát quen thuộc "Chiều bên giáo-đường" của nhạc-sĩ Lê-Trọng-Nguyễn.
"Vàng rơi bên gót chân soi mềm,
Trên lối đi về xứ hoa duyên.
Tà áo trinh nguyên tung bay, nụ cười thân ái.
Hồi chuông thiêng, sức vươn mây trời ..."
Khung cảnh và bài hát vừa nghe làm Nguyệt-Hương gợi nhớ những ngày xưa cũ, cách đây gần mười năm, khi nàng còn là một nữ-sinh đang học năm cuối bậc trung-học.
Ngày ấy...
Chiến-tranh tại miền nam Việt-Nam đang hồi sôi-động. Lệnh động-viên các thanh-niên, sinh-viên, công-chức, giáo-sư ... nhập-ngũ vào các quân-trường để  rèn luyện thành những chiến-binh  trong quân-lực Việt-Nam Cộng-Hòa chống sự xâm nhập của quân cộng-sản Bác-Việt.
Chỉ còn một tháng nữa là đến  ngày lễ Giáng-sinh năm 1963, Nguyệt-Hương  tháp-tùng với Kim-Yến lên quân-trường Thủ-Đức thăm người bạn trai  đang thụ-huấn tại đó. Kim-Yến là người yêu của sinh-viên sĩ-quan  Nguyễn Thái. Hàng tuần, Yến lên thăm Thái, nhưng ngại đi một mình, nên lúc nào cũng  rủ Hương đi theo để cho gia-đình nàng tưởng nàng đi chơi với bạn gái.
 Đến nơi, khi Yến và Thái  gặp nhau,  Hương đi quanh quanh mấy câu-lạc-bộ như Diệm-Song, Thanh-Hương để "giết thì giơ"ø trống-trải.
Có một lần, Hương đang ngồi buồn ở CLB Diệm-Song, vì chờ Yến quá lâu. Hương nôn nóng, cứ một chốc lại nhìn đồng hồ. Nhưng sao thời-gian cứ trôi qua quá  chậm.
Bỗng  đâu, một thanh-niên đi ngang qua bàn nàng  quay lại chào nàng:
" Chào Nguyệt-Hương!"
Nàng vô cùng  ngạc nhiên vì người  thanh-niên xa lạ này sao lại biết tên nàng. 
Nàng mỉm cười rồi trả lời:
"Chào Anh, sao anh lại biết tên của Hương?"
"Tôi biết tên cô, nhận diện dược cô là nhờ có xem qua tập "Lưu-bút ngày xanh" của Hoàng-Hoa."
"Thế... thì Hoàng-Hoa là... gì ...của anh?". Hương vui vẻ gợi chuyện.
"Hoàng-Hoa là cô em út của tôi. Cô ấy rất thích lối viết lưu-bút của cô. Hoàng-Hoa  đã  khoe với tôi là cô ấy có một cô bạn "viết văn hay như  văn-sĩ". Ở trường, lúc nào bài luận việt-văn cũng được giáo-sư đọc cho cả lớp nghe. Rồi Hoàng-Hoa  đưa tập lưu-bút cho tôi đọc. Nhìn tấm ảnh mầu cô dán kèm bài viết, từ đấy tôi mong có dịp làm quen với "văn-sĩ tương-lai!"
"Anh và Hoa quáù khen em, chứ em viết cũng tạm tạm thôi. Mà nãy giờ, anh chưa cho em biết "quý danh" của anh". Hương hỏi:
"Xin lỗi cô, tôi quên khuấy mất chuyện " không lịch-sự" này. Tôi tên Hoàng-Long, lên đây thăm người bạn ngày xưa cùng học đại-hoc, mới bị động-viên vào học sĩ-quan trừ-bị tại quân-trường này. Hôm nay, tôi lên thăm, thì anh ấy lại đi phép đặc-biệt rồi. Tôi  định ghé qua đây tìm món gì ăn,  trước khi về. Không ngờ lại hân-hạnh gặp "văn-sĩ trong mộng"!"
Nói xong, Long xin phép Hương kéo ghế ngồi cùng bàn để tiếp tục nói chuyện.
Hương gật đầu, vì nàng ngồi chờ Yến một mình  đã quá lâu cũng chán, mong có người nói chuyện cho quên thì giờ chờ đợi.
" Cô Hương gọi thức ăn chưa?"
"Cám ơn anh, em vừa mới gọi. Còn anh dùng món gì để em gọi thêm?"
"Cô cho tôi tô phở tái và ly cà-phê sữa."
Trong khi chờ người hầu bàn đem thức ăn ra, Long gợi chuyện với Hương:
"Thế cô Hương, hôm nay lên thăm bạn nào đây?"
"Em nể cô bạn em, mỗi cuối tuần  tháp tùng lên đây, rồi để "anh chị" ấy nói chuyện riêng với nhau. Nên em tạm làm "va-li" tại câu-lạc-bộ này."
Hương cười và trả lời.
"Hoàng-Hoa rất mến cô, mong có dịp mời cô đến nhà chúng tôi chơi. Ba mẹ tôi và cả nhà đều yêu mến Hoàng-Hoa, cô "Út", nên cái gì Hoàng-Hoa thích, chúng tôi đều  chiều theo ý của cô ấy. Không rõ Hoàng-Hoa đã mời cô chưa, nhưng hôm nay tình cờ gặp cô tại đây, tôi cũng muốn thay mặt cô em út của tôi để chuyển lời mời này."
"Vâng, Hoàng-Hoa đã nói với em. Nhưng em hẹn khi nào có dịp sẽ thực-hiện lời hứa này."
" Hôm nay, nếu cô muốn về  Saigon sớm, tôi có thể mời cô cùng đi với tôi."
Hương suy-nghĩ rồi nói sẽ hỏi ý-kiến của Yến trước khi quyết-định.
Hai người rời câu-lac-bộ tiến ra khu "tiếp-tân".
Khu tiếp tân của quân-trường Thủ-Đức  nằm trên một khu đất khá rộng.  Đang có rất  nhiều  người đi lại  tấp nập trông thật là vui.
Chỗ này, một nhóm người trong gia-đình đang bao quanh trò chuyện với một sinh-viên sĩ-quan. Đàng kia, từng cặp nam nữ đang ngồi trên "poncho" trải trên thảm cỏ xanh, rù-rì tâm-sự.
Các em nhỏ chạy chơi từ chỗ này sang chỗ khác.
Lâu lâu, có mấy sinh-viên mang "alpha" đi ngang qua, các sinh-viên khóa đàn em lại phải bỏ dở câu chuyện với gia-đình hoặc với người yêu, để đứng ngay dậy, nghiêm chỉnh "chào kính".
Nhiều sinh-viên "khóa đàn anh" còn làm "le" bắt sinh-viên đàn em đứng "nghiêm" để nghe "đàn anh sửa sai".
Có nhiều khi bắt đàn em "hít đất" vài chục cái, làm cho cô bạn "người yêu" muốn  chảy nước mắt khi trông thấy cảnh "huấn nhục" đó..
Khi Nguyệt-Hương cùng Long đến gặp Yến. Nàng tin cho Yến biết, hôm nay nàng muốn về lại Saigon sớm với Long. Yến đã biết Long là anh của Hoàng-Hoa. Nên  vui-vẻ gật đầu và nhìn  Long, Hương với một nụ cười cùng cái nheo mắt hóm-hỉnh và " bí-hiểm"kèm theo!
   


2 -
Long là một kỹ-sư công-chánh tốt-nghiệp trước đây vài năm. Sau đo,ù chàng đổi ra nhiệm sở đầu tiên tại một tỉnh ngoài vùng I  chiến-thuật và chàng mới được về làm việc ở Saigon trong vài tháng gần đây.
Sau lần  gặp-gỡ tại Thủ-Đứcù, Long biết Hương thường hay tháp-tùng với Yến đi thăm bạn trai ở quân-trường này. Nên tuy không hẹn, mà cuối tuần nào Long cũng lên Thủ-Đức, để buổi chiều Long lại tìm dịp chở Hương về Saigon. Yến cũng mong thế, vì như vậy cuối tuần nào, Hương cũng qua nhà Yến sớm để "tự-nguyện" ngồi sau xe Honda cho Yến chở lên quân-trường Thủ-Đức để Yến có thể che mắt gia-đình nàng. Trước đây, mười ba cây-số là khoảng đường mà Nguyệt-Hương thấy xa vời vợi, thì nay thấy sao mà ngắn qua,ù khi trở về lại Saigon sau xe Vespa của Long.
Thế rồi từ ngày ấy, mỗi chiều tan sở, Long lại có dịp ghé qua  trường của Hương gần nơi chàng làm việc,  để đón nàng đi học về.
Ngồi sau xe vespa của Long, Hương ngắm nhìn phố phường rộn-rịp. Người người đi lại, mua sắm để chuẩn-bị đón ngày lễ Giáng-sinh sắp đến. Long quay đầu lại hỏi Hương:
"Sao, hôm nay, em học như thế nào?"
"Cũng như mọi ngày thôi. Không có gì lạ. Em cũng mong cho mau hết giờ để ra gặp anh."
"Ngày hai mươi bốn này, em có rảnh không ? Anh định ..."
" Chiều hai mươi bốn em đi nhà thờ Đức Bà với Yến dự thánh lễ. Sau đó, thì có thể đi chơi với anh, nếu anh muốn."
Long thở phào, mừng rỡ.
"Thế thì tốt! Anh định mời em đi một vòng Saigon, Chợ-lớn xem các nhà thờ và phố xá trang hoàng đón Noel, rồi sau đó đi ăn réveillon với Hoàng-Hoa và anh."
"Anh Long, em lở hứa với Yến đi lễ nhà thờ. Vậy anh đến đón em một hai giờ trước khi em đi với Yến. Đúng sáu giờ chiều, anh chở em đến nhà thờ. Rồi sau khi Yến rời nhà thờ, anh với em lại tiếp tục đi chơi với Hoàng-Hoa cho đến nửa đêm, anh chịu không?"
3 -
Chiều hai mươi bốn theo hẹn, Long đến  đón Hương rất sớm.
Hai người ghé qua tiệm kem "Pôle Nord" nằm ở góc Lê-Lợi, Nguyễn-Huệ. Nhìn qua bên kia đường Lê-Lợi là rạp chiếu bóng Rex, nổi tiếng của thủ-đô Saigon.
Giờ này, tiệm rất đông khách. Hai người tìm một bàn gần cửa kính để có thể ngồi ngắm người đi mua sắm qua lại trên đại-lộ Lê-Lợi và Nguyễn-Huệ.
Bỗng  một giọng  hát vang lên trong gian phòng ấm cúng này.
"Nguyện-cầu, gục đầu bên  nhau, mắt ráo sầu,
Xa dần đen tối, tìm mùa xuân mới trên làn môi..."
Hương lắng nghe vì đây là một trong những bài hát nàng thích nhất.
Long hỏi Hương:
" Em dùng gì?"
" Cho em ly kem ba vị."
Long gọi một ly kem cho Hương và một cà-phê nóng cho chàng.
"Pôle Nord" nổi tiếng về kem thơm ngon và cà-phê rất đúng "gout" tây. Nên mỗi khi qua quán này, lần nào chàng cũng gọi cà-phê.
Cà-phê ở đây pha rất đặc và rất nóng, đựng trong một cái cốc  lớn bằng sứ hình tròn . Cà-phê Martin , nước mầu nâu  ( không phải mầu đen  như các chỗ khác),ù cho thêm chút beurre Bretel, bốc khói thơm lừng!.
Rời hàng kem, Long chở Hương đi dọc theo đường Lê-Lợi, rẻ  qua đường Nguyễn-Huệ để ra bờ sông Saigon. trước khi đi đến những nơi khác. Ngồi sau xe vespa của Long, Nguyệt-Hương ngắm nhìn  phố phường tấp nập đón Giáng-sinh.
Mặc  dầu nhiều năm qua, Hương đã quá quen thuộc với cảnh này, nhưng chiều nay trong lòng Hương hình như đổi khác, nên trông thấy cái gì cũng lạ, cũng vui mắt. Hương cứ muốn Long chở đi mãi, xem mãi không biết chán.
 Những năm trước đây, ngoài quãng trường quanh khu Vương-Cung Thánh-Đường, và chung quanh khuông viên nhà thờ Tân-Định là những nơi trang hoàng đẹp, xứng đáng với "Hòn ngọc Viễn-đông". Nhưng hôm  nay, Hương thấy các nhà thờ trên Chợ-lớn cũng giăng đèn kết hoa không kém gì Saigon. Long cũng đã từng nhiều lần đi dạo phố phường trong thời gian lễ giáng-sinh, nhưng năm này, Long cảm thấy khác như người mới đến Saigon  lần đầu.
Liếc nhìn đồng-hồ gần sáu giờ, Long chở Hương đến nhà thờ Đức Bà.
Từ đàng xa, hai người đã thấy Yến đang đứng chờ nơi cửa chính. Hôm nay, Yến mặc một chiếc áo dài  nhung màu bordeaux  trông rất bắt mắt.
Trời về chiều đã bắt đầu lành  lạnh làm Hương rùng mình.
"Chào Yến!  Chúc Giáng-sinh vui-vẻ".
Long nói, trước khi lái xe dổ gần chỗ Yến  đứng.
" Em cũng chúc anh như vậy. Đặc-biệt  Noel này, em  chúc anh  rất vui bên Nguyệt-Hương nhé!"
 Nói xong, Yến nhìn Hương và Long với một nụ cười "bí-hiểm" giống như  nụ cười của "nàng  thiếu-nữ " trong bức tranh  của nhà danh-họa người Ý Leonardo da Vinci.
Trước khi đi với Yến, Hương đã quay lại âu-yếm nhìn Long và nói:
"Anh Long, em sẽ chờ anh tại chỗ này, sau khi lễ ở nhà thờ hoàn tất."



4 -
Thánh  lễ chiều nay rất vui nhờ những bài ca mừng Giáng-sinh quen thuộc được ca-đoàn hợp-xướng trình-bầy rất hay.
Hương không phải là tín-đồ công-giáo,  nhưng nàng cũng thấy lòng mình phấn khởi khi đón Giáng-sinh tại giáo-đường bên Yến là con chiên ngoan đạo. Nàng lẩm-nhẩm cầu nguyện ơn trên cho nàng và Long sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh-phúc.
Khi Hương vừa bước ra khỏi nhà thờ, nàng định đi đến chỗ hẹn để gặp  Long thì nghe tiếng Long gọi:
" Hương ơi! Anh đang chờ ở đây."
Nghe tiếng gọi, Hương đưa mắt nhìn nhưng nàng không thấy chiếc vespa thường ngày của Long. Nàng đang ngơ-ngác thì nghe tiếng Hoàng-Hoa gọi lớn:
"Hương ơi!. Mau đến chỗ xe Jeep này..."
Vừa lúc, Long mở cửa xe Jeep bước xuống. Long đi đến đón Hương và nói:
" Xin lỗi Hương. Để em chờ đợi và mất thêm chút thì giờ "tìm vespa". Có Hoàng-Hoa cùng đi chơi, nên anh phải dùng xe Jeep đi đón em, mới đủ chỗ ngồi cho ba người.Anh phải qua Ty công-chánh để lấy " công-xa" đi chơi tối nay, vì thế anh không đến đây sớm hơn."
Hương nói với Long:
"Anh đón em đúng giờ lắm! Em vừa mới bước ra khỏi  nhà thờ , vì lễ hôm nay đông người lên lãnh "mình thánh Chúa" và ban hợp-xướng trình-bầy  nhiều bài thánh-ca Giáng-sinh  nên lễ kéo dài hơn nọi lần  lễ khác!".
Hương lên ngồi phía sau xe Jeep,  cạnh Hoàng-Hoa.  Long trực chỉ hướng đại-lộ Trần-Hưng-Đạo để đi về phía Chợ-Lớn.
Trong lúc Long chăm chú lái xe, vì đường phố rất đông xe cộ đi lại. Hương nói chuyện với Hoàng-Hoa tíu-tít và thân mật.
Đến nhà hàng "Arc-en-Ciel", Long tìm  chỗ đậu xe, rồi  đưa Hương và Hoa lên  phòng ăn trên lầu.
Nhà hàng" Arc-en-Ciel" trang hoàng đón Noel rất đẹp bằng những dãy  lồng đèn kiểu Trung-Hoa và đèn huỳnh-quang đủ mầu.
Sau khi lấy thực-đơn, nhà hàng đã mang thức ăn bày đầy bàn. Long quay sang hỏi Hương và Hoa:
"Các cô muốn uống gì nào?"
"Em uống " Cúc phá xà", Hoàng-Hoa trả-lời.
"Cho em ly"seven  up".
Long gọi người hầu bàn và dặn  thêm cho chàng  môt  ly rượu vang.ï
Sau khi dùng "réveillon". Các thực khách lần lượt qua phòng khiêu-vũ.
Hoàng-Hoa ngồi nhìn Long và Nguyệt-Hương tay trong tay dìu nhau theo các vũ-điệu Valse, Tango rất ăn  ý và mùi-mẫn
Về khuya, khi các khách  nhảy lần lượt ra về. Long cuối xuống gần mặt Nguyệt-Hương và đề nghị:
"Anh muốn em cho phép anh tặng em một nụ hôn để làm kỷ-niệm, có được không?"
Nguyệt-Hương không trả lời, nàng vít ngay đầu Long xuống để ban cho Long " nụ hôn đầu đời",  mà nàng muốn chính nàng là người chủ-động để tặng Long.
Hoàng-Long và Nguyệt-Hương sung sướng thụ-hưởng một đêm Giáng-sinh uyệt-trần và nhớ mãi! Lời cầu-nguyện của Nguyệt-Hương đã hiện-thực!.
Một giọng ca cao vút văng vẳng từ xa đưa lại như xoáy mạnh vào quả tim hai người đang dìu nhau vào tình yêu đầu đời!
"Rồi đây, mây xám bay qua rồi,
Trong gió reo hẹn ước không thôi,
Là lúc tin yêu lên ngôi,
Ta hát khúc chung đôi!"
©PHƯƠNG-DUY TDC


  7. LÊ VĂN KHOA:  NGƯỜI ANH QUÝ MẾN
 
PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG
  Những bài báo và nhiều bài viết đã xuất hiện trên net, trên đài phát thanh, truyền hình từ trước 1975 bên Việt-Nam và sau này ở hải ngoại hoặc những bài nói trước thính giả của nhiều diễn giả trước đây và hiện nay về tài năng của một nhân vật mang tên Lê Văn Khoa rất nhiều và đa dạng. Vì Lê Văn Khoa hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà ở lĩnh vực nào Lê Văn Khoa cũng được đánh giá “xuất sắc”. Vì thế, khi tôi gọi Lê Văn Khoa trống trơn, có vẻ rất bất lịch sự đối với một nhân vật nổi tiếng của cộng đồng Việt-Nam
Thật ra tôi gọi “Lê Văn Khoa” với niềm tự hào và kính trọng như khi gọi  “Strauss”, “Beethoven”, “Mozart”, “Chopin”, “Schubert”, “Paganini”, “Picasso”, “Van Gogh”, “Victor Hugo”, “Jean-Paul Sartre”, Francoise Sagan”, Khái Hưng”, Nhất Linh” vậy.
Lần đầu tiên khi tôi liên lạc với ông, tôi gọi ông là “Giáo Sư”, là “Thầy” thì được “Thầy” bảo: “Đừng gọi thế mà chỉ gọi là ‘Anh’ thôi cho thân mật!”
Tôi biết ông Anh Lê Văn Khoa của tôi tuổi Quý Dậu (Con gà Trống) và tôi tuổi  Bính Tý (con chuột nhắt) cách nhau ba tuổi, như vậy anh là “con gà trống” cất tiếng gáy chào  mặt trời trước tôi hơn một ngàn ngày, nên từ đó anh là “Người Anh Quý Mến Của Tôi”.
 Qua những lần gặp mặt, điện đàm, liên lạc bằng thư từ, email… với anh, tôi thu nhận thêm những kiến thức uyên bác quý giá rất có ích cho sự ham hiểu biết về âm nhạc, nhiếp ảnh, văn chương, hội họa, nghệ thuật của tôi. Tôi tự nhủ: VĂN KHOA trở thành LES (số nhiều trong tiếng Pháp) “BÁCH KHOA  TOÀN THƯ để tôi tham khảo, học hỏi mỗi khi cần. Và hôm nay trong một cuốn sách mà nhiều người ghi lại một vài “kỷ niệm” về hoặc với anh, tôi cũng viết một bài góp phần với mọi người.
Tôi biết anh Lê Văn Khoa có vài lần đến thăm thành phố mà tôi chào đời nên nhắc lại vài sinh hoạt âm nhạc, nghệ thuật mấy chục năm trước trong thành phố này.
Tôi sinh ra ở một thành phố nhỏ trên dãi đất chữ S của nước Việt Nam mà địa danh là một tên gọi theo tiếng ngoại quốc thật là kỳ lạ.
Người Pháp (thực dân) chỉ chọn đặt tên riêng cho hai thành phố của Việt Nam  là “Ville de Tourane” và “Ville de Faifo” để gọi nơi tôi sinh ra.  Cho đến gần cuối năm 1945, hai thành phố này mới được mang tên Việt: Tourane trở thành Thái Phiên, sau đổi thành Ðà Nẵng. Ville de Faifo đổi thành Hội An, rồi thị xã Hội An, xã Hội An và nay mang tên thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam .
Thập niên 1940’s, thành phố mang tên Tây Faifo được một nhạc sĩ người Việt gốc Hoa là La Hối (tên thật La Doãn Chánh) sinh năm 1920  thành lập hội Hiếu Nhạc Hội An đầu tiên (Société Philharmonique de Faifo), mà ông là Sáng Lập Viên kiêm  Hội Trưởng.
 Hội viên là các nhạc sĩ trẻ tại địa phương như Lê Trọng (tức Lê Trọng Nguyễn sau này) tác giả Nắng Chiều, Chiều Bên Giáo Đường, Sao Đêm, Cát Biển, Bến Giang Đầu . . , Dương Minh Ninh với nhạc phẩm Đường Chiều, Gấm Vàng . . . do nhà xuất bản Tinh Hoa xuất bản thập niên 50's, Lan Ðài với nhiều nhạc phẩm như Chiều Thương Nhớ… ,nhiều tập nhạc và sách dạy cách đàn guitare, đàn Hạ Uy Di, đàn Ukulele, sách dạy Sáng tác ca khúc,  Hồ Vân Thiết, Huỳnh Phụng, Dương Minh Hòa, Trương Ðình Quang. . . còn nhiều vị nữa mà tôi không nhớ tên, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm, đã in ấn và phổ biến rộng rãi trong thập niên 50's-70's tại Việt Nam.
Hàng tuần, các nhạc sĩ trong hội tổ chức những buổi hòa nhạc miễn phí để giúp vui bà con trong thành phố rất bé nhỏ này. Ban nhạc chỉ gồm có một piano, một accordéon,  hai violons, một saxophone, một clarinet, vài guitares, banjo, banjo alto, mandoline, contre-basse và dàn trống….” toàn cây nhà lá vườn” (một nhạc sĩ sử dụng 2 hay 3 nhạc cụ thay đổi để đỡ nhàm chán thính giả). Tôi chỉ là một trong những thính giả đó. May lắm, có khi được cho ngồi ghế bên cạnh nhạc sĩ đàn piano để giúp ông chuyển trang nhạc vì tôi vỏ vẻ đọc được notes nhạc.
Nhạc khúc trình tấu mở đầu luôn luôn là nhạc phẩm LE PRINTEMPS ET LA JEUNESSE của nhạc trưởng LA HOY (xem như nhạc hiệu của ban nhạc)  
Vì trong ban nhạc các nhạc công đang được nhạc sĩ LA HỐI hướng dẫn sáng tác ca khúc cũng chưa có tác phẩm nên ban nhạc hòa tấu những nhạc phẩm tây phương thịnh hành thời đó như Beau Danube Bleu, One Day When We Were Young, Princesse Zardas, Serenata, Ave Maria, Serenade de Schubert, Come Back to Sorriento, Flots du Danube, Tango Chinois, cùng một số  nhạc Trung Hoa, Nhật bản thịnh hành… vân vân.
           Tôi bắt đầu học nhạc lý cao hơn qua các sách nhạc nhập cảng từ Pháp mà thân phụ tôi là chủ nhân nhà sách Phi Anh từ 1950 tại Hội An. Tthường xuyên nghe những dĩa nhạc classique, symphonies của Beethoven, Mozart, Haydn, Schubert, Mendelssohn, Tchaikovsky, Brahms, Rachmaninoff…, tham khảo sách dạy nhạc lý bằng tiếng Pháp ở các thư viện.
 Năm 1952 tôi ghi danh học hàm thụ âm nhạc, hòa âm và sáng tác ca khúc ở lớp dạy âm nhạc  Universelle (Paris, France), sau đó tôi bắt đầu viết một vài ca khúc ngắn như Mùa Hoa Phượng Vỹ (1956), Men Nhạc Chiều (1956), Ép Hoa Giữ Làm Tin (1956), Sài-Giang Dạ Khúc (1956), Đêm Trăng Trên Sông Sài (1956), Lưu Luyến (1957), Vũ Khúc Ngày Xanh (1957), Niềm Tin Bất Diệt (1957: được giải thưởng khuyến khích âm nhạc 1958), Thanh Niên Cộng Hòa Việt Nam Hành Khúc (1958: được giải thưởng khuyến khích âm nhạc 1959), Hè Đồng Quê (1958), Người Mẹ Học Đường (1959), Tình Tháng Năm (1959), Cành Hoa Sim (1959), Mừng Ngày Tươi Sáng (1959), Em Vẫn Đợi Ngày Về Của Anh (1962) sáng tác trước khi tôi lên đường nhập ngũ động viên Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị tại Liên trường Võ Khoa Thủ-Đức (1963), đã được các ban nhạc Vô Tuyến Việt Nam như Hoa Đăng,Võ Đức Thu, Vũ văn Tuynh …ở Saigon, ban nhạc đài phát thanh Quân Đội, ban nhạc đài phát thanh Huế nhiều lần trình bày.
Tôi cũng viết vài nhạc khúc ngắn không lời…nhưng tự cảm thấy vẫn chưa tới đâu nên ngưng sáng tác.
       

   Thời còn trẻ tôi rất thích đi nghe hòa tấu nhạc ở Saigon và Huế trong thập niên 50's - 60's.  Đa số những bản nhạc từ Tây phương như nhạc của gia đình Stauss, nhạc của Chopin, Schubert, Schuman. Mãi đến thập niên sau 1950’s mới nghe nhiều ca khúc gọi là Tân Nhạc Việt Nam (sau 1954 khi nhiều nhạc sĩ, ca sĩ từ ngoài Bắc di cư vào Nam).
Ðầu thập niên 1950’s đọc báo chí từ Hồng Kông gửi sang, tôi rất vui khi biết tin bản nhạc “Le Printemps Et La Jeunesse” của nhạc sĩ La Hoy được thính giả Hồng Kông yêu cầu nhiều nhất và số dĩa nhựa bán ra cho thính giả các nước Á Châu có Hoa Kiều trú ngụ tăng lên rất cao. Khi sáng tác, tác giả đặt tên nhạc khúc bằng tiếng Pháp mà lời ca được thi sĩ Diệp Truyền Hoa viết bằng tiếng Hoa, tên là Thanh Niên Dữ Xuân Thiên (về sau ông này làm giáo sư Hoa ngữ tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn). Nhờ nhạc có nét Tây Phương và lời bằng tiếng Trung Hoa, nên người Trung Hoa hiểu và thích.
     Năm 1946, đoàn ca vũ nhạc kịch Anh Vũ từ thủ đô Hà Nội đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, Nam Việt Nam. Sau khi trình diễn tại Huế, đoàn trực chỉ Hội An. Mặc dù lúc đó Hội An đang bị mưa to gió lớn ngập lụt dâng cao quốc lộ số 1 từ Đà Nẵng vào Hội An.
       Đoàn Anh Vũ được sự giúp đỡ tận tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và một số thanh niên tại Hội An nên đoàn văn nghệ vẫn đến được Hội An để trình diễn vở kịch Tục Lụy của nhà văn Khái Hưng do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết nhạc.
      Ông Võ Đức Diên là trưởng đoàn và trong đoàn có thi sĩ Thế Lữ (và vợ là Song Kim, một nữ kịch sĩ có tài), nhạc sĩ Văn Chung, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và một số ca kịch sĩ nữa tháp tùng.
Khi đến thành phố Hội An, các nhạc sĩ đồng hành với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát muốn liên lạc với nhạc sĩ La Hối. Đến nơi mới biết La Hối không còn nữa. Gia đình cố nhạc sĩ La Hối cho biết: “Ngày 1 tháng Tư, năm 1945, La Hối và 9 đồng chí bị Nhật bắt giam vài tháng trước đó, đã đem ra xử chém tại núi Phước Tường, gần phi trường Đà Nẵng và chôn chung một hố”.  
             La Hối (1920-1945) khi bị xử tử mới có hai mươi lăm tuổi. Ông đang yêu đời, yêu nước, và đang sáng tác một số tình ca và nhạc khúc hùng mạnh chống phát xít Nhật.
           Thi sĩ Thế Lữ xin phép gia đình họ La để đặt lời ca cho nhạc phẩm Le Printemps et la Jeunesse, thành lời ca tiếng Việt “Xuân và Tuổi Trẻ”
          Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, nhạc sĩ Văn Chung soạn vũ điệu, Thế Lữ đạo diễn.
           Thế là nhạc khúc Xuân Và Tuổi Trẻ của cố nhạc sĩ La Hối được cất cao giọng hát bằng tiếng Việt lần đầu tiên tại nhà hát Phan Hương trên đường Minh Hương, thị xã Hội An. Về sau chính trên khu đất này, một hý viện hiện đại 1200 chỗ ngồi do thân phụ tôi dựng lên để thay thế nhà hát cũ, đó là hý viện Phi Anh, khi tên đường đổi thành Phan Châu Trinh.
Nhờ có lời ca bằng tiếng Việt, nhạc khúc Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối được cộng đồng người Việt ưa thích nên đem phổ biến rộng rãi từ ngày ấy và chúng ta hát hiện nay mỗi khi xuân về cùng với Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Ðến cuối thập niên 1950’s nhạc phẩm Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn lại được nhiều người Hoa và người Nhật thích nên họ tự động đặt lời ca bằng tiếng Hoa cho ca sĩ Kỷ Lộ Hà hát, tiếng Nhật cho ca sĩ Midori Satsuki hát.
Khi đến trình diễn tại Saigon và Đà Nẵng một vị đại diện ban tổ chức mới gặp đươc tác giả Nắng Chiều bèn xin phép được phổ biến các lời ca này.
Thời gian này, tôi dạy học cùng trường trung học Nguyễn Duy Hiệu tại Quảng Nam với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn nên có dịp hỏi nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn về thù lao tác quyền. Anh Lê Trọng Nguyễn cười: “Chẳng có xu teng nào nhưng ‘moa’ vui vì họ phổ biến và thích nhạc của ‘moa’, như vậy là quý rồi!”
Tôi hỏi tiếp một câu nữa: “Anh Nguyễn có đọc và hiểu lời ca họ viết bằng Hoa Văn và Nhật Bổn Ngữ không?”
Anh Lê Trọng Nguyễn cười và nói: “Có ai thông dịch ra tiếng Việt đâu mà ‘moa’ hiểu. ‘Moa’ chỉ cần thính giả người biết tiếng Hoa, tiếng Nhật nghe, còn Nắng Chiều tiếng Việt hay Evening Sunshine thì đã có người hát và hiểu rồi!”
Được vui khi biết ca khúc Việt Nam mà được phổ biến ở ngoại quốc. Nhưng ca khúc bị hạn chế bởi lời ca. Nếu thính giả ngoại quốc không hiểu lời ca thì nhạc khúc cũng chẳng ai biết nếu không có giai điệu thật quyến rũ.
         Nhờ học hỏi thêm về lịch sử âm nhạc thế giới, tôi được biết diễn tiến thành hình của các dàn nhạc giao hưởng trên thế giới.
Nhà soạn nhạc MOZART là một trong số ít thiên tài thần đồng âm nhạc trên thế giới: :mới 5 tuổi ông đã viết nhạc và diễn tấu những nhạc khúc thuộc loại cao cấp của ông. Suốt cuộc đời ông đã viết 18 “masses”, 21 “concertos, 41 “symphonies”. Ngoài ra ông cũng viết 12 “operas” mà 2 trong số tác phẩm này được nhiều người biết là ”The Marriage of Figaro’ Và ‘ The Magic Flute’.
         Thời Mozart, “Classical Orchestra” (giữa thế kỷ 18- đầu thế kỷ 19, (chính xác hơn từ 1750-1830) chỉ có vài loại đàn dây (Strings), hai Oboes và hai  Horns. Sau đó được thêm vài loại nhạc cụ như flutes, clarinets, bassoons, trumpets và kettledrums (Tympani).
         Đến thời kỳ “Romantic Orchestra” (1830-1910) dàn nhạc hòa tấu lớn dần, thêm nhiều nhạc cụ mới, nhạc sĩ trình tấu tăng nhiều thêm và để phù hơp với “ban nhạc giao hưởng” (đại hòa tấu) với các nhạc cụ thuộc loại Srings ( dàn Dây), Woodwind ( dàn Gỗ), Brass  (dàn Đồng) và Percussion (bộ Gõ).
Tiếp theo là thời kỳ “Modern Symphony Orchestra” hình thành sau Thế giới Đại chiến lần thứ I.
Dàn nhạc đại hòa tấu ngày nay phải có tối thiểu từ 90 nhạc công trở lên với nhiều nhạc cụ cồng kềnh, to lớn bên cạnh có thêm một dàn Chorus (hợp xướng) cũng rất nhiều người nên phải có sân khấu trình diễn to rộng thích hợp.
Nhạc trưởng Thomas Beecham (1879-1961) đã đưa một nhận xét There are two golden rules  for an orchestra: start together and finish together”.
Vì thế phải cần có conductor (nhạc trưởng) xuất sắc để chỉ huy điều khiển khi hòa tấu với những nhạc cụ hiện đại rất đa dạng và phát ra những âm thanh chính xác và tuyệt vời.
        Tôi ước mong có nhạc sĩ Việt Nam viết các Symphonies, Concertos, Suite des valses, Sonates…. chẳng hạn để các dàn nhạc lớn hòa tấu, trình diễn cho nhạc giới hoàn vũ thưởng thức vì tôi hiểu “Orchestral music is one of the glories of the world” như lời của Georg Solti (1912-1997) đã viết.
Cho mãi đến 1991 khi sang định cư tại Hoa Kỳ, tôi rất vui khi biết nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã từ lâu đi theo con đường mà tôi hằng mơ ước và bước đầu ông đã có “tiếng vang” trong nhạc giới Hoa Kỳ và thế giới.
Viết nhạc, dù loại ca khúc phổ thông hay nhạc giao hưởng hòa tấu… mà chỉ trên “giấy nhạc” để xem thì cũng “như không”. Phải soạn hòa âm, phối khí và có dàn nhạc trình tấu thì mới gọi là “sinh ra đời một nhạc phẩm”, nếu không được như thế, chỉ là “hoài thai một nhạc khúc” thôi.
Anh Lê Văn Khoa của tôi “cả gan cùng mình” mới thực hiện được ước muốn từ lâu của “hai anh em”.
Năm 2005 khi dĩa nhạc Symphony Việt Nam 1975 do Kyiv Symphony Orchestra & Chorus do Nữ Nhạc Trưởng Alla Kulbaba điều khiển, được phát hành khắp nơi, tôi là một trong những người yêu nhạc Việt được chung vui.
       Qua dĩa nhạc SYMPHONY VIETNAM 1975 này, tôi được nghe bản nhạc cổ của Việt Nam “liu, tồn, liu, sán, u…” mà thân phụ tôi đã hát để ru tôi ngủ lúc tôi còn bé. Thân phụ tôi sử dụng đàn nguyệt rất nhuần nhuyễn mỗi khi các bạn bè của ông đem nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn gáo, đàn nhị…đến nhà tôi hòa tấu cổ nhạc Việt Nam để giải trí.
Bình Bán Vắn được diễn tả hào hứng trong phần mở dầu (Introduction) và xem như “nhản hiệu trình tòa” bảo đảm một trăm phần trăm “nhạc phẩm chính gốc Việt Nam” cho toàn thế giới âm nhạc.
Ước mơ của Lê Văn Khoa muốn đưa cổ nhạc Việt Nam vào dòng nhạc bác học và hiện đại thế giới đã thành hình với Phương Oanh độc tấu đàn Thập Lục cũng gọi là Đàn Tranh, Kim Đồng độc tấu đàn Ðộc Huyền còn gọi là Đàn Bầu.
Các nhạc sĩ trình tấu này cũng là con cưng quý giá của Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại vì họ là tinh hoa, sử dụng nhạc cụ dân tộc Việt Nam tuyệt vời.
Những nhạc khúc Bình Bán Vắn, Hát Hội Trăng Rằm, Ru Con (Lý Bốn Mùa, Lý Giao Duyên) rồi kết thúc bằng Ca Ngợi Tự Do do ban hợp xướng Ukraine, đã dưa Symphony Việt Nam 1975 vào chỗ đứng tốt trong âm nhạc hoàn vũ.
Tuy chưa phải là một trong những dàn nhạc đại hòa tấu lớn nhất của thế giới hiện nay, nhưng cũng là một trong những dàn nhạc đại hòa tấu tầm cỡ quốc tế xuất sắc đã từng nhiều lần đi trình diễn nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều lần được chào đón tại Hoa-Kỳ và đã từng trình diễn ở Carnegie Hall (New York).
         Ngoài nhạc symphony nói trên, nhạc sĩ Lê Văn Khoa còn hội nhập với dòng nhạc giao hưởng Tây Phương hiện đại của thế giới qua các tác phẩm sáng giá như: Joy, Dream, Remembrance, Dream Of My Homeland, Serenade, Lullaby, Memory…
Nghe Joy của anh, tôi tưởng như nghe dòng nhạc thành Vienna của gia đình Strauss ngày nào.
Nghe Memory (sáng tác của Lê Văn Khoa và Ngọc Hà) qua giọng ca Soprano của  Ngọc Hà diễn tả rất hay, rất tình cảm như khi tôi thưởng thức  ca khúc Solvieg’s Song, một nhạc khúc tình cảm buồn của Grieg do dàn nhạc Vienna Symphony Orchestra diễn tấu vậy.
Rồi những tác phẩm viết riêng cho Piano của Lê Văn Khoa do Lydmila Chychuk độc tấu như: The Dragonfly, Evening Breeze, Music In The Air, In The Pond, Cut The Tree To Build A Boat, Elegiac, A Night In VietNam, đã đưa tôi về với điệu dân ca biến cải của cổ nhạc Việt qua nhạc cụ Tây phương.
Còn nữa, cầm thủ Irina Starodub đàn piano với dàn nhạc trong nhạc phẩm Evening,
Romance for Piano and Orchestra, nhiều nhạc phẩm độc tấu Violon, Cello với dàn nhạc, nhiều ca khúc với phần đệm của dàn nhạc giao hưởng và Ngọc Hà hát Lullaby (Ngủ Đi Em) với Kyiv Symphony và Chorus).
Nghe Song Of The Black Horse do hai nhạc sĩ song tấu dương cầm rất giống tiếng ngựa phi đường xa rộn ràng như ngày xưa tôi xem phim “cao bồi” phi ngựa đuổi theo “mọi da đỏ” vậy.
The Rice Drum do nhạc sĩ người Ukraina độc tấu bằng đàn Bandura, một nhạc cụ của dân tộc Ukraina mà nghe rất Việt Nam.
Gần đây nhất, năm 2012 Lê Văn Khoa đã hoàn tất rất tuyệt vời một “việc làm để đời” khi anh soạn hòa âm, phối khí bản “Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa” cho dàn nhạc đặc biệt của phủ Tổng Thống Ukraina “The Ukranian Presidential Orchestra” do nhạc trưởng Serhiy Zilitarev chỉ huy hòa tấu.
 Anh đã đích thân đến tận nước Ukraina bên Đông Âu để thực hiện việc khó khăn này. Ðây là việc mà không phải công dân nào, nhạc sĩ Việt Nam nào cũng có thể cống hiến cho Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hòa được.
Anh Lê Văn Khoa ngày nay tuy tuổi đã khá cao nhưng tôi vẫn nhìn anh với nhân dáng một “Sói Con”, năng nổ trong Đoàn Hướng Ðạo Việt Nam mà cách đây mấy mươi năm tôi đã sinh hoạt, ở đầu thập niên 1940’s, với tinh thần “Sắp Sẵn” và lời hứa “mỗi ngày làm ít nhất một việc thiện”. Lê Văn Khoa vẫn giữ được Lời Tuyên Hứa đó.
Ngoài ra, anh cũng là người rất “khiêm cung” đối với bạn bè đúng như những nguyên tắc cơ bản trong một bài giảng của một vị giáo sư tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đã dạy tôi trong môn học Tương Quan Nhân Sự ngày tôi còn trẻ.
Khi tôi đang ngồi gõ những dòng chữ này vào máy vi tính, dòng tư tưởng của tôi bỗng vọt ra khỏi đề tài tôi đã chọn. “Nó” muốn bắt tôi đi “lạc đề”.
Tôi nghĩ đến những giáo sư người Việt tài năng trước đây từng giảng dạy về các ngành chuyên khoa cho học sinh, sinh viên các trường trung học, đại học trong nước trước biến cố 1975, nay vì hoàn cảnh chính trị, “chính thể tại Việt Nam đổi khác” họ phải sống lưu vong tại hải ngoại. Đó là sự mất mát, thiệt thòi cá nhân nhưng cũng được bù lại nhiều thuận lợi hơn khi tại ngoại quốc có nhiều trường đại học danh tiếng hoặc các trung tâm nghiên cứu giúp họ thuận tiện khi muốn tiếp tục học hỏi, nghiên cứu lên trình độ cao.  Họ đôi lúc lấy làm tiếc là kiến thức của họ bây giờ không giúp gì thêm cho sinh viên tại quê nhà như họ mong muốn.
Những tiến sĩ, giáo sư, bác học, khoa học gia, nhân tài về nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, điện ảnh đang sinh hoạt, giảng dạy tại hải ngoại dù muốn đem kiến thức của mình truyền đạt cho thế hệ đàn em tại quê nhà đang cần học hỏi, thu nhận kiến thức thì “không được phép” của chính quyền độc tài trong nước tiếp nhận.
Một đôi lần tôi có dịp hầu chuyện với những vị thầy cũ của tôi thì được các thầy cho biết: "Dù đang là giáo sư tại đại học danh tiếng tại hải ngoại, hàng ngày đang giảng dạy cho sinh viên đủ màu da, sắc tộc…. nhưng nếu được đứng trước sinh viên tại quê nhà để truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức thì họ vẫn sung sướng hơn vì đạt được ước nguyện từ khi bước vào nghề “phấn trắng, bảng đen".
Thầy tôi: Giáo sư Lê Hữu Mục, Học Giả, Nhạc Sĩ, Tiến sĩ Văn Khoa, chuyên khảo Hán Nôm, tuy đã gần tuổi 90, đang nội trú trong nhà nghỉ hưu tại Montreal, Canada, vẫn không quên công việc quen thuộc hàng ngày là lo hoàn tất bộ sách HÁN NÔM và tiếp tục nghiên cứu văn chương, sáng tác ca khúc… cũng ước mong có dịp phổ biến những nghiên cứu của mình cho học giới tại quê nhà.
Trong một lần nghe phỏng vấn trên đài phát thanh Úc Châu có tiếp vận, nghe nữ phỏng vấn viên Phiến Đan hỏi giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, một nhân vật nổi tiếng của người Việt tại hải ngoại:"Sau nhiều năm dạy học ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước khác, có bao giờ giáo sư nghĩ đến một ngày kia đất nước thanh bình, quê hương của chúng ta không còn bóng cộng sản, giáo sư có thể về lại trường xưa, đứng trên bục gỗ để đem những điều hiểu biết của mình truyền lại cho giới trẻ Việt hay không?"
Câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Tiến sĩ Khoa học Hàng Không và Không Gian (Hoa Kỳ), Tiến sĩ Quốc Gia Toán Học (Pháp), cựu Giáo Sư trường Ðại Học Michigan với danh hiệu rất cao quý "Professor Emeritus of Aerospace Engineering", Hội viên Hàn Lâm Viện Hàng Không Không Gian Pháp, Hội viện Hàn Lâm Viện Hàng Không Không Gian Hoa Kỳ, mà người nghe câu trả lời ai cũng cảm động về lòng yêu quốc gia dân tộc của một người con Việt đang sống lưu vong xứ người: “…đó là điều mình tha thiết, ấp ủ từ lâu trong lòng. Nhưng không biết bao giờ thì cảnh thanh bình thực sự đó mới trở lại với quê hương?.”
Tôi nghĩ có lẽ anh Lê Văn Khoa của tôi, trong lĩnh vực nghiên cứu và phổ biến âm nhạc giao hưởng, hoặc các sáng tác ảnh nghệ thuật cũng đã nghĩ tới và chắc anh cũng tiếc là “sinh ra không phùng thời!” và cũng tâm niệm giống như ước vọng của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và nhiều nhân tài khác của người Việt tại hải ngoại.
Tôi được biết tại Hà Nội, dàn nhạc giao hưởng quốc gia “Vietnam National Symphony Orchestra” đã trình tấu nhạc giao hưởng kể từ 1959 đến nay, đã đi lưu diễn nhiều lần ở vài nước lớn tại Á Châu như Nhật Bản, Trung Hoa.... nhưng có bao nhiêu tác phẩm giao hưởng do nhạc sĩ Việt sáng tác được giới thiệu với nhạc giới thế giới?
Tôi cầu xin ơn trên ban nhiều phúc lành cho Lê Văn Khoa và mong ước những tác phẩm âm nhạc và ảnh nghệ thuật của người Anh quý mến của tôi được giới thưởng ngoạn trên toàn thế giới chú ý và trân quý.
 
©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG
San Jose, California những ngày cuối năm NHÂM THÌN

 

 
Picture
Song Truong Giang
Picture
Song Thu Bon
6. GIỚI thiệu 5 NHÀ THƠ của xứ Quảng

BÙI GIÁNG, TẠ KÝ, TƯỜNG LINH
   CUNG DIỄM và HOÀNG QUY
  
Bài viết của PHƯƠNG-DUY TDC
 
Nhìn vào tấm bản đồ VIỆT-NAM do Nha Địa dư và Bản Đồ tại Đà Lạt in trước năm 1975, tỷ lệ xích 1:1.750.000 tôi thấy tỉnh QUẢNG NAMhai con sông chính lớn và dài : một phát xuất từ thượng nguồn hướng tây mang tên SÔNG BUNG, một phát xuất từ thượng nguồn  hướngTây Nam mang tên SÔNG THU BỒN, sau đó hai con sông gặp nhau thành một dòng sông lớn chảy qua dô thị cổ HỘI-AN xuống  CỬA ĐAI để ra biển và một con sông dài nữa nhưng không phát xuất từ nguồn nào (?) lại nằm song song với quốc lộ I và bờ biển NAM HẢI mang tên TRƯỜNG GIANG chảy vào các quận phía Nam tỉnh Quảng Nam (vùng trước đây chia ra để thành lập tỉnh Quảng Tín)
Trong thời gian chiến tranh Việt-Pháp, năm 1946-47, tôi có dịp chạy giặc đị tản cư bằng ghe bầu những làng, xã như Kim Bồng, Chợ Củi, Đại Bình, Trung Phước, Tí, Sé, Cầu Chìm, Đại Lộc, Trà Nhiêu, Cát Cao, Chợ Bà,Chợ Được, Trà Đỏa, Tiên Đỏa, Kỳ Trân, Đồng Trì, Tây Giang, Bến Ván…ở mỗi nơi vài ba tháng, nên tôi nghĩ BA dòng sông dài và lớn trên tôi cũng có thời đã đi qua hoặc ngồi trên bờ câu cá..
Rồi lúc mặc áo quần trận phục vụ trong quân đội , tôi cũng từng ở tiền đồn bên cạnh những dòng sông của quê hương ghi trên ở quận Hiếu Nhơn, Thường Đức, Quế Sơn, rồi tỉnh Quảng Tín nên lại thêm nhiều dịp biết thêm nhiều làng xã ven sông  mà ba con sông lớn này chảy qua.
Nhưng tôi vẫn thích nghĩ về con sông mang tên THU BỒN nhất (còn mấy người làm thơ thường gọi cho thi vị là  SÔNG THU).
Với hai lý do có tính cách cá nhân:
Lý do thứ Nhất:
Vì khi đi tản cư bằng ghe bầu, gia đình tôi suýt bị máy bay Pháp “làm thịt” khi đang chèo chống giữa dòng sông Thu Bồn, gần đến chợ Trung Phước là nơi gia đình sẽ tạm trú nơi đó vài tháng vì có người bà con gần đang sống và buôn bán tại chợ này. Người chủ thuyền lanh trí nên chống chèo thuyền lẹ sang bờ tả ngạn khi nhìn thấy bốn máy bay địch lao mình từ trên không xuống thấp để chuẩn bị xạ kích khi quan sát mục tiêu là một chiếc ghe bầu thật lớn. Sai duong92 nbgắm mục tiêu nên máy bay phải bốc lên cao và làm một vòng quành lại thì chiếc ghe bầu (mục tiêu) đã đến bờ sông dựa vào mô đất đá cao dưới những tàng cây rậm rạp khó có thể phát hiện. Sau đó chúng tôi thấy bốn chiếc máy bay  này đổi hướng xạ kích về phía hữu ngạn sông THU BỒN thuộc khu  chợ Trung Phước, cũng gần bệnh xá địa phương.
Lý do thứ Hai:
Tôi quen biết với năm người làm thơ xứ Quảnggốc là dân huyện Quế Sơn, nằm những làng Trung Phước , hữu ngạn sông Thu Bồn và Đại Bình, tả ngạn.
Núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình nên thi sĩ BÙI GIÁNG, nhà thơ TẠ KÝ đã có thời kỳ đi dạo chơi tả ngạn để làm thơ, để chăn dê.
 BUI GIÁNG và TẠ KÝ là hai nhà thơ Quảng Nam thành danh trước 1975
Rồi phía hữu ngạn có chàng thi sĩ TƯỜNG LINH, nhà thơ CUNG-DIỄM  (HOÀNG KIM DŨNG, TÚ LẮC) và nhà thơ HOÀNG QUY (HUỲNH QUY) cũng là nhũng nhà thơ có tiếng tăm sau này.

THI-SĨ BÙI GIÁNG

Picture
Tôi chỉ gặp và được thi sĩ BÙI GIÁNG (vì tình đồng hương giữa Thầy và Tôi)  trò chuyện hai lần tại SAIGON.
Một lần trước 1975 khi tôi gặp Thầy ( tuy tôi không là học trò của nhà giáo BG, nhưng tôi học được văn chương, triết lý trong các sách Thầy viết)  trên đường Catinat và tôi được dịp hỏi Thầy Bùi Giáng “ vì sao tôi thấy trong một vài tác phẩm viết rất “đứng đắn”, rất “ triết lý” của thầy…. thỉnh thoảng thấy Thầy xen vào những danh từ “dung tục” như L.T..hoặc T.L..(khi nói lái theo lối người Quảng Nam) ?
 
Thầy BG chỉ cười và bảo tôi: “Em đọc sao thì cứ hiểu như vậy là đúng ý Anh muốn viết!
 
Riêng tôi:
“Tôi hết biết luôn!”
  Lần thứ hai, tôi gặp Thầy sau năm 1975 tại chợ Trương Minh Giảng, Saigon (lúc này trông  Thầy“ không được bình thường trí não”  nhưng khi hầu chuyện với Thầy, Thầy vẫn còn nhớ là tôi đã gặp và trò chuyện cùng Thầy một lần và Thầy vẫn “xuất khẩu thành thơ” rất xuất sắc như thuở nào. (Nhưng có nhiều câu thơ “xuất khẩu thành chương” của Thầy lúc này có xen nhiều danh từ về bộ phận kín của phái đẹp (?) làm người nghe “sợ” luôn.
Trong lúc viết bài này, tôi muốn ghi lại một bài thơ do thi sĩ Bùi Giáng sáng tác:
LỜI SƠN NỮ
Gánh than lên bán chợ Trời
Thiên thần xúm hỏi: Em người ở đâu ?
Thưa rằng em ở rất lâu
Trần gian dưới đó dãi dầu liên mien.
Bảo rằng chưa rõ tuổi tên?
Thưa rằng tên tuổi là em đây rồi
Nghĩa là Sơn nữ đó thôi.
Hỏi rằng: sao chẳng thấy môi em cười?
Thưa rằng cười gượng không vui
Nên đành mím miệng một đời cho qua
Hỏi rằng: dưới đó bông hoa
Nở vào mùa Hạ hay là mùa Xuân?
Thưa rằng: cái đó em quên
Vì chưng lo đốt than nên không nhìn.
Hỏi rằng: một chút của tin
Muốn trao em giữ, em xin thứ gì?
Thưa rằng: em chẳng biết chi
Hỏi rằng: em thích xiêm y không nào?
Thưa rằng: dày mỏng ra sao?
Bảo rằng: toàn gấm, lụa đào nhung hoa
Thưa rằng: chẳng hợp màu da
Toàn than như hột chà là em đen
Bảo rằng: hãy tắm suối tiên
Một giờ em sẽ đổi đen ra hồng
Thưa rằng: em có tấm chồng
Yêu màu da cũ, kiếu ông em về.
 
                            (BÙI GIÁNG)



THI-SĨ TẠ KÝ

Picture
Sinh năm  1928  tại Trung Phước, Quế Sơn
Mất năm  1979  tại  An Giang
Khi tôi học ở trường Providence, Huế thì anh Tạ Ký học các lớp chuyên khoa văn chương bên trường Khải Định.
 Nên thỉnh thoảng những học sinh gốc Quảng chúng tôi cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ cũng gặp nhau ở nơi những gia đình người Quảng Nam làm việc tại Huế (nhất là những nhà có con gái đẹp tại Hàng Me, Đập Đá..) để “nói tiếng Quảng với nhau” và với “người đẹp quê mình
 Anh Tạ Ký lúc đó đã nổi tiếng “làm thơ rất hay” và tôi vẫn yêu cầu anh đọc cho tôi nghe những bài thơ anh sáng tác mỗi khi gặp anh..
Anh rất vui và đọc cho nghe liền.
Sau khi học xong Tú Tài, anh vào Saigon học tiếp đại học và đi dạy.
Tôi xin trích một bài thơ anh viết về quê hương Quảng Nam:
TRUNG PHƯỚC ƠI!
Tặng bà con
Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc,
Tình cheo leo cao vút một con đèo,
Núi Chèo Bẻo vươn mình trong khói đục,
Hòn Cà Tang thương nhớ vọng tình theo.
 
Đây đồng Chợ không còn vang nhịp bước,
Và đồng Quan, đồng Vú chắc tiêu điều!
Lúa vàng ơi! Lúa vàng bao năm trước,
Rộc cây Bòng bờ trổ mạch cô lieu.
 
Cau xanh lắm, cau với người than thiết,
Bắp non non, người đợi bắp vàng bao,
Lụa óng ánh tay ngà thoăn thoắt dệt,
Đời không dài hơn một giấc chime bao!
 
Làng chết lặng, lều xác xơ dăm túp,
Người tha hương còn mất chẳng tin về,
Con lạc mẹ, bao đêm chồng khóc vợ,
Măng bẻ rồi, tre không kín niềm quê!
 
Chín năm chẵn máu chưa hề ngớt chảy,
Chim không ca, bắp chẳng chín vàng bao,
Khung cửi lạnh, tay ngà đang ấp mộ,
Hẹn tương phùng trong một giấc chiêm bao.
 
Mùa hy vọng thắp đôi hang nến đỏ,
Chép bài thơ thương nhớ giữa kinh thành,
Ôi yếu đuối một kinh hồn nho nhỏ,
Chỉ mong ngày nắng ấm ngọn cây xanh.
                                                   
                                                     (TẠ KÝ)



Picture
Song Thu Bon
Nhà thơ TƯỜNG LINH
Thời gian 1958-1974 tôi nhiều lần vào Saigon, biết anh Tường Linh đang phục vụ trong quân đội, cũng dang sống tại Saigon mà tôi không có dịp gặp Anh lần nào. Tôi rất mong có dịp gặp anh vì tôi thích những vần thơ anh sáng tác đăng báo. Anh còn là anh em bà con cô cậu với Hoàng Quy, em tôi.
Nhưng.sau 1975 cũng không có dịp nào gặp, mãi cho đến những ngày cuối sắp đi định cư tại Hoa Kỳ (1991) tôi quyết định nhờ  Hoàng Quy đưa tôi tới thăm nhà thơ Tường Linh tại nhà anh. Vì tôi nghĩ sẽ không còn lúc nào gặp nhau nữa.
Anh rất vui chào đón tôi và tôi hỏi anh: “Thơ của anh, em rất thích đọc. Bây giờ anh đã sáng tác bao nhiêu bài thơ rồi?”.
Anh không trả lời ngay, đứng dậy đến tủ sách gia đình bê ra năm sáu quyển sổ dày đóng bìa cứng như những cuốn tiểu tự điển đặt trước mặt tôi rồi nói:” đó Cường xem đi!”
Tôi dở cuốn sách ra, những bài thơ anh chép tay mỹ thuật, đọc những bài thơ của anh viết
 rất hay và không đếm được tổng cộng bao nhiêu bài thơ viết bằng đủ thể : Đường luật, Song Thất Lục Bát, Lục Bát, Thơ Mói 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, Thơ Tụ Do…
Tôi không rõ từ ngày ấy đến bây giờ anh Tường Linh đã in được bao nhiêu tập tho rồi?
Giới thiệu một bài thơ của TƯỜNG-LINH
GÓC CHIỀU VỚI BẠN
Bạn hỡi có chi mà vội vã
Tránh đâu cho thoát cõi vô thường?
Vào đời xây mộng tan tành mộng
Hãy cứ xem đi mẩu hý trường
Đội lửa băng qua bao cuộc chiến
Nay còn được chải tóc hoa sương…
 
Thì thôi, tiếc với buồn chi nữa
Cắt buộc ràng quanh chuyện lỗ, lời
Lâu quá thuyền neo vùng bến chật
Quen bờ hóa ngại sóng trùng khơi
Góc chiều được gặp đông bè bạn
Đã ngấm trong men chuyện nghĩa đời.
 
Cùng thả hồn theo lời nghệ sĩ
Giọng vàng cánh bút chở thơ bay
Bỗng trầm điệu khúc nương cung bậc
Thanh thoát đàn rơi giọt giọt say
Không phải Tầm Dương chan chứa lệ
Mà bâng khuâng tiếc sớm vơi ngày!
 
Thơ dâng. Rượu bốc. Thời gian chảy
Thành suối yêu mơ thắm thiết nguồn
Ai cấm ta về vườn mộng cũ
Dẫu về chỉ gặp bóng trăng suông
Còn bao nhiêu rượn chia đều cả
Hồi ảnh sông hồ lớp lớp tuôn.
 
                                 (TƯỜNG-LINH)
 
***
Nhà Thơ KIM DŨNG
Sinh tại Quế Sơn, Quảng Nam
Tôi gặp ông rất nhiều lần tại các buổi ra mắt sách khi tôi đến định cư tại Thung Lũng HOA VÀNG.
Ông là nhà thơ may mắn nhất trong bốn nhà thơ dất Quế Sơn sống hai bên bờ sông THU BỒN.
Ông được sống và tư do làm thơ theo cảm hứng.
Giới thiệu một bài thơ
HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG
 
Làng tôi nằm cạnh mé Thu Giang
Xanh ngắt tre xanh bọc xóm làng
Uốn khúc quanh co con suối lượn
Bắt nguồn từ rặng núi Cà Tang
 
Một con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo
Ven vẹo hai hàng đuổi chạy theo
Nối bước hai thôn Trung và Hạ
Gập ghềnh qua mấy nhịp cầu treo
 
Thẳng cánh cò bay những cánh đồng
Hai mùa Ba, Tám lúa đơm bông
Nàng Hương, lúa Ngự thơm ngan ngát
Hương ngất ngây say vạn tấm lòng!
                                    
                                    (CUNG DIỄM)
***
Nhà thơ HOÀNG QUY
Sinh năm 1939 tại Đại Bình, Quế Sơn
Quê của Hoàng Quy nằm ven bờ hữu ngạn sông Thu Bồn. Một vùng đất đai trồng cây ăn trái rất tốt. Khu vườn rộng của nhà Hoàng Quy trồng nhiều cây Sầu Riêng rất sai quả và ăn rất ngon.
Nhưng sau 1975, sau khi tù cải tạo về, gia đình nhà thơ Hoàng Quy không được phép sống tại Quảng Nam mà phải bắt buộc đi” kinh tế mới” trong miền Nam. Nên nhà thơ phải dời gia đình vào sống ở làng Phong Điền, Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Làm nghề lái xe Honda chở khách để độ nhật và trồng cây trái kiếm sống. những quả Cam Phong Điền rất ngon, ngọt nổi tiếng nhờ vậy cũng có thu nhập sống qua ngày.
Chàng lại bắt đầu làm thơ trở lại.
Có lúc đi buôn hàng chuyến, có khi làm công nhân và có khi “đi tu”và ăn chay trường tùy hoàn cảnh.
Tác phẩm dã in:
 TUYỂN TẬP SÔNG THU (Thơ) 1962 với Thái Tú Hạp và Thành Tôn.
CỠI NGỰA XUỐNG TRẦN (Thơ) 2004
Tôi xin giới thiệu một bài thơ:
       NGƯỜI XƯA PHỐ CỔ
 
vẫn trăm năm nữa, thầm thì
bước chân phiêu lãng có về nữa không
rêu phong mờ ảo tấc lòng
em qua phố cổ tay bồng vai mang
tội tình một kiếp đa đoan[
lá khô que củi mang mang sầu đời
đợi gì một hạt mưa rơi
 mà phương trời cũ vẫn nơi hẹn hò
ngày  qua hiu hắt trang thơ
đêm qua ngậm ngải bơ vơ chỗ nằm
người xưa đã quá xa xăm
phố xưa úp mặt khóc thầm cùng ai
ta về níu vạt áo dài
 che đầu hát khúc thiên thai tạ đời
 
                                (HOÀNG QUY)
Năm nhà thơ BÙI GIÁNG, TẠ KÝ, TƯỜNG LINH, HOÀNG QUY có bốn hoàn cảnh sinh sống khác biệt nhau sau khi miền Nam nước Việt đổi đời. Chỉ còn mỗi một CUNG DIỄM may mắn đến sống tại một nước tự do nên thi văn của ông hy vọng bay xa hơn nữa như những nhà thơ xứ Quảng THÁI TÚ HẠP, LUÂN HOÁN, TRẦN TRUNG ĐẠO, LÊ HÂN, THÀNH TÔN, VŨ GIA SẮC, MẠC PHƯƠNG ĐÌNH.
PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG
December 2012



5. Một thoáng Liêu Trai
PHO TƯỢNG CỔ


PHƯƠNG-DUY TDC
        1-
Nguyễn viết cho tôi vài dòng thư  kèm theo một món quà khi anh vừa đi du lịch Việt Nam về:
“Ngày......tháng........năm.....
Bạn thân mến,
Chuyến về thăm Việt-Nam vừa qua, tôi  có dịp “tham quan” những địa danh có những cổ tháp Champa như Phan Rang, Khánh Hòa ra đến Quảng Nam, Đà-Nẵng. Ngày xưa nhiều nơi không đến được vì kém an ninh như vùng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Chiên Đàn, Bàn An. Tôi biết bạn thích sưu tập cổ vật nên tôi gửi kèm theo đây một pho tượng cổ tặng bạn”
Pho tượng chạm nổi hình một vũ nữ Champa đang múa. Chiều cao 20cm và chiều ngang 4cm khắc bằng một loại đá nhám mầu xam xám, cân nặng gần 1kgr.
Tôi đặt pho tượng cổ nơi bệ lò sưởi trong phòng khách bên cạnh những món đồ khác mà tôi đã sưu tập được.
          2-
Trước năm 1950, tôi thích sưu tập tem, sưu tập tiền bằng kim khí và giấy bạc các nước trên thế giới. Tại Saigon, có tiệm bán tem sưu tập nằm trên đường Catinat lúc nào cũng đông khách nhưng giá bán có hơi cao. Một linh mục người Pháp, thầy dạy tôi ở bậc trung học mới giúp tôi gửi mua tem tận bên Pháp để có đầy đủ các loại tem hơn và giá rất hợp túi tiền của cậu học sinh.
Tôi bắt đầu mua tem ở Paris và ít lâu sau tôi nhận xét tiệm bán tem ở Valenciennes giá rẻ hơn, nên tôi tiếp tục mua tem tại nơi này. Đến thời chính phủ Ngô Đình Diệm, việc gửi tiền ra ngoại quốc rất khó khăn nên tôi không mua hàng ở Pháp nữa. Đến năm 1966, có người bạn Mỹ làm việc ở tòa đại sứ Hoa Kỳ tại  Saigon thỉnh thoảng ra các tỉnh miền Trung để mua đồ cổ nên  anh Bob  đã nhờ tôi hướng dẫn đến những nơi bán đồ cổ. Tôi giúp người bạn tôi như một thông dịch viên không lãnh lương kiêm cố vấn ngành sưu tập đồ cổ tại địa phương. Anh ta thuộc loại con nhà giàu, có bố là một bác sĩ  giàu nổi tiếng ở Mỹ, anh lại lãnh lương cũng khá nên bao nhiêu tiền có được anh đem mua đồ cổ mà anh đam mê  thuộc loại sành sứ Trung Hoa và cổ vật Champa.  Trước ngày 30- 4- 1975 anh về Mỹ an toàn với những đồ cổ anh đã mua được. Từ ngày quen anh Bob tôi cũng bắt đầu sưu tập cổ vật, nên khi nhận pho tượng cổ của Nguyễn tôi rất thích và trân quý vô cùng.



    3-
Chiếc xe buýt “de luxe” (mà sau ngày ba mươi tháng tư năm  1975, tôi nghe mấy anh bộ đội ngoài bắc vào đọc là “ đe-lư-xe!”  tám chỗ ngồi đến khách sạn  ba sao tọa lạc trên dường Ngã năm Phan Chu Trinh đón tôi và một số khách Việt kiều đi thăm vùng thánh địa Mỹ Sơn như chúng tôi đã  “đăng ký” trước.
Ra khỏi thành phố Đ à Nẵng, qua ngã ba Cây Thông, đường rộng rãi hơn nên xe chạy với tốc độ nhanh hơn. Tôi mới xa Đà Nẵng gần hai mươi năm, nhưng khi nhìn  hai bên đường thấy thành phố đã khác xa.  Nhiều khách sạn to, cao, đẹp chen lẫn với những cửa hàng buôn bán sầm uất, xe cộ chen nhau chạy trên những đường phố còn hẹp tuy đã cố nới rộng hai bên lề đường.
Đến ngả ba Huế, xe quẹo trái vào quốc lộ 1 đi về hướng nam. Xe tiến nhanh qua các địa danh như thuộc lòng trong đầu tôi, tương tự có một tấm bản đồ đặt trước mặt tôi . Đoạn đường này trước năm 1975, chúng tôi thường hành quân mở đường  và giữ  an ninh cho xe đò và đồng bào đi lại làm ăn : Cẩm Lệ, Giáp  Năm, Thanh Phong, Thanh Quýt. Thanh Quýt là địa danh mà gia đình tôi không bao giờ quên vì là nơi có nhiều cơ sở nằm vùng của Việt Cộng nhất. Em ruột tôi, một chiến binh Biệt động quân đã tử trận tại đây trong dịp “đình chiến” Tết Mậu Thân. Bên  phe ta tôn trọng lệnh đình chiến còn  phe Việt  Cộng vẫn  ra ném lựu đạn vào binh sĩ và thường dân đang vui đón Tết.
 Xe buýt qua thị trấn Vĩnh Điện,  đến cầu Câu Lâu rồi đến trạm  Nam Phước. Xe buýt rẽ phải  vào tỉnh lộ hướng về huyện lỵ Duy Xuyên. Chạy vài kilômét nữa đến Trà Kiệu, thấy ngôi tháp Chàm mà ngày xa xưa là kinh đô  đầu tiên của Vương quốc Champa. Xe tiếp   tục chạy.... và trước mặt chúng tôi là thánh địa Mỹ Sơn với những ngôi cổ tháp  kiến trúc  theo lối Chàm cái còn , cái đổ nát vì chiến tranh từ  năm 1945  đến 1975.
Tôi xuống xe, bách  bộ xem các khu tháp, chụp ảnh hoặc dừng lại xem các phù điêu, tượng vũ nữ chàm rất đẹp đang biểu diễn một vũ điệu. Hai tay của vũ nữ dẻo dai và nhìn những đầu ngón tay  nhọn vì  móng tay  khá dài. Tôi đang loay hoay tìm khía cạnh nào thích ứng để chụp ảnh những pho tượng cổ. Bổng nghe tiếng động đàng sau lưng, tôi quay lại nhìn. Một thiếu  nữ trạc tuổi mười tám đôi mươi đang đứng  nhìn tôi. Tôi chào nàng. Nàng cười.... Tôi như bị hớp hồn trước nụ cười ma quái và vẻ đẹp liêu trai của người đối diện bất ngờ.
Tôi chưa kịp tìm những lời để làm quen và ca tụng sắc đẹp của nàng. Nàng nói ngay:
“Ông định lúc nào về lại...”
Tôi trả lời: “ Sau khi “tham quan” ø chụp ảnh một số tượng, cảnh đẹp và di tích cổ quý báu này.”
Nàng hỏi:” Ông đã đăng ký xe buýt chưa?”
Tôi nói ngay:
“Chưa. Có  phương tiện chuyên chở nào như ô tô, xe buýt, xe honda thồ... thì tôi thuê đi về cũng được.”
Nàng vui vẻ nói với tôi:
“  Ông nên đổi phương tiện.... đi ghe.... để nhìn sông nước phong cảnh hai bên bờ sông....cho đến phố Hội An.”
Nhìn cái miệng nho nhỏ xinh xinh của nàng mấp máy..... dù đường xa, sức tôi lội bộ không nổi nữa, chắc tôi cũng ừ để làm vui lòng người đẹp, huống hồ là đi thuyền, đi ghe như nàng nói.
“Nếu được đi ghe để xem phong cảnh thì còn gì ... phải chọn nữa. Cô vui lòng “ đăng ký” cho tôi một chỗ đi ghe giùm tôi nhé! Cám ơn cô nhiều lăm . Nếu cô không nói, tôi không biết được có phương tiện giao thông này. Lâu lắm.... ngày xa xưa, lúc bọn lính Tây đến chiếm Hội An, tôi đi tản cư bằng thuyền bầu trên con sông Sài, tức sông Chợ Củi, hoặc tên khác Sông Thu Bồn, sông Cái...sông Hoài....chạy tránh giặc đếân vùng Trung Phước , Phú  Gia, Tí , Sé ...trong nhiêù năm.”
Nàng giục tôi:” Nếu muốn đi ghe, thì ông nên thu xếp  đi theo tôi  ngay mới kịp chuy
ến.”

 

    4-
Tôi theo nàng ra bến sông. Bến sông vắng lặng. Vài con cò trắng bay ngang qua. Gió thổi mát lạnh khi trời  sắp ngả về chiều. Những tia nắng vàng yếu ớt dần dần kéo lên cao. Nhìn mấy dãy núi thấp mầu xanh xanh phía xa còn nắng vàng trên đỉnh nhọn.
Một chiếc thuyền con có mui đang neo ở bến. Không có ai khác ngoài người thiếu nữ và tôi.
Tôi ngạc nhiên, hỏi nàng:
“Chủ ghe đâu? Sao không thấy khách nào nữa?” Phải có đủ bao nhiêu khách, họ mới   đủ sở hụi cho một chuyến đi?”
Nàng dục tôi:
“Ông cứ xuống thuyền chiếm chỗ tốt trước mà ngồi,  mà nằm... rồi sẽ biết câu trả lời...”
Nói xong, tôi nhảy ngay vao khoan thuyền. Thấy nàng cũng nhảy vội lên phía đàng sau chiếc thuyền và để hai tay vào chèo.... điều khiển thuyền rời bến.
Bây giờ tôi mới hiểu: Nàng là Captain, thuyền. trưởng.... và tôi là vị khách  duy nhất đáp “ du thuyền” này.
Nằm trong khoang thuyền nhìn “Captain” đang chèo. Hai tay cử động thoăn thoát, nhịp nhàng, vùng ngực nàng lên xuống theo nhip chèo và nhịp hít thở không khí của nàng. Như một bức tranh linh động trước mắt vì tôi không có hoa tay để có thể ghi lại trên vải, trên lụa hay trên giấy. Lúc cần chụp ảnh thì máy ảnh không còn cuộn phim nào.
Thuyền  đi nhanh và đến khúc sông  Chợ Củi  vì nơi đó có bến đò mang tên Chợ Củi,  thủy triều xuống nước chảy xuôiâ khắ mạnh .
Mặt trăng ngày Rằm tròn trịa và lớn vừa nhô lên  khỏi hàng cây bên kia sông  chiếu sáng. Nàng để thuyền tự trôi. Nàng vào khoan thuyền rủ tôi ra ngồi bên nàng để xem nàng vừa chèo thuyền, vừa trò chuyện với tôi cho đỡ buồn và  bớt lạnh.
Tôi ngồi cạnh nàng, hơi  nóng từ thân thể nàng truyền qua tôi ấm áp. Nàng nói:
“Ông có lần nào vào thăm Cổ Viện Chàm ở thành phố Đà Nẵng chưa?”
Tôi trả lời:” Rất nhiều lần.”
Nàng hỏi  tôi chú ý đến cổ vật gì trưng bày ở đấy.”
“Tôi đi xem... chung chung thôi. Không quan tâm đến cổ vật nào... nhưng là con mọt sách nên cũng biết chút đỉnh”
“Ông có nhớ cổ vật Vishnu không? Cổ vật Rama, cổ vật Garuda, Sarasvati.....và Oroga?
“Nếu tôi nhớ không lầm... Vishnu...là vị thần tượng trưng cho sự sống và bảo quản.”
Nàng như một giám khảo một kỳ thi Tú Tài, nàng nói:
“Đúng, trả lời tiếp...”
“Cổ vật Rama....là thần sáng tạo và sinh sản...., Garuda....là....là...là , tôi suy nghĩ, phải moi móc trong đầu... Chim Thần?”
“Giỏi, rất đúng!”.“ Tiếp theo....”
“Sarasvati là Vợ thần Rama, nữ thần tiếng nói linh thiêng, vật tượng trưng cho con Thiên Nga. Oroga là .... tượng trưng cho sự sung mãn mà các hoa văn hình nhũ hoa phụ nữ khắc  trên bệ đá....mà tôi rất thích khi chụp ảnh ở khu di tích Mỹ Sơn. vừa cách đây vài giờ.
Nàng bổng cười ra tiếng:
“Khi em thấy ông chăm chú chụp nhiều poses ảnh mấy cái vú đá cổ, em chợt nghĩ trong đầu;
những người này nếu sống đến bây giờ cũng đến tuổi.... Thượng thọ nghìn năm. Đôi nhũ hoa này sẽ.....”
Ông giỏi thật, có kiến thức, có trí nhớ, đáp đúng các câu hỏi hóc búa  của em. Em có một phần thưởng để dành cho ông đây...”
Nói xong captain, thuyền trưởng mở cúc áo, đưa bộ ngực thanh tân , đầu vú ngóc lên như sừng trâu  của nàng mà lúc mới  xuống thuyền tôi đã quan sát rất  kỹ và thèm nhỏ rải, rồi nói : Bộ ngực này mới hiện đại, ông hãy quên những bộ ngực bằøng đá...nghìn năm đi....”
Tôi thức giấc khi đôi tay tôi mân mê cặp gò bồng đảo tuyệt vời của mỹ nhân mà tôi chưa kịp hỏi danh tính.”
Tôi thức dậy, đi pha một  cốc  cà phê  French Roast  Peet’s  Coffee thật đậm cho vào chút bơ Bretel, hai thìa đường và tự thưởng thức bằng cách nhắm hai con mắt lại để tiếp tục  tưởng tượng đang để tay lên vùng ngực ấm của giai nhân trong mộng vừa qua.
Nhìn về phía bệ lò sưởi trong phòng khách của tôi, pho tượng cổ mà bạn tôi đã mang về từ vùng Mỹ Sơn trông giống Nàng như  hai chị em song sinh. Cũng khuôn mặt diễm kiều liêu trai, cũng bộ ngực săn chắc, cũng dáng người ... như đang mời gọi...tình yêu.
     5-
Những ngày tháng kế tiếp, đêm nào Nàng cũng dẫn dắt tôi vào  cuộc du lịch những nơi danh lam thắng cảnh của quê hương nàng cách đây cả nghìn năm. Phan Rang, Nha Trang, Trà Kiệu, Chiên Đàn.... nơi nào có Tháp Chàm là Nàng dẫn  linh hồn tôi đến đấy, ân ái nồng nhiệt với Nàng. Tôi sụt cân và sức khỏe suy kém thấy rõ. Tôi  suy nghĩ phải tìm cách tặng lại pho tượng cổ này cho ai muốn.... thưởng thức giai nhân trong mộng.
Một ngày đẹp trời vào cuối háng December năm  2006, một người bạn Đức  từ Berlin sang thăm tôi, anh cũng là tay sưu tầm đồ cổ có hạng, anh nhìn thấy pho tượng cổ trên bệ lò sưởi của tôi, anh xin phép cầm lên xem. Anh dùng loại kính rọi lớn đặc biệt  rồi cho tôi biết tên nàng mỹ nữ champa này là Sita, nàng là công chúa, học thức uyên thâm và rất đam mê ân ái.
Anh đề nghị với  tôi ø bán pho tượng cổ này cho anh vì mới nhìn là anh bị pho tượng như thôi miên anh ta. Anh nghĩ anh sẽ khó  rời ø thành phố San José  của thung lũng điện tử nổi danh này mà không có pho tượng trong tay.
      6-
Một năm sau…
Nguyễn gọi điện thoại cho tôi.
Cầm điện thoại lên nghe, tôi nói với bạn tôi:
“Ngọn gió nào mà cậu gọi thăm tớ... đã lâu lắm, kể từ ngày tớ nhận pho tượng cổ của cậu, tớ chẳng có tin tức và liên lạc với cậu được. Lại đi Việt Nam “tìm  một pho tượng trẻ bằng xương bằng thịt...” hay tìm pho tượng cổ nữa?”
“Moa sợ tượng cổ lắm rồi, còn cậu thì sao?”
“Tớ cũng ớn quá rồi.... tớ  không đủ sức.... nên đã gả nàng cho người bạn người “gốc Hitler” từ Berlin qua Mỹ  du lịch, chàng  đã bảo lãnh nàng sang định cư bên ấy rồi. Nhưng một thời gian sau, chàng cũng cho Nàng sang Bordeaux uống rượu Tây rồi!”
Nghe xong, Nguyễn cười và nói:
“Đàn ông mê của lạ như quạ thấy gà con!”
Tôi trả lời:
“Của lạ thật, may ra... còn của lạ Liêu Trai... tớ sợ quá rồi. Không dám ham nữa đâu!”
©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG
(Một Thoáng Liêu Trai)




4. ĐÊM TRĂNG TẠI PHỐ CỔ
  PHƯƠNG-DUY TDC
1-

     M ùa Thu  đang  trở lại Cali.  Buổi sáng trời hơi lạnh.  Cái lạnh dễ chịu của miền thung- lũng hoa vàng không giống cái lạnh khó chịu  tại  các tiểu bang miền Bắc Hoa-kỳ, nơi mà Nguyễn đã cư-trú tại đó gần mười năm.
 Nguyễn đang ngồi nhâm-nhi cà-phê vói Dũng và vài người bạn tại quán cà-phê Starbucks ở Downtown. 
Dũng nói:
     - Tuần sau, tớ sẽ  về thăm Việt-Nam.
     - Cậu về,  chừng bao lâu thì qua lại? .Về có việc gì,  hay về “hỏi vợ” đó?, Thành hỏi.
     - Mình về thăm lại quê-hương sau gần hai mươi năm xa cách. Các bạn cũng đều biết tất cả cha mẹ, anh chị em mình đều đã định-cư tại Mỹ và mình chưa có ý-định “tìm vợ” bên Việt-Nam. Có thể chuyến này mình về chừng hai ba tuần để đi thăm các thắng cảnh từ Nam ra Bắc. Theo  mình nghĩ  tuy mình là người Việt, từ nhỏ đến giờ,  mình  mới biết một vài tỉnh và thành-phố trong Nam  thì coi như “xệ” quá!, Dũng trả lời.
     Nguyễn góp ý:
     - Nếu có dịp ra ngoài Trung, cậu nhớ ghé thăm phố cổ  Hội-An. Mỗi  tháng một lần vào ngày trăng tròn, tại thành phố cổ đó tất cả đèn điện đều tắt hết, mà chỉ thắp các đèn lồng  để sinh-hoạt ban đêm. Thú vị lắm làm du-khách sẽ nhớ đời!
     - Ừ, mình cũng có ý định đó từ lâu rồi, Dũng nói.
     - Nếu cậu  đến phố cổ, mình dề nghị cậu đến trú tại khách sạn  X, phòng 309  sẽ dành cho cậu nhiều “kỷ-niệm nhớ đời” đấy!.
- Sao cậu chưa về Việt-Nam lần nào mà cậu “biết  rõ” vậy, hả Nguyễn?
- Thiên cơ bất khả lậu!
Nguyễn vừa nói vừa cười như tuồng thích thú lắm về câu trả lời của mình.


2-
     Người tài-xế trẻ tuổi quay sang hỏi Dũng :
- Đây là ngã ba Vĩnh-Điện. Ông muốn đi Đà-nẵng trước, hay ghé xuống Hội-An?
Lần đầu tiên, Dũng ra thăm miền Trung nên anh suy nghĩ một chút, rồi mới hỏi:
- Đường nào đi Đà-Nẵng, mà bao xa?, còn đường nào đi Hội-An ?
Người tài-xế trả lời:
- Nếu chạy thẳng theo quốc-lộ 1 này thì đến thành-phố Đà-Nẵng cách đây chừng hai mươi lăm cây-số, còn rẽ phải, thì xuống phố cổ Hội-An, cách đây chừng mười cây-số thôi.
-  Ông muốn đi... ?
- Hội-An trước, vì hôm nay là ngày mười bốn âm-lịch, tôi muốn được tận hưởng một đêm đặc-biệt tại đây.
Dũng nhìn vào tờ giấy mà Nguyễn, bạn chàng đã ghi chi-chít chữ, chàng  đọc lại cho nhớ:
“Vào mỗi đêm 14 âm-lịch, mọi sinh-hoạt của thị-xã nhỏ bé này được quay trở về thế-kỷ thứ 16. Bốn con đường nằm trong khu phố cổ là Trần-Phú, Nguyễn-Thái-Học, Lê-Lợi và đường bờ sông Bạch-Đằng  đã hàng loạt tắt những ngon đèn điện sáng, thay vào đó  là ánh-sáng huyền-ảo của những ngọn đèn lồng nhiều mầu sắc. Dù những chiếc đèn lồng này cũng được thắp sáng bằng những bóng đèn điện thông thường, nhưng ánh-sáng tỏa ra mờ dịu và phảng-phất dấu ấn của thời xa xưa...”
     Dũng quay sang tài-xế  rồi nói:
- Anh cho tôi đến khách-sạn X..., nằm trên đường....
Vâng, tôi biết đường này, ông yên tâm.
Người tài-xế đáp không đợi Dũng đang moi trong trí  để nhớ tên con đường xa lạ này.
Khách-sạn trông cũng khá sang. Dũng hỏi người quản-lý để thuê phòng. Người quản-lý nhìn vào cuốn sổ đang để trước quày và trả lời ngay:
- Thưa ông, rất tiếc, hôm nay nhằm ngày mười tư  âm-lịch, có nhiều khách đến tham-quan phố cổ, nên không còn phòng nào  trống...  Xin  ông cảm phiền...
Ngừng một giây, khi thấy Dũng tỏ ra thất vọng, người quản-lý nói tiếp:
- À... còn một phòng... mà... mà....
Dũng nghe “còn phòng” nên nói ngay:
- Khỏi phải mà...mà..., để giải-thích dài dòng nữa, cho tôi phòng còn lại đó, và nếu muốn trả thêm chút ít tiền thuê cũng được, vì tôi chỉ cần trú một đêm thôi.
     Dũng nghĩ đến mấy anh quản-lý khách-sạn ở Việt-Nam, thuờng  nêu  ra những trường hợp “đặc-biệt” như trên, để vòi thêm tiền của khách “Việt kiều”, nên quyết định ngay không cần suy nghĩ.
- Cám ơn ông. Đây là chìa khóa phòng 309 “đặc-biệt” ở lầu 3,  dãy bên phải đó. Chúng tôi không tính tiền thêm mà chỉ tính theo giá thông thường,  như những phòng khác.
Nhận phòng xong, Dũng thay quần áo ngắn “nhiệt-đới”, mang “xăng-đan”, rồi đi xuống phố để tìm cái gì  lót bụng vì chàng đã thấy thèm cà-phê và đói bụng lắm rồi.
     Đường Trần-Phú, có nhiều quán ăn, mà những du-khách quen đến phố cổ đã đặt tên “Restaurant street” (phố nhà hàng ăn), hoặc nói đúng hơn lphải gọi là “Cao-lầu phố” hoặc “Cao-lau Street” là một phố có nhiều tiệm bán cao-lầu  lâu đời và nổi tiếng  nhất. Đường Trần-Phú dài từ “thượng Chùa-Cầu đến hạ Âm-bổn”, mà nhiều thập-niên trước đây khi còn “Pháp-thuộc” gọi là “Rue du Pont des Japonais” (đường cầu Nhật-bản), dài không quá 500 mét mà có hơn mười lăm quán ăn san sát nhau
     Dũng đi ngang qua một  quán  ăn  để hai chữ “CAO LẦU”, thấy có nhiều khách “ba-lô” ngoại quốc đang sắp hàng chờ vào ăn. Chàng ngạc nhiên vì không biết “CAO LẦU” có nghĩa gì? Tên tiệm ăn? Tên món ăn ? hay “CAO LẦU” giống với “ TỬU-LẦU”, hoặc “CAO LÂU (đã xuất hiện trong thơ Trần Tế-Xương: “Cao lâu thường  ăn quỵt, Thổ đĩ lại chơi lường”?), nên chàng quyết-định “nên vào cho biết”.
Người hầu bàn  chào chàng và hỏi ngay:
- Thưa ông dùng “cao lầu?” có lấy thêm bánh tráng nướng không?
Dũng rất ngạc nhiên vì thông thường tại các quán  ăn khi thấy khách vào ngồi, thì đưa thực-đơn cho khách chọn món ăn, còn đây sao lại khác. Như vậy “cao lầu” ắt  phải là tên món “dặc-sản” của tiệm ăn này?, Dũng nghĩ thế.
Làm như người ăn chơi sành điệu,  chàng đáp :
Có, bánh tráng nướng và một ly cà-phê sữa  nóng.
Trong khi chờ món ăn bưng ra, chàng thấy vài người khách ngồi bàn bên cạnh chàng hút thuốc “tự-do”, nên chàng cũng móc bao thuốc lá Pall-Mall lấy một điếu, châm lửa hút  thoải-mái” khi người hầu bàn đem  ly cà-phê đến.
Nhìn “tô cao lầu”, món ăn mà lần đầu tiên Dũng biết, Dũng quan-sát kỹ để khi về lại Mỹ sẽ có dịp kể lại cho bạn-bè nghe.
- Thì ra thế, Cao-lầu là một món “mì khô” sợi hơi cứng, trên có thịt xá-xíu, dưới có giá chín, điểm vài tép mỡ và ngò thơm.
Không giống món mì quảng, cũng chẳng giống món mì xá-xíu khô của Tầu, hoặc hủ-tíu khô Nam-Vang mà chàng đã ăn. Đây là món ăn “lạ” đối với Dũng, có hương-vị rất đặc-biệt và hấp-dẫn.
Có lẽ vì bụng đói hay món ăn “lạ và ngon”, nên Dũng đã gọi thêm một tô cao-lầu nữa để ăn tiếp.
Nhìn những người ngoại quốc ngồi các bàn bên cạnh, tay cầm đũa rất thành thạo và ăn rất ngon lành. Dũng nghĩ có lẽ họ là “khách thường-xuyên” của tiệm ăn này.
- Wonderful  meal!
Một “bà đầm trẻ tuổi” nói với người bạn ngồi cạnh, rồi nhờ người này “thông ngôn” để gọi thêm một tô cao-lầu nữa.
- Mô-ột tô-ô  Kau-lau  nữua..., please!
Người đàn ông ngoại quốc nói “tiếng Việt giọng Bắc”.
Mặc dầu ở thành-phố cổ nhỏ bé này, các người “nước ngoài” có thể dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Nga... để gọi món ăn, vì đa số người  chủ quán và nhân-viên phục-vụ có khả-năng nghe hiểu những câu nói đơn-giản và thông thường của các ngôn-ngữ đó.
Khi những người khách này đứng lên, đến quày trả tiền, Dũng nghe thêm một câu nói:
- We’ll miss your Kau-lau! Thanks for your wonderful Kau-lau!
Dũng cũng đứng lên, trả tiền .
Ra khỏi quán “cao-lầu”, Dũng đi dọc theo đường Trần-Phú để thăm các ngôi chùa  cổ của các người  Hoa-kiều nằm dọc theo đường này, như Chùa Quảng-Triệu, Chùa Ngũ-Bang, Chùa Phúc-Kiến, Chùa Quan-Thánh, Chùa Âm-bổn. Sau đó, quẹo ra chợ Hội-an để tiến ra bờ sông Bạch-Đằng hóng mát và xem mấy người ngồi câu cá.
Chiều dần xuống. Những tia sáng cuối ngày  giảm rất nhanh . Mặt trăng tròn đã hiện ra từ phía bên kia sông Sài-giang hướng ra biển Cửa-Đại. Rất  nhiều người đổ ra dường phố để dón “Đêm huyền-ảo”, chỉ xẩy ra mỗi tháng một lần.
Các ngọn đèn điện ngoài phố, trong các căn nhà lần lượt tắt. Thay vào đó, ngoài đường phố các chiếc đèn lồng  bằng lụa sặc-sỡ mầu sắc , hình dài dài treo trên các cột điện đường và trước  mỗi nhà những đèn lồng bằng lụa hình tròn tỏa ra nguồn ánh-sáng “liêu-trai” và huyền ảo. Tất cả xe cộ, kể cả xe gắn  máy đều cấm di-chuyển trong lúc này. Trong lúc các nhà dọc theo bốn đường chính của phố cổ, các  đèn điện, “nê-ông”, ra-đi-ô, ti-vi, máy hát... đều tạm ngừng sử-dụng trong một đêm “phố cổ trở về thuở xa xưa của mấy trăm năm trước”.
Dưới ánh trăng tròn, dưới các đèn lồng, du-khách và cư-dân phố cổ hưởng trọn vẹn một đêm mờ ảo và rất “thiên-nhiên”. Dọc theo đường phố, đây đó, người ta đánh cờ tướng, người ta đàn hát, người ta nói chuyện phiếm và các nam thanh, nữ tú cũng “ lợi dụng” cảnh mờ mờ ảo ảo đó để tỏ tình hoặc trao cho nhau những nụ hôn thắm-thiết.
Trời đã về khuya, Dũng trở lại khách-sạn.
Chàng lên giường, nằm nhớ lại một ngày vừa trôi qua ở phố cổ rất thích-thú này.
Bỗng chàng nghe tiếng gõ nhè nhẹ vào cửa phòng.
Cộc...cộc...cộc rồi cộc...cộc...côc..
Chàng ngồi dậy, xỏ chân vào dép, ra mở cửa. Chàng nghĩ giờ này có thể công-an địa phương đến xét giấy tờ...tạm trú.
Mở cửa, chàng rất ngạc nhiên khi thấy một thiếu nữ trẻ vận xường-xám e-lệ hỏi chàng:
- Xín-xáng, nị kỏn Koỏng-tống hỏa? (Thưa ông, ông có nói được tiếng Quảng-đông không?)
Âm thanh phát ra nhỏ nhẹ và như có ma-lực làm chàng phải trả lời. Mặc dù trong bụng chàng muốn nói một câu để đuổi người quấy rầy trong lúc khuya-khoắt này đi chỗ khác.
- Mụ, ngộ duỵt-nàm dành, ngộ kỏn ịt-nàm-hỏa, íng-kọt hỏa, phần dậu.(Không, cô bạn, tôi là người Việt-Nam , tôi nói tiếng Việt và tiếng Anh thôi).
- O.K! It’s good. I speak English too! ( Được. Thế thì tốt.  Tôi cũng nói được tiếng Anh).
Nói xong, nàng xin phép Dũng cho nàng vào phòng để tiếp tục câu chuyện muốn nói.
Dĩ nhiên, Dũng đồng ý và mời nàng vào phòng, đóng cửa lại ngay vì nói chuyện lâu ngoài phòng e không tiện lúc đêm khuya.
Bằng giọng Anh chuẩn và lưu-loát,  nàng nói với Dũng:
- Tiên-sinh biết không, ở khách-sạn này có một thông-lệ, mà không một ai tiết-lộ cho khách biết trước...
Dũng trố mắt ngạc nhiên, khi nghe cô gái nói tiếp:
- Phòng 309 này chỉ dành riêng cho khách “đặc-biệt”, nghĩa là được chiêu-đãi miễn phí mọi thứ kể cả “người hầu hạ một đêm”. Em được sai bảo đến đây là vì “thông-lệ” mến khách đó.
Dũng nhớ lại lời dặn của Nguyễn trước lúc lên máy bay:
Cậu đừng quên khách-sạn X, ở phố cổ, phòng 309 đó nghe. Thú-vị lắm!
- À, thì ra...có mục này... Dũng lẩm-bẩm.
Đêm đó, Dũng rất vui bên người đẹp. Dũng thấm mệt,  rồi ngủ thiếp lúc nào không biết.


3-
     Dũng thức giấc khi trời vừa sáng. Chàng rất ngạc nhiên khi thấy mình nằm trần truồng, một chiếc khăn lông lớn vấn ngang bụng.  Chàng cố  nhìn để xem mình đang nằm chỗ nào?. Bên cạnh mấy thùng giấy đựng rác ở tầng basement của khách-sạn. Sao lạ vậy. Ai khiêng  chàng bỏ vào đây? Chàng còn nhớ rõ, tối qua chàng nằm trên phòng 309, lầu 3 với người đẹp Trung-hoa mà!
Chàng vội chạy lên phòng 309, lầu 3. May mà lúc đó còn sớm quá, chưa có ai đi lại, để có thể trông thấy chàng “tô-hô!”.
Mùi thơm da thịt của người đẹp vẫn còn phảng-phất đâu đây.  Nhìn chăn gối xô lệch, chàng tiếc đêm vui đã qua quá mau.
     Sáng ra, chàng xuống quày người quản-lý để trả phòng.
Người quản-lý hỏi chàng ngủ “có yên-giấc” không? .
 Dũng vừa cười vừa nói:
- Yên thì không yên... nhưng mà “vui”.... và nhất là được “biết cái basement của khách-sạn này”.
- Thưa ông, thế thì chúc mừng ông “được chiêu-đãi tại khách-sạn này không phải trả tiền” và mong ông giữ “bí-mật” này, đừng “bật-mí” cho ai khác nhé!   
Người quản-lý khách sạn vừa bắt tay Dũng vừa cười mà nói thêm:
- Khi ông đến thuê phòng,  khách-sạn chúng tôi không còn phòng nào khác nữa, phòng 309  là phòng được “để trống” từ nhiều năm nay,  vì một số khách đã trú tại đó đều than-phiền “có vấn-đề”. Tôi thấy ông ở xa đến, nếu không có nơi tạm-trú trong đêm, để thưởng thức “đêm huyền-ảo nơi phố cổ”, thì mất vui và lỡ dịp ngày 14 âm-lịch mỗi tháng chỉ có một lần”, nên  tôi mới để phòng 309 cho ông ở. Tôi biết ông  thừa can-đảm và có thể “sống qua đêm” không có “hại” gì đến tính-mạng của ông. Xin ông tha lỗi cho.”
4-
     Về lại Mỹ, Dũng gọi điện-thoại cho Nguyễn và hẹn gặp thằng bạn “Thiên-cơ bất khả lậu” ngay.
Nguyễn kéo Dũng vào một quán ăn vắng khách. Rồi vừa ăn vùa nói chuyện. Nguyễn bảo Dũng  kể lại chuyện đi thăm phố cổ. Nghe xong, Nguyễn nói thêm:
- Năm 1940, một thương-gia giầu-có người Hoa, trú tại Hội-An, hồi đó còn gọi là “ville de Faifoo” (thành-phố Phe-phô) sang buôn bán bên  Hong-Kong có “bao” một vũ-nữ trẻ chừng mười tám, hai mươi tuổi gì đó, rất xinh đẹp. Khi đem nàng về  phố cổ, bà vợ lớn, người Việt ghen quá cỡ, nên ông mua một ngôi nhà ba tầng này, tầng trệt làm cửa hàng buôn bán tạp-hóa, tầng trên cùng, dành một phòng để  “hú-hí” với bồ nhí. Nàng tên Minh-Lan, ngoài tiếng mẹ đẻ, nàng còn nói giỏi tiếng Anh.  Sợ những người trong thành phố biết việc này, vì Hội-An là thành phố rất nhỏ, việc gì xảy ra “ở trên Chùa Cầu thì dưới Âm-bổn biết ngay”, nên ông cho sửa sang lầu ba thành một “cấm  phòng đặc-biệt” cho Minh-Lan ở. Có đầy đủ tiện-nghi và chỗ giải-trí thoáng mát ngoài trời, có trồng nhiều cây kiểng, có khu hồ tắm lộ-thiên , có nhà bếp riêng và có một bà xẩm nấu ăn và hầu hạ nàng.  Tất cả gia-nhân trong nhà đều cấm lên lầu, dù chỉ lầu hai.
Và nàng Minh-Lan cũng không được bước chân xuống các tầng lầu khác.
Năm 1944, quân Nhật đến trú đóng tại Hội-An trong chiến-dịch “vết dầu loang quân-phiệt” Đại Đông Á của Thiên-Hoàng Nhật-bản. Ông chủ người Hoa kia bị tình-nghi chống Nhật,  nên bị bắt và giết ở Phước-Tường,  gần   phi-trường Đà-Nẵng.
Từ đó, không ai biết thêm số phận của mỹ-nhân Minh-Lan như thế nào.
Những năm tiếp theo đó, ngôi nhà đã đổi thay nhiều chủ. Cho đến 1975, khi Việt-cộng chiếm Hội-An, tịch-thu tài-sản của người thương-gia cuối cùng có cửa hàng bán tạp-hóa tại đó, rồi sửa sang thành khách-sạn để cho thuê. Căn phòng mà nàng Minh-Lan đã ở và có lẽ đã chết trong đó, thành phòng 309 “đặc-biệt như Dũng dã biết ”.
Có lẽ, Minh-Lan nhớ nghề cũ hay muốn giải-trí, nên mỗi tháng vào lúc có trăng thật sáng, nàng thường hiện ra và ái-ân với ai thuê đúng nơi nàng đã ở trong nhiều năm tại phố cổ.
Nguyễn cười cười nhìn Dũng và nói:
Chuyến thăm phố cổ của Dũng gặp được Minh-Lan, một mỹ-nữ đôi mươi, thân hình với những đường cong đầy hấp-dẫn, mặc xường-xám và “thỏ-thẻ” tiếng Anh như gió, trong một đêm Trung Thu, trăng sáng diễm-tuyệt, thật  đáng nhớ đời đấy!
©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG

3.  ĐAM MÊ THẦM KÍN CỦA LUCIA


ĐAM MÊ THẦM KÍN CỦA LUCIA -
PHƯƠNG-DUY TDC
1-
Chiếc xe buýt “ Dragon Tour”  khởi hành từ Westminster, Nam California đã đến  Las Vegas  sau một thời gian dài chạy nhanh băng qua vùng sa mạc chỉ trồng toàn những loại cây thấp, cằn cỗi mọc hai bên đường tráng nhựa. Nhìn xa xa những đỉnh núi vẫn còn tuyết phủ trắng xóa.
Toàn bước xuống xe và kéo túi hành lý vào khách sạn Riviera Casino & Hotel  nằm trên đại lộ Nam Las Vegas. Đây là một building nhiều tầng cao, rộng lớn, chớp chớp ánh đèn nhiều mầu ngày đêm. Sau khi xong thủ tục thuê phòng, chàng nhận chìa khóa rồi theo thang máy lên dãy lầu 8. Tắm rửa xong xuôi, thay áo quần sạch sẽ và ấm hơn. Chàng  đi xuống  phòng kéo máy, chơi bài của khách sạn. Phòng rất rộng rãi, trang trí mỹ thuật nhưng quá yên lặng.
Chàng nhìn các máy, mỗi dãy dài cả trăm máy mà chỉ có một hai người ngồi chơi. Chẳng bù mấy năm trước đây, khách nào đến chậm phải chờ người đứng lên, mới có chỗ ngồi chơi.
Không khí thời huy hoàng đó rất vui nhộn, ồn ào, tiếng nhạc reo inh ỏi kế tiếp nhau không ngớt khi có người trúng lớn. Ngồi chơi một lát, nhìn quanh chẳng thấy khách, chàng đứng lên tìm các dãy khác, mong thấy đông khách chơi mới hào hứng. Chàng đã đổi chỗ năm lần, không phải bị thua phải đổi máy mà vì chàng hôm nay đang thời vận đỏ, thắng nhiều và thắng lớn nữa là khác. Số tiền ghi trên giấy biên nhận đã lên đến vài ngàn. Nếu ngày trước, khi thấy thắng nhiều tiền là chàng ngưng không chơi nữa, đứng dậy ngay đi đến quày đổi tiền, đếm tiền bỏ vào ví cho chắc ăn. Nhưng lần này, trong phòng im lặng quá, tuy thắng mà không thấy hào hứng vì máy có reo lên mà chỉ có mình chàng nghe. Trước kia, đông người chơi, hễ có người trúng  lớn, nghe tiếng  máy reo, là mọi người  tạm ngừng chơi nhìn xem người nào mà được may mắn thế!  Tâm lý chung của người chơi bài bạc là thích không khí hào hứng; còn được hay thua thì cũng  chỉ là phụ, bỏ ra ít tiền và nhiều thì giờ để thử thời vận và giải trí là chính. Toàn đi qua hai ba dãy máy không có khách. Đến dãy cuối phòng, chàng thấy có hai người khách ngồi cách nhau, chàng chen vào máy phía giữa. Thấy được một số tiền lớn rồi, chàng hăng hái bỏ nhiều tiền vào máy hy vọng sẽ trúng lớn hơn. Thần may mắn cũng còn theo phù hộ chàng: tiếng nhạc reo to và kéo dài!
Bà lão người Hoa bên cạnh nói to một tràng tiếng Tàu, Toàn không hiểu bà nói gì, chỉ nghe được vài âm “ta hẩu, ta hẩu”... nên chàng hiểu “rất tốt, rất tốt” thôi. Cô đầm trẻ tuổi bên cạnh cũng ngừng chơi, nhìn sang và nói “Va bene... duecento  dolares...”. Lần này, chàng hiểu rõ nghĩa câu nói này: “Tốt thật!...hai trăm đô-la...” và nhờ câu nói này chàng cũng biết thêm “cô đầm láng giềng” là một cô gái người Ý. Chàng  cố gắng vét trong trí nhớ  mớ “tiếng Tàu Chợ Lớn” hồi còn ở Việt Nam, nói lớn với bà già người Hoa bên cạnh để mong bà vui cũng như cám ơn Bà:
“ Lụ mụ, siê siê  nì ! Nì hẩu ma? ” (Lão mẫu, cám ơn Cụ! Cụ có khỏe không?”)
Rồi quay sang cô gái chàng nói một hơi dài:
“Grazie. Per  forvare, parli più lentamente. Parlo italiano. “ (Thành thật cám ơn. Xin cô vui lòng nói chậm chậm một chút.  Tôi nói được tiếng I-ta-ly.)
Cô gái rất ngạc nhiên khi nghe câu nói đúng giọng Ý của Toàn nói với mình. Bỗng người  đẹp cất  giọng Bắc, nói một câu tiếng Việt, đủ cả dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã... để đáp lại:
“Xin lỗi, Ông là người Việt?  Mi chiamo.... Lucia (tên tôi là Lucia).
“Còn cô cũng là người Việt? Tên tôi: Toàn Nguyễn.”
“Không, tôi là người Ý, quốc tịch Ý, sinh ra tại  Milano, nước Ý, nhưng có một nửa phần máu  Rồng Tiên luân lưu trong người.”
 
2-
Vận may lại đến thêm với Toàn, ngoài số hên về cung tài lộc bài bạc, nay thêm số đỏ về cung bạn bè. Lucia cho biết nàng đến sòng bài Las Vegas bằng phi cơ từ New York ngày hôm qua. Nàng đi một mình, không quen ai nên thấy hơi cô đơn, lạc lõng. Nay tình cờ gặp một người Việt biết một ít tiếng Ý nên nàng cảm thấy vui vui và lạ lạ. Nàng muốn làm quen để cùng vui chơi trong những ngày nàng đi du  lịch ở nơi này.
Nàng hỏi Toàn:
“Vận hên của anh còn... nhưng Lucia hỏi anh còn muốn tiếp tục kéo máy nữa không? Hay  muốn đứng dậy dạo chơi với Lucia một lát?
Si? No?”
Toàn đứng dậy ngay, nở một nụ cười rồi nói:
Si! (Vâng)  “È vero.” (được quá!)
Lucia đề nghị:
“Bây giờ chúng mình đi ăn. Sau đó đi dạo phía ngoài phố để xem sinh hoạt Las Vegas về đêm. Anh đồng ý không? Em không rành nơi đây lắm, tùy anh dẫn dắt.”
“Ý kiến của em rất hay, thôi chúng mình đi ăn.”
Toàn chọn một ristorante italiano sang trọng để ăn tối với người đẹp. Ngồi nơi nhà hàng ăn của Ý này, Toàn để toàn quyền Lucia gọi thức ăn. Nàng nói bằng tiếng Ý khi order món ăn nào nàng thích. Chàng ngồi nghe Lucia nói với bồi bàn như để có dịp ôn lại ngôn ngữ Ý-đại-lợi chàng đã học thuở còn là sinh viên xa xưa mà nay mới có cơ hội thực hành.
Un  tavolo per due personas, per favore.”
Chàng hiểu: “Xin vui lòng dành một bàn cho hai người.”
“Potrei  vedere il menu”(xin cho xem thực đơn)
 “la lista  dei  vini?”(cho  xem  list các loại rượu vang?)
“Vorrei  vino  rosso, per  favore”(Vui  lòng cho tôi ruợu  vang đỏ)
Nàng chỉ vào thực đơn rồi nói:
“Antipastro...”(Món  khai  vị...)
Chỉ hàng tiếp theo:
“piatto  principale...” (Món ăn chính...)
Cuối cùng:
“ ....acqua,  due  tazzas  di  caffè, por favore” (Nước, hai tách cà phê)
Dưới  ánh đèn nhiều mầu nơi nhà hàng, Toàn nhìn Lucia không chớp mắt, càng nhìn càng trông  nàng xinh đẹp và tươi trẻ hơn lúc Lucia ngồi ở máy đánh bạc nơi sòng bài. Chàng tự nhủ: “sao mà mình gặp hên thế!“.
Chờ thức ăn mang ra, Lucia nhìn Toàn và hỏi nhỏ:
“ Xin lỗi anh, em đặt vài câu hỏi thật thân tình nếu có gì làm phật lòng anh, xin anh bỏ qua nhé. Anh có vướng bận gì không trong thời gian này, vợ con, công việc làm, tiền bạc tổn phí... có thể rong chơi với Lucia một thời gian ngắn được không?”
“Tuy mới gặp em nhưng anh rất vui để giải đáp thắc mắc của Lucia. Không bận bịu thê nhi, không lo việc đi làm vì anh chủ một business riêng, nghỉ hay làm do anh quyết định, tiền bạc thì cũng tạm đủ để vui chơi trong một thời gian vừa phải. Anh qua Mỹ định cư cũng trên hai mươi năm. Lúc đầu mới qua lo bù đầu đi làm vừa kiếm sống vừa đi học thêm. Sau đó tốt nghiệp đại học rồi ra mở business tư. Chưa có lúc nào thật sự rảnh rang để đi chơi xa với bạn bè nhiều ngày. Nay nếu Lucia thấy có thể chọn anh làm bạn thì cũng là dịp may để anh thực hiện ý nguyện rong chơi nhiều ngày với bạn, nhất là bạn gái ngoại quốc mỹ miều như em thì còn gì thú vị hơn?”
“Thế thì tốt! Tối nay em sẽ trả phòng, dọn về ở chung với anh. Anh phải “take care” cho người em gái bé bỏng của anh kể từ giờ này, anh chịu không?”

3-
Sau khi ăn xong, rời nhà hàng hai người bạn tay trong tay tìm hơi ấm khi đi dạo chơi các đường phố và một số sòng bài.
Lucia thích nhất là đứng trên một cây cầu bắc qua hai bên bờ một con lạch nhỏ xây dựng tượng trưng một đại lộ, nói đúng ra một thủy lộ ở Venice thu nhỏ lại. Đôi bạn nhìn một chiếc gondola, thuyền đáy bằng, trước mũi vươn cao mà du khách thường thấy ở bên Ý, chở  khách dạo chơi trên những con sông đào trong thành phố Venice ở nước Ý, đang chở đôi tình nhân nam nữ âu yếm nhau, trong khi người điều khiển chiếc thuyền tình vừa chèo vưa hát những tình  khúc nổi tiếng của Ý. Giọng hát opera không cần máy khuếch âm mà nghe vẫn rõ ràng. Giọng rất ấm và vang xa những ca khúc nổi tiếng của dân tộc I-ta-li-a: như “Arrivederci Roma, O Sole Mio, Volare, Santa Lucia, O Marenariello...” thật du dương, thật lãng mạn của dân tộc Ý đa tình.
Nghe những tình ca này, cô gái Ý Lucia trẻ trung, đa tình không tự chủ nỗi nữa, nàng quay sang người bạn trai vít đầu chàng xuống trao một nụ hôn dài vừa thỏa tình vừa thêm hơi ấm giữa  đêm thu lạnh ở Las Vegas, một trong những thiên đàng ăn chơi và bài bạc trên địa cầu.
Toàn đưa Lucia đi thăm nhiều nơi nữa: khu khách sạn sòng bài “New York, New York”, khu “Tour Eiffel”, khu “Hải Tặc”...
Trời về khuya, đôi bạn cảm thấy thấm lạnh, Lucia đề nghị nên trở về khách sạn. Phòng khách sạn đang mở máy sưởi nên rất ấm. Lucia đưa tay bật TV lên để nghe dự báo thời tiết và tin tức. Trong một bản tin tức, xướng ngôn viên loan tin:
 “... năm 2010 có nhiều sòng bài, khách sạn tại thành phố này phải đổi chủ hoặc đóng cửa vì mức thu nhập quá yếu kém ...”
Nằm gối lên tay Toàn, mặt sát mặt của Toàn, Lucia kể:
“Mẹ em vượt biển, được một tầu buôn của Ý vớt đưa về Ý. Được chính phủ Ý chấp nhận cho định cư. Khi bà đi làm, được một chủ nhà hàng ăn người Ý thương yêu và sau đó bà kết hôn với ông ta. Bà tiếp tục chăm sóc nhà hàng. Bốn năm sau, em ra đời tại thành phố Milano. Bố em rất thương yêu quý mến mẹ con em. Em đi học và tốt nghiệp đại học bốn năm. Sau đó em lấy người chồng Ý cùng học với em. Chẳng may, bốn năm qua,  người bố  thân thương của gia đình em qua đời để lại toàn bộ gia tài kếch xù và ristorante cho mẹ con em quản lý. Mẹ em không có bà con nào sống tại Ý, nên cảm thấy cô quạnh khi tuổi càng ngày càng cao. Có mấy bà cô, ông cậu, bà dì ở New York viết thư rủ mẹ em sang sống ở New York cho gần bà con, gần cộng đồng người Việt. Mấy người bà con đó nhờ luật sư làm thủ tục đưa mẹ con em sang Hoa Kỳ với lý do bỏ số vốn lớn mở nhà hàng ăn Ý như ở bên Châu Âu.
Em kết hôn năm năm, không có con cái gì nên khi gia đình em có ý định sẽ định cư ở Mỹ, em chia tay với chồng em để đi theo hầu hạ mẹ em lúc tuổi già.
Mới qua Mỹ được vài tháng, sẵn có nhiều tiền ba em để lại, em xin phép mẹ em làm một chuyến du lịch cho biết nước Mỹ trước khi về lại New York trông coi nhà hàng với mẹ em. Em bay sang Las Vegas và gặp anh đầu tiên. Anh biết đôi chút tiếng Ý nên hợp với ý muốn của em. Em sẽ nhờ anh đưa em đi chơi vài nơi ở tiểu bang Arizona, California, Washington State và vài nơi nữa tùy anh lựa chọn. Sau cùng em về lại New York lo làm ăn. Nếu anh không vướng bận thê nhi cũng như công việc làm ăn riêng của anh, anh  thích làm quản lý một ristorante thì theo em, em sẽ giới thiệu với mẹ em để anh nhận công việc. Tiền du lịch từ nay về sau, em chi trả, nếu anh muốn đóng góp thì tùy hỷ. Em cần anh chăm sóc và thương yêu em trong lúc chúng ta cùng đi du lịch. Nơi nào nổi tiếng, thắng cảnh nào đẹp, em mong anh đưa em tới để vui chơi. Đối với quan niệm của người Ý, đời sống rất ngắn ngủi nên phải tận hưởng nhưng phải sống cho thủy chung, thánh thiện”.
Về phần Toàn, nhiều người bạn gái Việt, Hoa đã chung sống với Toàn “như vợ chồng” trong thời gian lâu rồi nhưng khi gặp cô gái Ý lai Việt, chàng thấy khác lạ. Giống như ăn một tô bún bò và một dĩa bít-téc. Cùng là thịt bò mà mùi vị, khẩu vị khác nhau xa. Thân hình Lucia, cô gái lai âu tây đẫy đà hơn, săn chắc hơn, vòng nào cũng đạt tiêu chuẩn. Lại thêm dòng máu lãng mạn của Ý, lối sống cởi mở của người tây phương khác với lối sống khép kín của gái Á đông nên trên giường ngủ cũng như nơi công cộng rất hợp với đam mê của Toàn.
Nàng thủ thỉ bên tai Toàn:
“Trong các bản tình ca nổi tiếng  nước Ý của em, em thích nhất bản Serenata của Toselli. Nhưng các CD khó tìm thấy bản nhạc này mà đa số, gần như dĩa CD nào cũng xen kẽ những bản O Sole Mio, Volare, Santa Lucia, Come Back To Sorrento.”
Toàn giải thích:
“Em biết tại sao mà bản Serenata rất nổi tiếng trên thế giới mà ít xuất hiện trong các CD ở Ý cũng như Âu Mỹ vì... lý do “đạo đức”. Tác giả Enrico Toselli sáng tác bản Serenata năm 1900 lúc ông mới ở tuổi “teen”. Nhạc sĩ sinh ra ngày 13 tháng Ba năm 1883 tại Florence, Ý và qua đời ngày 15 tháng Giêng năm 1926 cũng tại sinh quán. Ông là một người chơi dương cầm và soạn nhạc. Thời trẻ tuổi, ông là một tay dương cầm thủ có hạng trong các ban nhạc hòa tấu  nổi tiếng ở Châu Âu. Bản nhạc trữ tình  Serenata “ Rimpianto” Op. 6-No 1 được nhiều người biết và thích. Nhưng sau đó, ông bị một scandal tình ái lăng nhăng với Bà Công tước, vợ của một vương tước một quốc gia bên Âu Châu. Bà này bỏ chồng vì mê nhạc và đi theo ông nhạc sĩ này. Họ thành hôn với nhau năm 1907, chỉ  được vài năm ngắn ngủi vì sống với nhau không có hạnh phúc như trước kia họ mơ tưởng. Họ ly dị năm 1912. Họ có với nhau một người con trai tên Carlo Emanuele Toselli (sinh 7 tháng 5 1908 và mất 1969) . Các triều đình bên Châu Âu lúc bấy giờ không bằng lòng scandal của Toselli vì thế các nhạc phẩm khác của Toselli dù có hay như bản Serenata cũng tạm quên lãng”
Toàn nói tiếp:
“ Khi nào Lucia qua California, anh sẽ dẫn em đến các tiệm bán nhạc như Rasputin, Border Music để tìm CD có bản nhạc Serenata em thích. Riêng anh, đã mua được đĩa CD có bản nhạc này là  “A Ticket to Italy” và CD Enrico Toselli “Le romanze ritrovate” hát bằng tiếng Ý rất hay. “

4-
Toàn đưa Lucia đi thăm thắng cảnh Grand Canyon ở tiểu bang Arizona theo lời yêu cầu của nàng. Tuy mới vào những ngày cuối của mùa thu, nhưng khí hậu Arizona là xứ sa mạc khắc nghiệt nên đổi thay tùy lúc, có lúc nóng cũng dữ mà lạnh cũng không kém, chẳng theo ngày hay đêm. Sáng sớm đôi bạn rời khách sạn, lên xe buýt du lịch.  Sương mù và khí lạnh ban mai còn trùm toàn vùng sa mạc Las Vegas. Lucia uống cạn ly cà phê nóng mang theo mà vẫn không thấy ấm hơn chút nào dù trên xe buýt đang mở máy sưởi. Nàng ngồi sát vào Toàn, ngả đầu lên vai Toàn, tay nắm hai tay Toàn mà hơi nóng của người Toàn cũng chưa làm Lucia bớt lạnh.
“Em cảm thấy thế nào?”, Toàn hỏi.
“Em lạnh...”
“Ngậm viên kẹo ho bạc hà này rồi choàng thêm chiếc áo ấm của anh. Lát nữa mặt trời lên, sẽ nóng hơn. Em nên nhắm mắt ngủ tiếp, tối hôm qua em thức gần như suốt đêm để vui chơi nên em chưa ngủ đủ giấc đấy.”
“Khi nào mới đến nơi?”
“Xe còn đưa du khách ghé thăm Hoover Dam, đập thủy điện lớn nhất nước Mỹ, rồi sau đó mới trực chỉ Grand Canyon. Phải 2 giờ trưa may ra mới đến nơi.”
Mặt trời đã xóa tan lớp sương mù dày đặc buổi sáng, chiếu sáng xuống sa mạc Nevada và Arizona tỏa nhiều nhiệt lượng hơn. Trời ấm dần khi mặt trời lên cao và có màu đỏ đậm. Lucia chợp mắt được một thời gian khá dài. Nàng thức giấc, cảm thấy bớt lạnh và dễ chịu  hơn vào lúc xe buýt đang rẽ vào khu Hoover Dam. Toàn nhìn Lucia và hỏi:
“Cưng tỉnh ngủ chưa? có bớt  lạnh và khỏe chưa? Chuẩn bị xuống xe và lội bộ thăm khu Hoover Dam hùng vĩ.”
Tấm bảng sơn hàng chữ lớn chào mừng Hoover Dam hiện ra phía trước. Như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, Toàn bắt đầu rót vào tai cô bạn Lucia những điều mà nàng đang muốn biết khi hai người đang nối gót theo đoàn du khách. Toàn nói:
“Du khách đến Las Vegas thường thích đi viếng Hoover Dam và Grand Canyon sau khi đã bỏ nhiều ngày đêm thử thời vận đỏ đen ở các sòng bài tại đây. Hoover Dam là một trong những công trình xây dựng vĩ đại của nước Mỹ. Đập này khởi công từ năm 1931và hoàn thành năm 1935. Đập ngăn dòng nước của con sông Colorado để tạo ra hai hồ nước. Hồ thứ nhất là hồ Mead (1935) và hồ nước thứ hai là Mohave cùng hoàn thành đập Davis trong năm 1950.
Khi xây đập nước này 5,218 công nhân có thể làm việc trên đồi cao cùng một lúc. Hoover Dam cao 726.4 feet, chiều ngang 660 feet phía đáy và đã cần đến 4,360,000 khối yard bê-tông và có thể cung cấp vào khoảng 150 tỉ kilowatts điện, đủ nhu cầu năng lượng cho hàng triệu cư dân sử dụng trong hai mươi năm.”
Lucia và Toàn tay trong tay nối đuôi du khách đi vòng quanh đập để chụp ảnh, quan sát  những cảnh vật chung quanh. Từ trên cao nhìn xuống phía đáy đập, nước chảy rì rào. Mặt trời đứng bóng rọi xuống nước phản chiếu những tia sáng nhiều mầu sắc rất đẹp. Xem Hoover Dam trong vòng hai tiếng đồng hồ rồi du khách lên xe để tiếp tục vào địa phận bang Arizona.
5-
 Khi ngồi trong xe, Toàn đưa chai nước cho Lucia. Lucia từ chối vì nàng không thấy khát.
Toàn giải thích cho Lucia:
“ Em phải uống nhiều nước liên tục tuy em không cảm thấy khát. Uống nước để giữ sức khỏe.  Theo bản chỉ dẫn cho du khách, vì phải cuốc bộ nhiều giờ để xem phong cảnh Grand Canyon dưới thời tiết khắc nghiệt giữa nóng và lạnh chênh lệch nhiều, nên cần phải ăn uống đủ chất bổ, hoặc  dùng những thức ăn có nhiều muối như potato chips,  salty snacks.  Uống nước hoặc loại “sport drinks”  tạo  nhiều năng lượng, bổ dưỡng nếu phải đi bách bộ trong vòng 30 phút. Thức ăn giúp cho thân thể đủ sức đi bộ còn  phải uống  nửa lít nước và muối giúp cho thân thể bồi đắp khi bị điện giải  (electrolytes) sau lúc đi bộ nhiều giờ. Sau chuyến du lịch về, buổi tối phải ăn nhiều hơn thường ngày. Dịp này không phải là thời gian kiêng ăn “diet” vì nếu thiếu bồi dưỡng sẽ bị bệnh sau vài ngày đi chơi. Cưng nghe rõ chưa?”
Nghe Toàn nói xong, Lucia mở chai nước “tu” một hơi rồi bóc gói potato chip và các loại nuts ra nhâm nhi ngay. Nhìn thấy thế, Toàn khen Lucia:
- Anh rất vui khi được “take care” một cô  bé rất “ngoan” và dễ mến!
Đến khu vực Grand Canyon,  xe buýt dừng lại tại khu Grand Canyon Visitor Center có quán sách, văn phòng chỉ dẫn du khách, khu ăn uống, chỗ mua đồ lưu niệm để hành khách ăn trưa và thư giãn một lúc.
Lucia theo sát Toàn vào khu mua đồ lưu niệm. Nàng mua hai chiếc “mugs” có in hình Grand Canyon tại quày hàng của National Geographic.
 Đôi bạn đưa máy ảnh nhờ một du khách chụp ảnh hộ khi hai người đứng trước tấm phóng ảnh rất lớn có dãy núi Grand Canyon hùng vĩ. Sau đó, tay trong tay, đôi bạn dắt nhau vào nhà hàng ăn trưa và mua thêm nước để uống khi đi viếng cảnh Grand Canyon. Toàn nói với Lucia:
“Năm nay, Grand Canyon National Park tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 90 nhưng thật ra người ta đã khám phá và đến xem phong cảnh này từ những ngày xa xưa, nghĩa là lâu lắm rồi. Tổng thống Wilson đã ký lệnh công nhận Grand Canyon National Park ngày 26 tháng 2 năm 1919.  Từ ngày đó đến nay có nhiều công lệnh, và nhiều vị Tổng thống ký những  quyết định tu sửa công viên. Đến năm 1975 “ Grand Canyon Enlargement Act “cho phép công viên nới rộng  thêm như khu vực chúng ta trông thấy hiện  hữu.”
Vừa đi Toàn vừa nói cho Lucia  biết thêm một vài khái niệm về nơi đến thăm viếng. Lucia chú ý nghe và rất thích thú kiến thức  khái  quát  này.
“Grand Canyon chia ra thành hai “Rims”: South Rim và North Rim cách nhau theo đường bộ 215 miles (356 km). South Rim ở trên độ cao 7,000  feet (2,100 m) có nhiệt độ 50-80  độ F (10-30  độ C) về mùa hè và 20-50  độ F  (- 7 đến 10 độ C) về mùa đông. North Rim ở độ cao 1,000 feet (300m) và chênh lệch vào khoảng 10 độ F (6 độ C), khí hậu lạnh hơn so với South Rim.
South Rim mở cửa đón du khách suốt năm trong khi North Rim chỉ mở cửa giữa tháng Năm cho đến giữa tháng Mười. Tuyết phủ đầy North Rim về mùa Đông và ít tuyết hơn ở South Rim. “
Theo dòng du khách đi thăm viếng, Lucia và Toàn đi bộ băng qua công viên rất rộng để đến địa điểm quan sát núi đá Grand Canyon. Nhìn cây cối trong công viên chỉ còn một ít  lá đổi sang màu đỏ, màu vàng bám vào cành cây. Đống lá rụng xuống các gốc cây bị khí hậu lạnh ẩm ướt nên đổi mầu sậm và bùn. Mặc dù đã xế trưa, du khách vẫn còn giẫm chân trên vài đám tuyết chưa tan hết. Chỉ nghe tiếng gió thổi mạnh, không nghe tiếng chim chóc hay thú vật nào khác. Tiếp theo, đoàn du khách  bách bộ theo đường mòn  nhìn  mặt trời chiếu xuống dãy Grand Canyon từng phút từng giờ thay đổi cường độ và góc độ ánh sáng, mầu sắc trên các dãy núi đá trước mặt. Có lúc du khách hít gió mạnh đập vào mặt mình. Nghe tiếng nước chảy rì rào một cách mơ hồ vì dòng sông Colorado đang luân lưu từ dưới vực sâu trong khi du khách ở trên bờ rất cao. Cảnh rất lạ và đẹp, thật thần tiên!  Nhất là khi có dịp xem mặt trời lúc bình minh, xem mặt trời khi hoàng hôn ánh sáng như kéo chạy trên dãy núi đá thay đổi mầu sắc thật tuyệt vời. Những nơi mà du khách đứng xem cảnh hùng vĩ của Grand Canyon ngày hôm nay là món quà rất quý của nhiều thế hệ trước đây đã bỏ rất nhiều công sức để tạo nên. Du khách được thụ hưởng công lao, trí tuệ của nhiều người đóng góp vào. Những công trường  hiện nay vẫn tiếp tục những công trình nới rộng, mở mang đường xá, xây dựng thêm tiện nghi và tạo sự hấp dẫn thêm cho du khách những ngày tháng tới. Sau những giờ đi ngắm hàng dãy núi đá dài bất tận của Grand Canyon, du khách lên xe trở về lại Las Vegas. Toàn quay sang Lucia và hỏi:
“Lucia, le piace?” (Lucia, em thích chứ?)
Lucia mỉm cười, trả lời ngay:
“Si, mi piace...” ( Vâng, em thích...)
Lucia rất vui vì được Toàn hướng dẫn chuyến đi chơi xa ở ngoài trời  được chiều chuộng và thương yêu như nàng mong ước. Nàng thủ thỉ với Toàn:
“Chuyến du lịch này với anh, em sẽ nhớ mãi!”
Cô gái Ý dơ tay lên vẫy và nói:
“Arrivederci Grand Canyon! “ (Tạm biệt Grand Canyon) khi xe buýt từ từ chuyển bánh.
Một luồng gió rất  mạnh thổi qua, những chiếc  lá rụng nơi sân xi-măng  ở chỗ đậu xe bốc lên và xoay tít trên không. Lucia tưởng tượng như Thiên Nhiên vẫy tay chào nàng. Nàng mỉm cười đưa tay lên môi làm một động tác “hôn gió” để đáp lại.

6-
Chiếc xe buýt của hãng du lịch “Dragon Tour” về đến bến tại thành phố Westminster lúc 8 giờ tối. Toàn và Lucia nhận hành lý và gọi taxi đi về nhà. Nhà Toàn là một biệt thự tọa lạc trên một con đường nhìn ra biển Thái Bình Dương. Lucia bước xuống xe, Toàn kéo hành lý của nàng và của chàng, hướng dẫn Lucia đi vào nhà. Toàn mở cửa, bật đèn. Một phòng khách lộng lẫy dưới ánh sáng êm dịu từ chùm đèn tỏa ra. Lucia thốt lên tiếng khen:
 “Nhà của anh Toàn đẹp quá!”
Bản tính “tò mò” cũng như muốn “double- check” của Lucia nổi lên. Nàng nói ngay với chủ nhà:
“Anh Toàn, chỉ cho em bathroom, em cần…”
Toàn dẫn Lucia đến bathroom, tiện tay chàng bật đèn hộ nàng. Lucia nhoẻn một nụ cười rồi nhỏ nhẹ: ”Cám ơn Anh”. Lucia bước vào trong, nàng gài cửa rồi quan sát, nàng lẩm bẩm: “Đúng là tổ ấm của một ông độc thân”!
Sở dĩ nàng muốn vào phòng này không vì nhu cầu cá nhân mà muốn biết Toàn có đúng “không bận thê nhi” như chàng đã thổ lộ hai ngày trước đây khi gặp nàng lần đầu tại Las Vegas. “Mùi đàn ông” phảng phất với những đồ dùng bày trước mắt nàng như lotion after shave “Aqua Velva Ice Balm”, chai “ California L’eau de Cologne en atomiseur pour hommes”  cùng một chiếc khăn tắm mầu sậm duy nhất. Chẳng có một đồ đạc hay dấu vết gì của phái nữ nơi đây cả. Nàng yên chí đi ra phòng khách.
Toàn nhủ Lucia đi theo chàng. Toàn giới thiệu các phòng trong nhà để Lucia tiện sử dụng:
“Đây là hai phòng ngủ. Em chọn phòng nào cũng được rồi kéo hành lý vào. Lấy quần áo ra treo vào tủ. Đây là phòng ăn và bếp. Đây phòng giặt, sấy quần áo. Trong khi em sắp xếp áo quần, tắm rửa… anh lái xe ra phố mua một ít thực phẩm, rau cỏ, tối nay chúng mình nấu cơm ăn tại nhà. Ngày mai sẽ tính chuyện đi ra ngoài phố ăn nếu em thích.”
“Vâng, ý kiến này hợp với Lucia. Em đề nghị với anh, tối nay em sẽ nấu món ăn của Italia đãi anh, Lucia từ nhỏ đến lớn,  mẹ em không có nhiều thì giờ rảnh rỗi để truyền cách nấu những món ăn Việt cho em. Em lấy chồng người Ý năm năm chỉ ăn món ăn Ý và nấu toàn món Ý. Em chỉ biết làm một món “đặc sản Việt Nam” duy nhất  là món “chả giò cua bể” mà mẹ em thường làm riêng cho gia đình ăn vì bố em và em rất thích món ăn này. Rồi mẹ em bận trông coi nhả hàng ristorante italiano cũng chỉ nấu toàn món ăn của Ý nên em chẳng học được món ăn Việt Nam nào thêm.”
“Đi chợ, anh mua cho em loại thịt bò để làm beefsteak, rau xà lách đủ loại đã làm sẵn đóng gói, chai Italian dressing (light), một hũ Dijon Mustard with honey, cà tomate, hai củ hành tây lớn mầu trắng (white onions)…và đừng quên  chai  rượu vang đỏ loại Cabernet Sauvignon, OK!”
7-
Mùi chiên xào đồ ăn trong bếp tỏa ra thơm lừng.
 Toàn nhìn Lucia mang “tạp dề” đang đứng trước bếp trổ tài nấu nướng rất thiện nghệ. Nàng như người nhạc công điều khiển dàn trống đang “solo”  trong một ban nhạc, tay nàng bốc miếng  thịt bò bỏ vào chảo, tay khác đảo nấm, hành, cà chua, ớt… thêm chút nuớc Maggi, bơ Bretel,  thêm gia vị. Hình như theo một thứ tự, lớp lang có sẵn trong đầu nàng. Toàn quan sát tỉ mỉ thấy Lucia không lúng túng, không lo âu, có lẽ vì nàng đã quá quen nấu những món ăn này.
Toàn hỏi nàng:
 “Potrei vedere il menu, per favore?”
(“ Tối nay cho anh thưởng thức món ăn nào?”)
Lucia trả lời:
“Em nói chậm để anh nhớ hoặc ghi vào giấy nhé:
Menu gồm có “Crema di funghi” hoặc “Zuppa di cipolle”, anh thích loại nào?”
“Món “xúp nấm”, “xúp hành”. Em cho xúp hành nhé!”
“OK, nghe tiếp:
“Spaghetti aglo, olio e peperoncino”, nghe rõ không?”.
Như một thông dịch viên, khi nghe xong một câu tiếng Ý do Lucia nói, chàng dịch ngay ra tiếng Việt đề Lucia kiểm lại chàng có hiểu sai ý của nàng không.
“Rõ, mì xào tỏi, dầu và ớt”
“Đến món chính:“Bistecca di manzo
(Bít-téc)
Lucia khen:
 “Đúng, giỏi…
 tiếp theo “Insalata di pomodori”
(Xà lách trộn cà chua…)
“Vino rosso”
(Rượu vang đỏ)
“Tráng miệng:
 “Frutta”, Caffè, Tè con limone, Acqua…”
(Trái cây, Cà phê, Trà chanh và Nước…)
Lucia nhìn Toàn bằng một ánh mắt âu yếm như người vợ trẻ mới vừa về nhà chồng, nàng nói:
“Không ngờ “một bồ tiếng Ý của anh” cũng kha khá nhỉ!”.
Toàn chuẩn bị bàn ăn. Chàng đặt các ly, đĩa, muỗng, nĩa. Một  lọ hoa hồng giữa bàn. Hai đèn cầy mầu xanh ngọc. Chai rượu vang đỏ Cabernet Sauvignon chàng chọn do Robert Mondavi Napa Valley sản xuất. Mondavi là người chế tạo rượu vang Hoa Kỳ rất nổi tiếng  được thế giới biết tên tuổi. Gia đình Ông từ nước Ý di cư sang Hoa Kỳ sinh sống từ nhiều thập niên ở cái nôi của rượu vang nổi tiếng của Hoa Kỳ: “Napa Valley, California”.
Mondavi đã được Tổng thống Cộng Hòa Pháp ân thưởng huy chương cao quý của nước Pháp “Bắc Đẩu Bội Tinh”(Chevalier de la Légion d’honneur) về tài sản xuất rượu vang.
8-
Bữa ăn thật thơ mộng.
Toàn không ngờ bữa ăn tối đầu tiên tại California của hai người bạn mới quen nhau lại diễn ra tại ngay nhà chàng mà không phải tại một nhà hàng sang trọng nào khác. Thêm vào đó, Toàn được thưởng thức những món ăn ngon do chính tay Lucia trổ tài nấu nướng. Toàn nâng  ly rượu vang lên và nói:
"Alla salute! Lucia!" (chúc sức khỏe Lucia!!)
"Chúc sức khỏe Toàn!", Lucia đáp.
Toàn âu yếm nhìn Lucia và nói:
"Molte grazie, Lucia" (Cám ơn Lucia).
Toàn nhâm nhi những món ăn Ý do “chef cook Lucia” trổ tài rất ngon miệng. Uống mấy ly vang đỏ nhìn Lucia ngồi đối diện trước  ánh nến lung linh chàng trông nàng như một cô gái đẹp trong truyện liêu trai. Toàn cứ tưởng mình sống trong giấc mộng, e sợ khi tỉnh giấc người đẹp trước mặt sẽ biến mất như những truyện chàng  đã đọc. Lucia làm chàng quay về thực tại khi nghe nàng nói:
“Chúng mình ra phòng khách, vừa uống cà phê, vừa nghe nhạc. Em muốn anh cho em nghe bản nhạc mà em yêu thích Serenata (Rimpianto) của Enrico Tocelli hát bằng tiếng Ý.”
Đôi bạn ra ngồi trên ghế salon phòng khách.
Toàn tìm dĩa nhạc “A Ticket to Italy” bỏ vào máy. Rồi quay sang nói với Lucia:
“Anh cũng còn gần mười dĩa nhạc Ý, có một dĩa “Enrico Toselli (Le romanze ritrovate)” có bản Serenata do Fabio Armiliato trình bày theo lối opera giọng Tenor cũng nghe lạ tai.
Những âm thanh khúc Introduction mở đầu trổi lên, Lucia hát theo, giọng nàng Soprano cũng khá hay:
“Come un sogno d’or
scolpito è nel core
Il ricordo ancor’ di quell’amor
che non esiste più
 
Fu la sua vision
Quial dolce sorriso
che più lieta fa,
col suo brillar, la nostra gioventù.
 
Ma fu molto breve in me
la dolcezza di quel ben svani
quel  bel sogno d’or
lasciando in me il dolor.
 
Cupo  è l’avenir sempre più tristi
i  di la gioventù passata
sarà rimpianto
mi resta sol
sì rimpianto amaro e duol’ nel cor!
Uh raggio di sole
Sul mio cammino ahimè non brii li più
Mai  più, mai più.”
Bản nhạc chấm dứt. Toàn vỗ tay. Lucia vẫn chưa ra khỏi âm hưởng lời ca rất trữ tình của nhạc khúc. Toàn nói với Lucia:
“Em có biết bản Serenata này trong lời ca tiếng Việt là gì không?”
Lucia ngạc nhiên hỏi lại:
“Có lời ca bằng tiếng Việt à? Có hay không? Em sinh ra tại Ý, nên không biết và không nghe ai hát cả.”
“Lời Việt do nhạc sĩ Phạm Duy viết với nhan đề “Chiều tà” khá hay và cũng nổi tiếng như phần âm nhạc của Tocelli vậy.”
“Anh có thể đọc chậm chậm cho em nghe được không?”
“Sure, hãy nghe:
”Lắng trầm tiếng chiều ngân. Nhạc dìu dặt ái ân. Người ơi! Nhớ mãi cung đàn. Năm tháng phai tàn. Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng. Đã quên hết sầu chưa? Lời này là tiếng xưa. Quỳ dâng dưới nắng phai mờ. Bên gối ơ thờ, Ơi tiếng tơ tình mong chờ. Chiều êm êm đưa duyên về người. Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời. Người hỡi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến. Như chuyện thần tiên. Niềm mơ xưa là đó. Cho ta nâng niu lời ca. Chiều mơ không gian. Hờ hững cõi Thiên Đàng. Thuyền trôi trên sông xa đừng chờ. Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà. Nhạc chiều của chúng ta. Là câu ân ái muôn đời. Bóng đã xế rồi, Hãy nép trong cõi đời. Tình yêu mãi mãi.”
“Lời Việt thật hay nhưng như anh đã nghe lời bằng tiếng Ý em đã hát đem so sánh với ý nghĩa của lời Việt thì lời ca trong tiếng Việt không diễn tả đúng nội dung nhạc sĩ Enrico Toselli muốn gửi gắm vào.”, Lucia tỏ bày cảm nhận.
Toàn nói:
 “Anh hiểu. Ngay câu mở đầu “ Come un sogno d’or scolpito è nel core… mà anh hiểu “  Như một giấc mơ vàng mĩm cười mãi mãi trong hình ảnh của một tình yêu hạnh phúc…” và bốn chữ câu cuối: Mai più, mai più.” Có nghĩa “ Hãy trở lại, hãy trở về!”
Đêm mùa thu, trời Nam California bỗng trở lạnh đột ngột, nằm nghe tiếng gió thổi rất mạnh và tiếng sóng biển động ầm ầm bên ngoài. Lucia vẫn cảm thấy ấm áp như cô gái vừa mới về nhà chồng đêm tân hôn.
 
9-
Lucia và Toàn nối đuôi hàng dài theo đoàn du khách viếng thăm tháp Space Needle. Sau thế chiến lần thứ hai, năm 1962, thành phố lớn của vùng Tây Bắc Hoa Kỳ là Seattle nằm phía bờ Thái Bình Dương được đứng ra tổ chức Hội Chợ Quốc Tế (International Fair 1962 USA). Giống như Tour Eiffel (Tháp Eiffel) ở Paris, nước Pháp xây dựng cho Hội Chợ Quốc Tế Paris thì Space Needle xây dựng cho Hội Chợ Quốc Tế Seattle, USA 1962. Những du khách xem Hội Chợ tặng ngôi tháp tân tạo này danh hiệu “ Eiffel Tower of The Pacific” (Tháp Eiffel của Thái Bình Dương). Khởi công từ 1961 dùng ba loại vật liệu chính là thép, xi-măng và kính để xây dựng. Tổn phí khoảng 4,5000,000 USD do Edward E. Carlson vẽ kiểu.  Lúc bấy giờ, tháp Space Needle  được xem như một kỳ quan mới của thế giới và là nơi du khách tham dự hội chợ  chú ý nhất. Đứng dưới chân tháp xây dựng bằng ba trụ thép khổng lồ nghiêng nghiêng chụm lại, nhìn lên cao thấy một vành tròn rất rộng (138 feet / 42 mét) bằng kính, đó là đài quan sát phong cảnh 360 độ và một nhà hàng ăn sang trọng. Thang máy có thể chuyển khách từ mặt đất lên cao trong nháy mắt.
Đứng trên tháp cao (605 feet/184 mét) nhìn xuống thành phố Seattle đầy nhà chọc trời, Lucia thấy những chiếc xe hơi bé tí ti như đồ chơi của trẻ con đang nối đuôi di chuyển  trong đường phố cùng những xa lộ phía dưới và xa xa ở hướng đông-nam, ngọn núi Rainier chỏm nhọn phủ tuyết trắng trông thật hùng vĩ.
Vào phòng triển lãm, đôi bạn nhìn thấy một đồ thị so sánh những  kiến trúc có chiều cao như  tháp cao (như Tour Eiffel),  và các nhà chọc trời (như Empire State Building) đã xây dựng trên quả đất chúng ta, Space Needle của Seattle cũng được xếp về loại kiến trúc với  chiều cao có hạng trên thế giới. Lucia và Toàn ngồi trong tháp cao, thưởng thức món ăn, nhất là nhâm nhi cốc cà phê nóng, thơm... thật tuyệt vời!  Seattle là nơi sản xuất những loại cà phê ngon nổi tiếng như Starbucks Coffee, Tully’s Coffee, Seattle’s Best Coffee. Uống một ngụm cà phê Starbucks, bỗng hình ảnh người bố thân yêu của Lucia hiện về trong trí nàng.  Lucia kể cho Toàn nghe về người bố:
“Bố em rất nghiện cà phê thơm ngon. Mà nước Ý cũng là cái “nôi” của cà phê ngon trên hành tinh của chúng ta.  Em không nhớ rõ hãng cà phê nào ở Seattle này đã “bắt chước” lối sản xuất và khai thác thương vụ của cà phê Ý để áp dụng tại Hoa Kỳ. Em chưa có dịp thưởng thức cà phê Việt Nam loại  Ban-mê-thuột nổi tiếng “Cà-phê Chồn” và “Café Martin” ở Saigon ngày xưa (trước 1975) mà bố em thường khen ngợi, để biết cà phê này ngon đến mức nào.
Thời ông Chivarolli, bố của Lucia còn trẻ, sau khi tốt nghiệp đại học, bỗng đâu dòng máu giang hồ lãng mạn nổi lên. Ông gia nhập vào tổ chức thiện nguyện quốc tế để được đưa đi hoạt động trong vài nước ở Á đông vào giữa thập niên 1960. Lúc đầu ông được đưa sang Đài-Loan để được huấn luyện và thực tập công tác. Vài tháng sau đó toán thiện nguyện quốc tế của ông chuyển đến Việt Nam, ban chỉ huy đóng ở thành phố  Đà nẵng. Ông được phân công công tác tại tỉnh Quảng Nam và trú tại Hội An. Ngày ngày đi đến các làng quê để giúp dân chúng địa phương xây dựng trường học, đào mương rạch làm thủy lợi, đào giếng nước, phát thuốc men trị bệnh thông thường, cứu trợ thiên tai, bão lụt... có lúc cả toán về lại Hội An để dạy Anh văn miễn phí cho học sinh, sinh viên. Thời gian sau đó, toán của ông được điều động ra thành phố Huế và hoạt động trong các làng xã ở tỉnh Thừa Thiên. Nhiều lúc đi công tác thiện nguyện bằng xe hơi, đôi lúc dùng xe gắn máy hay bằng ghe thuyền do chính quyền địa phương cung cấp. Một ngày kia vào tháng giêng dương lịch năm 1968, trong chuyến đi phát thuốc cho dân tại vùng Vĩ Dạ gần thành phố Huế, bố em được một cô gái chừng mười bốn, mười lăm tuổi tin cho biết hãy rời vùng này ngay, tìm đường khuất vắng, thay đổi áo quần khác, bỏ lại xe Honda và đồ đạc không cần thiết để trở về thành phố gấp vì cô ta phát hiện có nhiều người thanh niên lạ mặt xuất hiện mà cô nghi là Vi-Xi nguy hiểm cho người ngoại quốc như bố em. Nghe tin này, bố em cùng các người bạn nhờ cô gái hướng dẫn lối nào an toàn và gần nhất để đi.  Họ lẩn trốn theo các lùm cây rậm và đến bờ sông cách Đập Đá gần hai cây số. Bơi qua khúc sông ngắn đó về đến Huế đúng vào nửa đêm khi lực lượng bộ đội Việt Cộng tấn công bất thần Tết Mậu Thân. Bố em thoát chết. Còn những người Việt đang tập trung tại nơi đó độ hai giờ sau bị Vi-Xi bắt và đem chôn sống trong những mồ tập thể.
Một năm sau, ông mãn khế ước nên về sống ở thủ đô Saigon như một khách du lịch. Thời gian sống tại Việt Nam, ông rất thích các món ăn Việt Nam, nhất là uống cà-phê với sữa đặc theo “gu Việt Nam”. Ông sưu tập được một số tapes nhạc Việt Nam do Jo Marcel, Shotguns và Phạm mạnh Cương sản xuất. Nhờ vậy mà mẹ em và em tuy sống ở Ý mà cũng nghe được nhạc Việt bằng máy magnétophone. Ông luôn luôn nhớ ơn cô gái Việt vô danh đã cứu ông sống sót. Nếu không hay biết hoặc chậm trễ, bố Chivarolli của em cũng cùng chung số phận với những người dân địa phương trong vụ Việt cộng thảm sát thường dân  và người ngoại quốc trong thời gian Tết Mậu Thân tại Huế rồi. Khi về lại nước Ý ông mở tiệm ăn “Chivarolli Ristorante Italiano”.
 Theo bố em kể lại, ông vẫn mong có dịp được thưởng thức lần nữa các món ăn đặc biệt của Việt Nam. Một thời gian khá lâu sau đó, khi một cô gái Việt nói tiếng Bắc đến xin làm nhân viên tại tiệm ăn của ông. Ông đã chấp thuận và người phụ nữ đó thời gian sau là Bà Chivarolli, sinh ra em.  Bà biết nấu những món ăn Việt mà bố em luôn ước mơ. Bố em rất thương yêu và quý mến mẹ con em. Em sống thời thơ ấu và thời cắp sách đến trường thật tuyệt vời bên người bố “xem Việt Nam như một nơi chốn thân quen của ông”.
10-
Từ ngày tiễn đưa cô bạn Lucia về lại New York, Toàn cảm thấy cuộc sống thường nhật hiện nay của chàng xáo trộn rõ rệt. Trước kia Toàn cảm thấy đời sống của một người đàn ông độc thân rất thoải mái và ngày tháng cứ trôi qua chàng chẳng bao giờ để ý đến ngày mai. Nay Lucia đi rồi. Nàng đã để lại cho Toàn một nỗi nhớ nhung man mác. Những lúc thức dậy buổi sáng, những lúc đi ngủ ban đêm Toàn mới thấm thía nỗi cô đơn của người đàn ông thui thủi một mình. Toàn bắt đầu gặm nhấm “hương gây mùi nhớ”.
Toàn nghĩ lại lúc gặp Lucia tình cờ ở Las Vegas. Lucia nhờ Toàn giúp nàng rong chơi những ngày nàng sống ở vùng  đất phía Tây Hoa Kỳ. Toàn nhận lời và chàng cũng nghĩ  chỉ là vui qua đường, rồi thôi. Rồi  sau đó ai về chốn  nấy.
Chàng cùng Lucia đi du lịch Grand Canyon (Arizona), Nam California, San Jose, San Francisco, Sausalito,  Reno, Seattle... Những ngày vui, thơ mộng, tay trong tay với Lucia trôi qua rất nhanh.Trong lúc đó, Toàn không bao giờ nghĩ đến lúc phải chia tay với Lucia. Bên cạnh đam mê và tình cảm đang diễn biến suông sẻ, Toàn không nghĩ ngợi đến  ngày mai sẽ phải đưa nàng về lại với gia đình nàng. Lý trí của Toàn luôn luôn bắt chàng lý luận “trước đây bao nhiêu năm, không biết  Lucia thì sao? Cuộc sống độc thân của chàng vẫn vui vẻ trôi qua dễ dàng.”
 Nhưng ngày qua ngày, chàng nhận thấy Lucia như cục đá nam châm đã thu  hút chàng lại với nàng. Tình cảm của chàng hòa hợp khắn khít với Lucia. Lucia thường khuyến khích và mời gọi Toàn  qua New York sống với nàng. Toàn chưa quyết định dứt khoát. Cứ nghĩ “tới đâu hay tới đó, hạ hồi phân giải...”
 Rồi đến lúc phải chia tay khi ra phi trường tiễn  Lucia về lại New York. Toàn ôm hôn Lucia và nói:
“ Arrivederci, Lucia, buon viaggio!” (chào tạm biệt Lucia, chúc thượng lộ an bình!)
Lucia ngấn lệ đáp lí nhí:
“Molto grazie, Toàn, a più tardi.” (Cám ơn Toàn, hẹn gặp lại.)

 
11-
Một tháng trôi qua... Toàn cố  gắng  sống  bình thường trở lại thời độc thân vô tư lự trước đây nên chàng không liên lạc với Lucia dù rằng chàng nhớ nhung nàng rất nhiều. Điện thoại bên cạnh, Email cũng sẵn sàng nhưng chàng bắt lý trí chàng phải chống chọi lại với đam mê và nhung nhớ. Toàn nhớ lại hai câu thơ:
“Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây lát mà thành thiên thâu...”
như nhà văn Khái-Hưng và nhà thơ Thế-Lữ đã chuyển bài thơ Sonnet d’ Arvers của thi sĩ Félix Arvers:
“Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment concu.”
Rồi...
Sáng nay ra mở thùng thư trước nhà, chàng thấy có thư của Lucia. Toàn cố gắng kèm chế tình cảm nhưng đành chịu thua con tim.
“ Mea Culpa! “, Toàn nhủ thầm.
Quả tim chàng bỗng đập loạn xạ khi tin mừng vừa đến. Toàn thấy vui vui áp phong bì thư vào ngực mình khi từ sân trước nhà bước vào phòng khách. Toàn mở thư ra và những dòng chữ của Lucia nhảy vào đôi mắt của chàng:
 
New York ngày...... tháng..... năm 2010
Anh Toàn yêu mến,
 
Lucia về lại nhà đến nay đúng bốn tuần lễ. Tuy luôn nhớ anh nhưng em phải chờ... để tự kiểm tra sức khỏe khác lạ nơi em, để  báo “tin mừng này của em” đến anh.
Cám ơn anh. Kết quả như ước muốn chân thật của em mà em đã đề nghị với anh khi chúng mình dạo chơi thắng cảnh ở Miền Tây nước Mỹ.
Riêng anh, nghe tin này, anh thấy thế nào?
 Nếu con trai, em sẽ đặt tên “Rainier” để kỷ niệm rặng núi hùng vĩ  ở tiểu bang Washington, “Cao Nguyên Tình Xanh” mà đôi ta đã đặt chân đến đó. Còn con gái, em sẽ gọi tên con là ”Clara” để nhớ “Thung Lũng Hoa Vàng” thơ mộng  ở quận hạt Santa Clara, miền Bắc California.
 
Anh Toàn,
Cô đầu bếp chuyên môn nấu món ăn I-ta-li-a cho anh ăn đã đi xa rồi. Anh đã tuyển được“O” nào nấu Bún Bò Huế, “cô” nào nấu Mì Quảng, “nàng” nào nấu Bún Thang ... cho anh đổi khẩu vị chưa anh?
Riêng em rất thỏa mãn và bằng lòng với hiện tại. Em đã ba mươi hai tuổi, sau năm năm sống đời sống vợ chồng trước đây bên Ý, nay chỉ ước mong có một đứa con, dù trai hay gái... để mẹ con vui với nhau khi em qua tuổi năm mươi.
Như em đã từng nói với anh:“ Đời sống rất ngắn ngủi, phải tận hưởng thú vui ở đời nhưng phải chung thủy và thánh thiện.”
Từ  nay trong những thư kế tiếp, em cố gắng diễn tả cho anh theo dõi sự tiến triển hàng ngày “giọt máu của anh” mà em đang mang trong bụng cho đến khi em khai hoa nở nhụy. Anh có thích không?
Từ khi về lại nhà, hàng ngày em cảm thấy thiếu vắng anh. Em chỉ ước mong có một ngày nào đó thức giấc thấy anh ở bên cạnh.
“Ti amore molto!”(yêu anh rất nhiều!)
Lucia Chivarolli
Đọc thư Lucia xong, nỗi buồn của Toàn cũng giảm bớt vì biết Lucia đang vui vì “kết quả” như ý nàng muốn. Nhớ lại những lúc kề cận bên  nhau, Lucia cứ đề nghị chàng qua New York sống với nàng. Toàn đứng coi sóc nhà hàng ăn “Ristorante Italiano” của gia đình nàng. Hoặc cho nàng một đứa con, để nàng vui khi tuổi già. Chàng nghĩ mình đã bốn mươi tuổi cũng nên lập gia đình và nàng cũng ba mươi hai rồi. Thời gian trôi qua nhanh lắm, đừng bỏ lỡ cơ hội vàng son này.
 
12-
Toàn nhớ lại khung cảnh thơ mộng của thành phố Sausalito, vùng bên kia cầu Golden Gate, San Francisco mà Toàn đã đưa Lucia đến vui chơi. Những quán ăn, tiệm cà-phê đã gợi Lucia nhớ đến những thành phố nho nhỏ thơ mộng  ven biển bên nước I-ta-li-a của nàng. Buổi sáng sớm đầy sương mù nhìn những chiếc thuyền rời bến cảng để ra biển hoặc những buổi chiều tàu trở về bến, quang cảnh sinh hoạt ở nơi đây sao có nhiều nét giống hệt nước Ý của quê nàng. Từ  âm nhạc ở một vài ristorantes vọng ra, hương cà phê espresso, capucino, mùi xào nấu thức ăn ...  Lucia tưởng tượng thử nhắm mắt lại, nếu nghe nhiều tiếng nói Italiano bên cạnh hơn nữa thì như là nàng vẫn đang sống ở quê nhà. Lucia thủ thỉ với Toàn:
“Nếu em biết trước, tại nước Mỹ mà có một góc Little Italy như thành phố Sausalito này, thì em đã đề nghị với mẹ em di cư qua đây làm ăn hơn là định cư tại thành phố New York mà các bà con của mẹ em nói là có nhiều dân gốc Ý sẽ dễ sống với ristorante italiano. Đời sống ở thành phố nhỏ ven biển này thơ mộng, êm ả hợp với em hơn là thành phố New York quá lớn, quá hiện đại và “con người phải hối hả theo thời gian”. Chỉ có trường hợp anh qua đó cùng sống với em mới giúp em nỗi buồn xa xứ. Dù sao đi nữa đất nước Italia vẫn là quê cha của em. Em đã sinh ra và lớn lên tại nơi ấy hơn ba thập niên. Quen mọi thứ, quen mọi tập tục, quen ngôn ngữ Italia của cha, tuy em biết sử dụng ngôn ngữ của mẹ. Nhưng nếp sống Âu tây lãng mạn phải có nếp sống khác cũng không kém lãng mạn như  tình nghĩa vợ chồng hay tình mẫu tử may ra mới thay thế dần được. Em ước mong có anh bên cạnh hoặc có một đứa con để tiếp tục vui sống là vậy đó!”
Những lời nói của Lucia như vẫn còn đâu đây. Toàn đang gặm nhấm hoài niệm của hai người. Dù sao Toàn cũng đã đáp ứng được một phần ước muốn của người yêu. Biết đâu thời gian ngắn nữa chàng sẽ làm thỏa mãn được  phần còn lại.
Khi đã yêu, con tim sẽ có những lý lẽ của nó, khó mà biết trước được!

©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CUỜNG

2. NHỮNG MÙA HOA PHƯỢNG VĨ.

NHỮNG MÙA HOA PHƯỢNG VĨ.
Ghi trên huyết phượng, trời xanh thẳm,
Một mối tơ lòng, một vấn vương!
  Tặng các bạn học cũ.
Viết cho Chimène.
1- Duy xuống xe đạp, dắt xe đi ngang qua nhà thờ Nhà Nước. Trời đã sang thu, những cơn gió từ phía sông Hương thổi lên mát lạnh. Một vài cánh hoa phượng-vĩ còn sót lại của mùa hè vừa qua, lả tả rơi theo gió.
"Hết rồi! Hết thật rồi! Không còn gì nữa!"
Duy buột miệng thốt lên sau tiếng thở dài...
  2- Sau Hiệp-Định Genève, Duy theo học lớp Đệ-Tam ban văn-chương trường Khải-Định khi trường còn tạm trú tại phòng lớp mượn của trường Đồng-Khánh. Hiệu trưởng là Giáo sư Nguyễn Hữu Thứ.
Hai trường Đồng-Khánh và Khải-Định tọa-lạc cách nhau một con đường hẹp ngăn giữa, nên những học-sinh thích đùa nghịch như Duy thường đến trường sớm, trèo lên tường để "nghễ" mấy o nữ-sinh bên trường nữ Trung-học Đồng-Khánh.
Một số học-sinh khác thì thích chơi trò hỏi đáp. Trai Khải-Định hỏi: Đ.K? Gái Đồng-Khánh đáp lại : K.Đ! giống như "mật khẩu" trong quân-đội; hai bên đều hiểu,nhưng người ngoài (nếu không phải dân K.Đ hoặc Đ.K) thì chẳng biết “mô tê” gì!
Khi quân-đội Pháp chuẩn-bị hồi-hương theo tinh-thần Hiệp-Định Genève, đã trả ngôi trường Khải Định cho chính phủ Quốc Gia Việt-Nam. Các lớp trung học đệ nhị cấp được dời về lại ngôi trường cũ, đổi tên mới Trường Quốc-Học Ngô-Đình - Diệm rồi trở thành Trường Quốc-Học, tên gọi cũ thời xa xưa. Hiệu trưởng là giáo sư Nguyễn văn Hai.
Chính tại ngôi trường mới này, Duy mới bắt đầu làm quen với cô bạn gái học cùng lớp, ngồi trước chàng hai dãy ghế. Cô mới từ miền Bắc di-cư vào Huế đang còn xa lạ với giọng nói nhanh và đặc-biệt của Huế với “Hỉ, Răng, Mô, Chừ, Chộ, Nghễ...”. Nhiều lúc Duy phải giữ vai trò "thông-ngôn" cho Nguyễn, mặc dù những người bạn chuyện trò với Nguyễn cũng cùng giòng giống "con Rồng cháu Tiên" một trăm phần trăm!
Năm Đệ-Nhị văn-chương sinh-ngữ C, học-sinh rất thích giờ học văn-chương lãng-mạn Pháp thế-kỷ thứ 19 do giáo-sư Ngô-Đốc-Khánh phụ-trách. Học văn-chương lãng-mạn Pháp thế kỷ thứ 19, mà gặp Cụ Khánh say sưa giảng bài thì học-sinh "không lãng-mạn" cũng thành "siêu-lãng-mạn" ngay. Hơn nữa, Duy lại học ban C văn-chương, ngày ngày nghe giảng Lamartine, nàng Elvire, Victor Hugo, Chateaubriand...thì chất lãng-mạn lại càng sinh sôi nẩy nở, bội phần phong-phú.
Rồi thầy Lê-hữu-Mục cho đọc thêm văn-chương Tự-Lực Văn-Đoàn; lại thêm cô bạn xinh xinh cùng lớp, về cùng ngõ như một kích-thích-tố, thì chất lãng-mạn dĩ nhiên phải thấm vào đến tủy!
Để chuẩn bị ngày lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Quốc-Học, Duy và Nguyễn cùng tập dượt kịch và hợp xướng nhiều bài hát.
Rồi với sự khuyến khích của Nguyễn, Duy đã đóng góp hai posters vẽ thật lớn và đẹp : bức "LES ÉTOILES" (vì Nguyễn đã là một étoile xinh đẹp trong màn múa này) và bức "SÉRÉNATA" (do Ngọc-Ấn solo vĩ-cầm để hai nữ sinh cùng lớp trình bày vũ-điệu nhịp ba tư rất chậm này).
Duy nhớ rõ, sau đêm bế-mạc, các bạn cùng lớp Đệ-Nhất Triết và Sinh-ngữ của chàng đã cắt hai tấm posters này ra thành từng mảnh nhỏ để giữ mỗi người một chút kỷ-niệm. Riêng Nguyễn chiếm một mảnh to hơn cả vì nàng bảo với các bạn là nàng có công thúc đẩy và "ra đề tài" để Duy vẽ.Trước lúc ra về Nguyên nói riêng với Duy “ sẽ có một bữa ăn để vinh danh  họa sĩ”.
Để khuyến khích tài của Duy, Nguyễn mời những bạn của nàng ba ngày sau đến nhà nàng thưởng thức món bún thang do nàng nấu. Đa số bạn gốc Huế nên trước đây chỉ biết món bún bò Huế, ít có bạn biết món món bún thang nấu theo lối Bắc này.
Ai ăn cũng khen  lạ và ngon. Bữa ăn tuy đơn sơ nhưng mọi người vừa chuyện trò thân mật vui vẻ lại biết thêm một món bún Bắc. Riêng Duy lại có thêm một kỷ niệm nữa với Nguyễn. Bắt đầu từ đó món Bún Thang theo  Duy suốt cả cuộc đời như một loại thức ăn quen thuộc và “đam mê”. Giống như một văn sĩ đã viết  “con đường nào đi ngang qua nhà của người yêu của mình là con đường đẹp nhất!” còn  Duy thì “món ăn nào của người yêu mình nấu nướng là món ăn nhớ đời vậy. (Ngon hay dở không thành vấn đề!) Nhưng cũng món ăn đó khi người yêu đã nên duyên vợ chồng  lâu rồi thì đôi khi “ cũng có vấn đề!”.
     Những tháng hè, Duy thường rủ các bạn học cùng lớp về quê chàng ở Hội-An để tránh những cơn nóng bức do gió Lào thổi qua miền Bình Trị Thiên và học thêm sinh ngữ  Pháp do thầy Tam Ích , một nhà văn  nổi tiếng sống ở Saigon bị chính quyền “ chỉ định cư trú tại Hội-An” mở dạy tư.
Nguyễn năm nào cũng tham dự. Họ rủ nhau đi cắm trại khu rừng dương dọc theo bờ biển Cửa Đại.
Trời nóng nực, được ngâm mình  dưới nước biển mát thật là thú vị. Tắm biển xong, lên bờ vào các quán bán thức ăn để thưởng thức những món ăn địa-phương như mực khô nướng nhậu với la-de, nghêu nướng, cua luộc, hoành-thánh tôm chiên, cơm gà, hoặc cà-ry nị bánh mì... rồi chuyện trò, ca hát thoải mái.
Những ngày vui chóng tàn nhưng những kỷ-niệm sẽ còn mãi mãi...
3- Ai đã từng sống ở Huế, không thể nào quên được hình ảnh những hàng phượng-vĩ nở rộ đỏ hai bên bờ sông Hương khi mùa hè sang. Tiếng ve sầu trỗi lên như gọi mùa hè. Những tà áo dài trắng của các nữ-sinh vờn trong gió như những cánh bướm lượn lờ trong nắng hè trên cầu Trường-Tiền. Những tà áo như vẫy gọi thi-nhân, như vũ-khúc vào hè đầy gợi cảm.
     Những cánh phượng rơi ngày này sang ngày khác như một tấm thảm đỏ tuyệt đẹp trải dài từ Nhà Ga Huế đến tận Đập-Đá, từ Cầu Gia-Hội cho đến Cầu Bạch-Hổ...
     Duy nhớ lại mùa hè năm trước khi cùng đạp xe song song với Nguyễn từ con đường Hàng Me nổi tiếng có nhiều giai nhân  mang mỹ danh “My” sang đường Lê Lợi để lên ga Huế ăn những ly chè nấu đặc biệt và thơm ngon, cô bạn gái chính gốc Hà-Nội tên Nguyễn nhìn ngắm những cánh hoa phượng rực đỏ như xác pháo rơi theo gió mát từ sông Hương  thổi lên khi ngang qua khu Tòa Khâm cũ,  nàng rất xúc động khi hồi tưởng lại những mùa hoa phượng ở miền Bắc trước khi nàng di cư vào Nam. Nhất là thành phố cảng Hải Phòng được gọi “ Thành Phố Hoa Phượng Đỏ”.
 Nguyễn chợt thốt lên :
“Ôi đẹp tuyệt! Tại sao các nhạc-sĩ Việt-Nam ít ghi lại ý nhạc về những cánh hoa rực rỡ này.
Chỉ có một vài nhạc phẩm không đủ thỏa mãn cho số đông học sinh mê những cánh hoa “học trò” này.”
Nàng biết Duy đã theo học lớp sáng tác ca khúc nên Nguyễn nói với Duy:
“Hay là Duy thử sáng-tác một vài nhạc-phẩm theo đề-tài này đi.”
Duy cười với Nguyễn nhưng không nói gì.
Thật ra, Duy nhận ra vẻ đẹp của hoa phượng qua hình dáng diễm-kiều của Nguyễn lúc đó. Và trong đầu chàng không những một nhạc-phẩm mà là rất nhiều ý nhạc cho loài hoa "học trò" này đã được gieo mầm trong trí Duy.
Tối hôm ấy về nhà trọ, một tay trên phím đàn dương-cầm, một tay ghi lại ý nhạc, Duy đã viết ba khúc hát chia tay ngày hè : Mùa Hoa Phượng-Vĩ, Men Nhạc Chiều và Ép Hoa Giữ Làm Tin.
   4- Ngày Duy trao tặng Nguyễn ba bản nhạc vừa mới được nhà xuất-bản in xong, chưa ráo mực cũng là ngày Nguyễn đến thăm Duy để báo tin cho Duy biết gia-đình nàng sắp dời vào Nam.
Đó là năm cuối trung-học, Duy và Nguyễn còn học chung với nhau tại Huế. Nguyễn không còn ở gần nơi Duy trọ nữa, nhưng chính nhờ cách xa như vậy bắt buộc Nguyễn và Duy phải nhờ những lá thư làm nhịp cầu tri-âm. Trong thư dễ "nói" những gì mà khi gặp mặt đã không nói được. Tình yêu đơn-phương của Duy được biến-thể song-phương lúc nào không rõ. Hai bên cha mẹ cũng đã rõ mối tình thơ mộng đó và chờ ngày “hai đứa” ra trường đại-học...
 Mỗi khi nhạc-phẩm của Duy đã tặng Nguyễn được trình bầy trên làn sóng điện đài phát-thanh Sàigòn hay đài Quân-đội đều được Nguyễn theo dõi và thông báo cho Duy biết để cùng thưởng-thức.Qua nhiều lá thư của Nguyễn, Duy được biết bản "Mùa Hoa Phượng-Vĩ" đã do ca-sĩ Ngọc-Giao trình bày lần đầu tiên trên đài phát-thanh Sàigòn với ban nhạc Hoa-Đăng. Bản nhạc này cũng được Thanh-Song và Thùy-Minh hát nhiều lần trên đài phát-thanh Huế. Bản "Men Nhạc Chiều" do Ban Hợp-xướng Vũ-Văn-Tuynh trình bày hợp-ca nhiều bè cùng dàn nhạc hòa-tấu. Bản "Ép Hoa Giữ Làm Tin" đã được ca-sĩ Tâm-Vấn trình bày trên các làn sóng điện đài phát-thanh Sàigòn..(Duy biết những tin này sau Nguyễn cả tuần-lễ vì mỗi lần một tác-giả có bản nhạc được chọn trình bày lần đầu trên đài phát-thanh được đài gửi tặng tám trăm đồng như là thù-lao tác-quyền).
Qua văn-chương và nghệ-thuật cùng những cánh thư "màu xanh", càng ngày hai tâm-hồn Duy, Nguyễn càng gần nhau hơn.
     Thế rồi một mùa hoa phượng-vĩ nữa trôi qua. Duy dã xong năm Dự-Bị Văn-Khoa ở trường Đại-học văn-khoa Huế thì Nguyễn cũng xong Đại-Học Sư-phạm năm thứ nhất ở Đại-học Sàigòn.
Những cánh thư cứ tiếp tục nối liền giữa hai tâm hồn đồng điệu.
     Lại thêm một mùa phượng-vĩ trôi qua, Duy nhận được thư Nguyễn báo tin cho biết nàng vừa được học bổng sang Canada tiếp-tục chương-trình đại-học, nàng hẹn ngày hai đứa tốt-nghiệp...
Để khỏi phải nhớ Nguyễn đang ở xa, Duy vùi đầu vào sách vở để học nốt những chứng-chỉ văn-khoa còn lại.
     Rồi Duy ra trường và dạy học tại một trường trung-học ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Những cánh thư của Nguyễn vượt đại dương đều đều đến với Duy là nguồn an ủi lớn lao đối với Duy trong những ngày xa cách. Nguyễn luôn mơ ước một ngày trùng-phùng cùng Duy trên quê-hương. Nguyễn cũng báo cho Duy biết thời-gian xa vắng có thể kéo dài thêm vì Nguyễn học xuất-sắc nên được học bổng tiếp tục học thêm nên chưa có thể về được, khuyên Duy vững tâm chờ đợi...
     Dạy học được năm niên-khóa, theo lệnh gọi nhập ngũ của  nha Động viên, Duy rời nhiệm-sở vào thụ-huấn khóa 16  sĩ quan trừ bị tại Liên-trường Võ-Khoa Thủ Đức.
     Ra trường sĩ-quan, Duy được phân bổ phục vụ  tại một đơn vị chiến-đấu tại Quân khu I.
Mười hai mùa hoa phượng-vĩ yêu đương trong đó trải qua chín mùa chờ đợi người yêu xa vắng.
     Duy xấp-xỉ ba mươi tuổi, Cha mẹ Duy thấy Duy cũng đã lớn và lại đang tại ngũ, nay đây mai đó, chiến-đấu ở những nơi nguy hiểm có ý khuyên Duy nên lập gia-đình.
Duy cố thoái thác chờ đợi Nguyễn về...
     Lại một mùa hè nữa hững-hờ trôi qua...
5- Thế rồi một ngày đông lạnh lẽo trong dịp nghỉ lễ Giáng-Sinh, một cô gái Bắc tóc dài, giọng nói Hà-Nội đã đến sưởi ấm quả tim cô-đơn lạnh lẽo của Duy. Duy đã yêu nàng. Kinh-nghiệm những năm tháng đợi chờ cũ, chàng đã xin cưới nàng làm vợ sau khi đơn xin Bộ Quốc-Phòng cho phép sĩ-quan kết-hôn được chấp-thuận.
Cuộc sống lứa đôi của vợ chồng Duy vô cùng hạnh-phúc.
Sáu tháng sau ngày thành-hôn. Phải, một trăm tám mươi ngày, khi Duy ở vùng hành-quân về phép, vợ Duy trao cho Duy một lá thư của một cô gái tự giới-thiệu là bạn học cũ ngày xưa của Duy nhờ vợ Duy trao lại cho Duy.
Nhìn những nét chữ thân quen, Duy đã biết là ai nhưng không tiện mở ra xem nội  dung bên trong.
Duy ân-cần hỏi vợ :
“Cô ấy đến nhà lúc nào và có nói chuyện gì không em? Còn lá thư đã viết sẵn hay sau khi gặp em cô ấy mới viết?”
“Em đang đứng trông hàng với má thì có một cô gái lớn tuổi hơn em (em đoán thế) bước vào cửa hàng.
Tưởng khách mua hàng, em đon-đả chào:
“Chào cô, cô muốn mua gì ạ?”
Cô cười, chào em rồi buột miệng hỏi:
“Xin lỗi chị...chị là gì của anh Duy... mà sao chị lại nói tiếng Bắc sõi như thế?”
Em trả lời:
“Thưa, em là em của anh Duy ạ!”
Cô gái thốt lên:
“Ồ! anh Duy có người em gái xinh như thế này mà lâu nay anh ấy có khi nào nói cho bạn bè biết đâu.”
“ Xin lỗi, chị là bạn  của anh Duy em à?”
« Vâng, bạn từ lâu lắm rồi, nhưng tôi mới đi du học nước ngoài về. Nhân dịp ra thăm lại những thắng-cảnh miền Trung nên ghé thăm anh Duy, nhưng rất tiếc là anh ấy đang đi hành-quân nên không gặp được... Tôi muốn viết vài chữ để nhờ chị vui lòng trao lại cho anh ấy vì chiều nay tôi còn phải ra Huế thăm mấy người bạn nữa. Sau đó đáp máy bay về lại Sàigòn.”
“Chị ấy nhìn em, cám ơn em và không quên nhắc lại:
“Chị thật là xinh đẹp. Chị thật là... hạnh-phúc hơn người!”
“Chị ấy chào em rồi vội vã đi ra.
Trông chị ấy lúc vào thì vui tươi, nhưng lúc ra về thì gương mặt phảng-phất nét buồn không nói thành lời. Em không biết vì sao?”
Nghe vợ kể lại xong. Duy buồn bã, vào phòng mở thư ra đọc:
"Anh Duy,
Hứa với Anh là học xong, Em về ngay để gặp Anh. Thấy chị xinh quá, anh thật là có mắt tinh đời (mặc dù anh cận-thị nặng!). Chúc Anh Chị hạnh-phúc mãi mãi. Hàng ngày anh nghe giọng Hà-Nội bên cạnh sẽ nhớ... "nhà thờ Nhà Nước!". Còn em, sẽ không bao giờ quên được bãi biển Cửa Đại ngày nào...
Thân ái,
NGUYỄN "
 
  ©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG

 

1. CỠI NGỰA XUỐNG TRẦN

Tập thơ của nhà thơ HOÀNG-QUY ấn hành  năm 2004 do Nhà xuất bản ĐÀ-NẴNG, VIỆT-NAM)
  Phương-Duy TDC giới thiệu
  Tôi chẳng biết chàng thi sĩ HOÀNG QUY, sinh năm  Kỹ Mão (1939) tại  Đại Bình, Quế sơn, tỉnh Quảng Nam nay đang ở chốn nào, cõi nào trên hành tinh này mà chàng CỠi NGỰA XUỐNG TRẦN ?
Nơi chàng sinh ra, một bên núi cao, một bên sông rộng, trên con sông THU BỒN nổi tiếng của Quảng Nam có phong cảnh rất hữu tình thơ mộng  nên nơi đó cũng có nhiều nhà thơ (cũng có họ hàng xa gần với chàng) như Bùi Giáng, Tạ Ký, Tường Linh, Cung Diễm (Tú Lắc, Hoàng Kim Dũng)
Nếu nhà thơ dùng chữ “xuống trần” thì chàng phải ở cõi trên”?
Có người bảo nhà thơ đã” đi tu” sau khi đã “đi tù”.
 Lại có người gặp chàng “đi buôn” khi đã chán đời buồn.
Rồi bỗng nhận được tập thơ chàng gửi tặng,cho người mang tới nhà đưa tận tay tôi, tôi mới biết em tôi : HOÀNG-QUY” đã:
“nhớ nhau cỡi ngựa xuống trần
Xem trong hạt bụi phong trần những ai.”
  Tôi cũng nhớ “chú em” hơn hai mươi năm anh em xa cách chưa gặp lại.
Giống như truyên “trăm trứng ngày xa xưa” : 50 lên núi, 50 xuống biển.
“Hoàng Quy lên núi tu tiên,
Tôi ra biển cả đến miền cờ hoa!”
Tập thơ CỠI NGỰA XUỐNG TRẦN in rất trang nhã.
Dày một trăm trang chứa đựng năm mươi bài thơ.
Tôi lần lượt sẽ đánh máy lại và gửi bạn đọc thưởng thức trong nhiều kỳ.
ĐÊM TRĂNG UỐNG RƯỢU TRÊN SÔNG CỬU LONG
  Em đã sang sông chiều nào tiễn biệt
ngọn gió đìu hiu thổi mãi qua lòng
tà áo lụa phất phơ bờ cỏ dại
còn ghé qua đây gửi chút hương nồng
ngọn so đũa đu đưa chiều ngả bóng
lá bay bay, mưa một dải sông đầy
ta gõ nhịp lòng reo như song vỗ
sầu nghiêng nghiêng trăng xế nửa khoang thuyền
đêm sầu thẳm, lòng ta thêm giá lạnh
dù bên sông em có gọi trăng khuya
ta vẫn biết cỏ cây còn nghẽn lối
mặt trời buồn mai sớm dọi quanh đây
ta vẫn hát dù đêm sâu trùng điệp
thuyền cứ lênh đênh một dải sông đầy
 
                             Cửu Long giang, 1980
***
ÁO TRẮNG QUA CẦU
 
               Tặng anh Đỗ Tấn
 
gió theo tà áo qua cầu
 với mây theo gió, gió đâu hẹn hò
 em về lòng những bơ vơ
 bước xiêu hồ đã quanh co nửa vời
 anh theo áo trắng qua cầu
 cầu bay theo gió, áo bay lên trời
 tay vin hồn dựa lưng cầu
 hỏi em chốn ấy cơn sầu với ai
 nắng nghiêng dòng nửa sông dài
chiều trôi mấy thuở tóc phai mây trời
 trên cao giờ cũng tơi bời
 lòng ta lãng đãng nối lời vô biên
 
                                    Huế 1973
***
   ÁO LỤA
  em phơi áo lụa ngoài sân vắng
anh gởi thương về để nhớ nhung
 nắng úa đầu hiên chiều lắng xuống
 phất phơ tà áo trắng vô cùng
 
 từ bữa thương nhau lòng nhớ  lòng
 mây bay tà lụa trắng mây bồng
 mây lùa trong tóc bay theo áo
 mây gọi hồn anh trong mắt trong
 
em thẹn thùng như áo lụa bay
 áo bay đầy nhớ cả chiều nay
 ngày em mười sáu anh mười tám
 tình gởi đầu mi hẹn cuối mày
 
 đã bốn mùa em may áo thu
aó vàng theo lá rụng bờ thu
 anh xin mây trắng về thương nhớ
 chải lụa ngày xưa mơ áo thu
 
ai phơi áo lụa ngoài sân nắng
 để gió thu về lả lướt bay
 áo vẫn còn nguyên màu lụa trắng
 chiều trôi áo nắng níu chân ngày
 
tà áo lụa xưa ngút cuối trời
 em còn may áo lụa hay thôi
 anh còn lưu luyến trăng mười sáu
 mười sáu trăng buồn theo lứa đôi.
 
                            ( Sài gòn, 1963)
          NGƯỜI XƯA PHỐ CỔ
 
vẫn trăm năm nữa, thầm thì
bước chân phiêu lãng có về nữa không
rêu phong mờ ảo tấc lòng
em qua phố cổ tay bồng vai mang
tội tình một kiếp đa đoan[
lá khô que củi mang mang sầu đời
đợi gì một hạt mưa rơi
 mà phương trời cũ vẫn nơi hẹn hò
ngày  qua hiu hắt trang thơ
đêm qua ngậm ngải bơ vơ chỗ nằm
người xưa đã quá xa xăm
phố xưa úp mặt khóc thầm cùng ai
ta về níu vạt áo dài
 che đầu hát khúc thiên thai tạ đời
 
                               Hội An, 1981
  ©PHƯƠNG-DUY TDC giới thiệu
(NOVEMBER 2012)